Một người dùng có tên Mike Seberger đã phát hiện được hình ảnh khá giống xác một chiếc máy bay bị chìm dưới đáy biển tại khu vực đang nghi máy bay mất tích. Hiện các chuyên gia đang nghiên cứu hình ảnh này.
|
Mike Seberger đã phát hiện ra hình ảnh vật thể giống máy bay MH370 bị chìm dưới biển. |
DigitalGlobe trong 5 ngày qua đã đưa lên nhiều hình ảnh độ phân giải cao ở vùng biển đang tiến hành tìm kiếm chiếc máy bay MH370 và cho phép người dùng Internet truy cập vào để rà soát từng phạm vi nhỏ nhằm phát hiện những dấu hiệu khả nghi như vệt dầu loang hay mảnh vỡ máy bay.
Độ phân giải của các bức ảnh lên đạt tới 20m trên mặt biển tương ứng 1 cm trên màn hình máy tính có độ phân giải tiêu chuẩn thông thường. Nhờ độ phân giải cao này, người dùng Mike Seberger đã nhận ra được hình dạng khá giống với một chiếc máy bay đang chìm dưới nước. Hiện dấu hiệu này đã được chuyển cho các chuyên gia phân tích.
Mike Seberger đã phát hiện ra điểm khả nghi này trên hình ảnh của Tomnod vào sáng Chủ nhật vừa qua. Trả lời CNN, Seberger cho biết: “Lúc đầu, tôi đã bỏ qua nó và nghĩ rằng không có lẽ nào mình lại tìm ra được thứ giống máy bay nhanh như vậy, nhưng sau khi kéo ngược hình ảnh lại, tôi tự nhủ rằng đó có nhiều điểm đồng dạng với một chiếc máy bay”.
Vùng biên vịnh Thái Lan đang được người dùng Internet tập trung tìm kiếm qua hình ảnh vệ tinh. |
Hơn 25.000 người đã truy cập vào trang Tomnod.com để tình nguyện hỗ trợ tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia qua các hình ảnh vệ tinh của DigitalGlobe, khiến cho trang web này liên tục bị quá tải. Các nỗ lực tìm kiếm bằng hình ảnh vệ tinh ban đầu được tập trung vào vùng biển giữa Malaysia và Việt Nam trước khi mở rộng sang eo biển Malacca và biển Andaman.
Người dùng sẽ tham gia tìm kiếm bằng cách phóng to hình ảnh vệ tinh và đánh dấu vào những điểm nghi ngờ có liên quan đến vụ rơi máy bay. Các điểm đánh dấu này có thể được đánh trùng nhau bởi nhiều người, nhờ đó gia tăng sự chú ý khi có hình ảnh khả nghi.
Tất cả các điểm đánh dấu sẽ được những chuyên gia phân tích và 10 điểm đáng chú ý nhất sẽ được chia sẻ với cơ quan chức năng của Malaysia.
Đây không phải lần đầu dịch vụ của Tomnod được sử dụng vào việc tìm kiếm và khắc phục thảm họa, sau trận siêu bão Hải Yến đổ bộ vào Phillipines hồi tháng 11 năm ngoái, hàng ngàn người đã đăng ký vào trang tìm kiếm ảnh qua vệ tinh này để tìm và xác định những đối tượng bị mất tích và các khu vực bị tàn phá.
H.P. (Theo Daily Mail)