- 4 triệu thuê bao truyền hình trả tiền (THTT), chiểm tỷ lệ 20% trong tổng số 20 triệu hộ gia đình ở Việt Nam là một con số khiêm tốn và thể hiện tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam vẫn còn rộng lớn. Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều nhà cung cấp dịch vụ, việc phát triển thuê bao ở các thành phố sắp đến điểm bão hòa... khiến sức ép cạnh trạnh trên thị trường ngày càng trở nên gay gắt.
Thị trường truyền hình trả tiền được dự báo sẽ cạnh tranh khốc liệt trong thời gian tới. |
Ngay trước khi các “đại gia” viễn thông như VNPT, Viettel, FPT chính thức tham gia cung cấp dịch vụ THTT, thị trường đã rầm rầm các cuộc giảm giá, khuyến mại của các nhà đài nhằm chiếm giữ trước các thuê bao của mình.
Các hãng truyền hình cáp đã đánh vào tâm lý chuộng rẻ của người dân khi tung ra những gói cước giá chỉ trên dưới 60.000 đồng/tháng. Truyền hình cáp TP.HCM (SCTV) còn rầm rộ mở rộng thị phần ra các tỉnh miền Bắc, phí thuê bao của SCTV đang áp dụng ở Hà Nội trọn gói là 60.000 đồng, xem được tới 130 kênh trong đó có 25 kênh HD. Tương tự, Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) cũng áp dụng chương trình khuyến mại dịch vụ truyền hình HD, chỉ cần bỏ ra 600.000 đồng, khách hàng được sở hữu bộ đầu thu HD (trị giá 1.100.000 đồng).
Không đứng ngoài cuộc, các hãng truyền hình vệ tinh như An Viên (AVG), VTC cũng tung ra gói khuyến mãi tặng một năm thuê bao cho khách hàng mua bộ giải mã tín hiệu và khuyến mãi thẻ gia hạn cho các thuê bao cũ.
Thậm chí, dù luôn giữ quan điểm đứng ngoài cuộc chiến về giá nhưng mới đây, K+ cũng phải thay đổi chiến lược giá. Cụ thể, 3 gói kênh Access+, Premium+ và HD+ được cơ cấu lại thành 2 gói kênh mới là Access+ và HD+. Phí thuê bao gói Access+ là 85.000 đồng/tháng và PremiumHD+ là 220.000 đồng/tháng bất kể thời hạn 3, 6 hay 12 tháng. Ngoài ra, K+ cũng phải giảm giá thiết bị đầu thu SD từ 1,5 triệu đồng xuống còn 990.000 đồng; HD từ 2 triệu đồng/bộ xuống còn 1,8 triệu đồng/bộ để tăng tính cạnh tranh.
Ông Cao Văn Liết, Tổng giám đốc K+ lý giải sự điều chỉnh giá của K+ là dựa vào điều kiện thực tế. Giá đầu thu giảm do công nghệ số phát triển, bên cạnh đó, số lượng thuê bao phát triển lớn, cũng giúp cho K+ có điều kiện để điều chỉnh giá dịch vụ “mềm” hơn cho người dùng.
Cuộc cạnh tranh về giá trong truyền hình trả tiền sẽ ảnh hưởng lớn đến chiến lược kinh doanh của các nhà đài. Ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam cho biết: Thị trường truyền hình nên có các nhà cung cấp theo chiến lược giá rẻ hướng tới đối tượng khách hàng bình dân. Có doanh nghiệp lại theo định hướng dịch vụ cao cấp và hướng tới khách hàng có khả năng chi trả. Cần khuyến khích các loại hình dịch vụ phát triển để đáp ứng nhu cầu của khán giả truyền hình.
“Đến thời điểm này chúng tôi đã có 600 ngàn thuê bao. Chiến lược khác biệt của chúng tôi để cạnh tranh tập trung phát triển các nội dung đặc sắc để thu hút thuê bao”, ông Jacques Aymar, Phó tổng giám đốc K+ khẳng định. Hiện tại, K+ đang chiếm ưu thế, khi sở hữu bản quyền Giải Ngoại hạng Anh tới năm 2016, cũng như phát sóng nhiều chương trình truyền hình ăn khách trong lĩnh vực bóng đá, thể thao, giải trí.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, Truyền hình trả tiền là thị trường cạnh tranh lành mạnh, cần khuyến khích các nhà đài cung cấp dịch vụ với giá ngày càng rẻ, nhưng vẫn phải bảo đảm nội dung hay để người tiêu dùng sẽ được lợi.
- Hương Vũ