Thử nghiệm sử dụng iPad như một công cụ giáo dục dành cho trẻ mẫu giáo bắt đầu được thực hiện tại một thành phố ở Mỹ. Đây là một bước tiến mới cho ngành giáo dục mầm non, hay chỉ là một sự lãng phí về tiền bạc?


Sở Giáo dục TP Auburn (tiểu bang Maine, Mỹ) vừa công bố một thông tin rất đáng quan tâm. Mỗi lớp mẫu giáo trong khu vực công lập sẽ nhận một chiếc máy tính bảng mới nhất của Apple (iPad 2) kể từ mùa thu năm nay. Hội đồng giáo dục đã thông qua quyết định chi khoảng 200 nghìn USD để trang bị 285 chiếc iPad 2 cho cả giáo viên và học sinh. Một số trường học thí điểm sẽ nhận được thiết bị vào tháng 5, trước khi dự án này tiếp tục với hơn 300 trường mẫu giáo của TP này.

"Chúng tôi nhận thấy đây là một công cụ giáo dục cực kỳ quan trọng trong trường, thậm chí còn cần thiết hơn cả sách”, Tom Morrill, người quản lý một trường mẫu giáo tại Maine, cho biết trên tờ The Huffington Post.

Tuy nhiên, trước “hiện tượng” Auburn này, một câu hỏi được đặt ra: Liệu iPad 2 có phải là một thiết bị giáo dục thông minh dành cho những đứa trẻ còn chưa đầy 6 tuổi?

Cải tiến mới trong giáo dục?

Chủ trương trang bị iPad cho tất cả các trường mẫu giáo sẽ khiến Auburn trở thành TP hiện đại nhất tại Mỹ. Hội đồng giáo dục của TP tán thành chương trình này với rất nhiều lí do liên quan đến việc cải thiện chức năng giáo dục. Ý tưởng này bắt nguồn từ một trường mẫu giáo tại địa phương khi các giáo viên nhận thấy rằng, trẻ em học bảng chữ cái tốt hơn khi sử dụng các ứng dụng trên iPad. Bạn có thể thấy những điều tuyệt vời iPad 2 đang làm được - việc học chữ, số đều được trẻ em viết, vẽ một cách sinh động. Đây thực sự là điều chúng ta nên làm”, Tom Morrill, nói.

Giới chức sở Giáo dục Auburn hy vọng công nghệ tiên tiến sẽ thúc đẩy tỉ lệ biết chữ từ 62% lên 90% trong 2 năm. Nhờ thiết bị này, tỉ lệ trẻ em biết đọc, biết viết do đó sẽ nhanh chóng được cải thiện.

Nhiều phụ huynh học sinh cũng tin rằng, những chiếc máy tính bảng iOS sẽ giúp giáo viên có thể quản lý một nhóm lớn học sinh tới từng em một, mà không cần phải thuê thêm giáo viên.

“Việc sử dụng những chiếc iPad rất thích hợp đối với các lớp mẫu giáo và tiểu học và các lớp học giáo dục đặc biệt khác, vì chúng rất dễ sử dụng. “Có hàng trăm ứng dụng giáo dục khác nhau có thể thực hiện được chỉ nhờ một cái chạm tay vào màn hình”. Nick Sauers, nghiên cứu viên của Trung Tâm Nghiên cứu Cấp cao về Lãnh đạo công nghệ tại trường Đại học bang Iowa, nhận xét.

Hay lãng phí tiền bạc?

Không thể phủ nhận rằng sử dụng iPad 2 là một cách dễ dàng để các bậc phụ huynh có thể giúp trẻ tiếp cận với một nguồn thông tin giáo dục rộng lớn như bảng chữ cái, bảng số, các trò chơi, các câu chuyện kể; tuy nhiên, Nicole Martinelli, biên tập viên trên tờ Cult of Mac, cho rằng: “Hàng ngày, bọn trẻ đã chơi với máy tính của gia đình rất nhiều. Thế là đã quá đủ rồi. Và một chiếc máy tính bảng có thể sẽ biến thành đồ để chúng ném nhau và vẽ linh tinh ở trường mẫu giáo mà thôi”.

Trong khi đó, khi tính toán đến chi phí kinh tế, không ít cá nhân cũng lên tiếng khá gay gắt phản đối chương trình này. Một trong số họ, Leroy Walker, người đứng đầu Hiệp hội United New Auburn, phát biểu: “iPad là chưa cần thiết đối với lứa tuổi mẫu giáo. Với độ tuổi đó, iPad chỉ là một món đồ chơi, và món đồ chơi đó quá đắt đỏ”. Đó cũng là lí do không ít người lo ngại vì trẻ dưới 5 tuổi sẽ dễ dàng đánh rơi và làm vỡ những chiếc máy tính siêu phẩm của Apple.

Hơn thế nữa, theo nhiều nghiên cứu, cha mẹ cũng không nên sử dụng iPad cho mục đích giáo dục khi trẻ còn quá nhỏ vì điều đó sẽ dẫn đến sự suy giảm đối với thị lực và trí thông minh của trẻ em, cũng giống như tiếp xúc với hầu hết các thiết bị điện tử khác khi còn quá sớm.

Một số ứng dụng iPad miễn phí dành cho trẻ em

   1. Drawing Pad (vẽ, dán trên tranh)
   2. Clicky Sticky (tạo những bức tranh với các miếng dán với hỗ trợ âm thanh)
   3. My First Words (học từ bằng hình ảnh, có kèm âm thanh)
   4. Elias Farms (nghe âm thanh, xem hình ảnh và di chuyển trong trang trại)
   5. Virtuoso Piano (giúp bé tập chơi piano)
   6. Shape Builder (một ứng dụng trò chơi gồm âm thanh và hoạt hình)
   7. Toy Story (thế giới sách 3D đầy thú vị với tranh hoạt hình, hoạt động và trò chơi. Phụ huynh cũng có thể tự ghi âm giọng đọc của họ)
   8. iReading Stories Collection (bộ sưu tập các câu chuyện kể bằng hình ảnh, có hỗ trợ âm thanh)


V.Lê (Theo PCW/NewsYahoo)