- Sở TT&TT Hà Nội vừa công bố kết luận thanh tra hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình cáp của Công ty SaigonTourist (SCTV) trên địa bàn thành phố Hà Nội, sau khi nhận được đơn khiếu nại và phản ánh từ một số doanh nghiệp khác về việc SCTV cố tình "nhập nhèm", cung cấp dịch vụ truyền hình cáp analog trên những khu vực không được cấp phép.
Theo kết quả kiểm tra, SCTV bắt đầu các hoạt động cung cấp dịch vụ truyền
hình cáp tại HN kể từ ngày 6/9/2011, khi công ty này ký kết hợp đồng hợp tác với
Công ty CP Dịch vụ truyền thanh truyền hình Hà Nội (BTS) để triển khai một số
hoạt động liên quan đến dịch vụ truyền hình cáp trên địa bàn Hà Nội. Cụ thể, hai
bên sẽ "Trao đổi kênh chương trình truyền hình; hợp tác đầu tư triển khai hệ
thống mạng cáp truyền hình analog và kỹ thuật số trên địa bàn 03 quận, huyện:
Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Oai".
Sau khi có Giấy phép 189/GP-BTTTT, SCTV bắt đầu cung cấp dịch vụ truyền hình cáp
tới các hộ dân trên địa bàn Hà Nội. Tính đến ngày 31/03/2014, SCTV đã triển khai
cung cấp dịch vụ truyền hình cáp trên địa bàn 11 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy,
Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ, Thanh
Xuân, Thanh Oai.
Tuy nhiên, trên địa bàn các quận Long Biên, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Cầu Giấy,
Đống Đa, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Thanh Xuân, SCTV không ký hợp đồng cung cấp dịch vụ
truyền hình cáp Analog với khách hàng mà chỉ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ truyền
hình cáp kỹ thuật số. Như vậy SCTV không trực tiếp cung cấp dich vụ truyền hình
cáp Analog cho khách hàng. Tuy nhiên, trên hạ tầng mạng viễn thông của các khu
vực này vẫn có tín hiệu truyền hình cáp Analog của SCTV nên người dân đã sử dụng
tín hiệu này.
Sai phạm chỉ thực sự rõ ràng tại địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Oai. Hợp đồng cung cấp dịch vụ SCTV ký kết với khách hàng tại 3 khu vực này bao gồm cả dịch vụ truyền hình cáp kỹ thuật số và dịch vụ truyền hình cáp Analog. Tại các quận này, SCTV đã trực tiếp cung cấp dich vụ truyền hình cáp Analog cho khách hàng, vì vậy, SCTV đã thực hiện không đúng quy định về phạm vi cung cấp dịch vụ tại Điều 3 của Giấy phép do Bộ TT&TT cấp, đồng thời vi phạm vào Khoản 5 Điều 25 Quyết định 20/2011 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền.
Trước đó, ngay từ đầu năm, khá nhiều doanh nghiệp truyền hình trả tiền đã tố SCTV lách luật để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp analog tại Hà Nội dù không được phép. Vụ việc này thậm chí đã "đánh động" Bộ TT&TT khi cơ quan quản lý lo ngại đây sẽ là một tiền lệ xấu để các doanh nghiệp truyền hình trả tiền khác lách luật, cạnh tranh thiếu lành mạnh, thậm chí là phá giá thị trường.
Sở TT&TT Hà Nội cho biết đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính SCTV và yêu cầu doanh nghiệp này phải khắc phục tồn tại do các hành vi vi phạm gây ra, cụ thể là Khẩn trương tổ chức triển khai các biện pháp kỹ thuật, thỏa thuận lại nội dung hợp đồng cung cấp dịch vụ với toàn bộ các hộ dân khu vực 3 quận, huyện (Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Oai) và thông báo cho các hộ dân việc SCTV sẽ ngừng truyền dẫn tín hiệu truyền hình cáp Analog trên mạng viễn thông Hà Nội ) trước ngày 01/8/2014.
Trước đó, trong Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước tháng 5/2014 của Bộ TT&TT, đại diện Đài truyền hình kỹ thuật số VTC đã bày tỏ sự lo ngại về diễn biến thị trường truyền hình trả tiền, đặc biệt là trong thời điểm World Cup khi nhu cầu lắp mới hoặc nâng cấp gói cước của người dùng sẽ tăng vọt. "Việc thị trường cạnh tranh quyết liệt sẽ có thể dẫn tới những hành vi cạnh tranh không lành mạnh để giành thị phần, tăng lợi nhuận", gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp làm ăn chính đáng, VTC nhấn mạnh.
Trước những băn khoăn này, lãnh đạo Bộ TT&TT khẳng định cơ quan quản lý sẽ tính đến bài toán cạnh tranh trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trong thời gian tới về truyền hình trả tiền, nhưng trước hết, Bộ sẽ tiến hành sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường cho hợp lý. Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường quản lý, giám sát chặt thị trường để ngăn chặn các hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Trọng Cầm