Đánh giá cao dự thảo "Chương trình Phát triển Công nghiệp CNTT Việt Nam đến năm 2020" do Vụ Công nghệ Thông tin (Bộ TT&TT) xây dựng, song đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp lớn vẫn băn khoăn, liệu liều lượng công nghiệp phần cứng đã được nhắc tới đủ nhiều hay chưa.

{keywords}
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng khẳng định cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa DN với Nhà nước để phát triển công nghiệp CNTT Việt Nam. Ảnh: T.C

Ông Nguyễn Phước Hải (Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử VN) tâm sự thẳng thắn rằng những nội dung liên quan đến sản xuất và sản phẩm phần cứng được nhắc đến trong dự thảo còn khá ít, sơ sài, chủ yếu tập trung vào phần sản phẩm vi mạch điện tử, bán dẫn hoặc thành lập các tổng công ty cấp quốc gia. Dự thảo cũng chưa nêu ra được những mục tiêu cụ thể dành cho các doanh nghiệp phần cứng. Theo ông Hải,  Bộ TT&TT và các doanh nghiệp hàng đầu trong nước về phần cứng hiện nay cần ngồi lại với nhau để thảo luận về các mục tiêu rõ ràng hơn, cũng như về giải pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp phần cứng.

Có một thực tế không thể phủ nhận hiện nay là tuy doanh thu phần cứng đang tăng trưởng rất cao, đều đặn qua các năm, nhưng phần lớn trong đó là nhờ các doanh nghiệp FDI liên tiếp rót vốn, mở rộng sản xuất tại Việt Nam như Samsung xây dựng hai nhà máy ở Bắc Ninh và Thái nguyên, Nokia xây dựng nhà máy ở Bắc Ninh.... Phần đóng góp thực sự của các doanh nghiệp nội trong phân khúc phần cứng thực sự không nhiều, phần giá trị gia tăng mà Việt Nam được hưởng từ các dự án FDI cũng khá thấp, chỉ khoảng 10% trong khi Chính phủ đã đầu tư cho phần cứng rất lớn, thông qua hàng loạt ưu đãi đặc thù cho các doanh nghiệp FDI (giảm thuế/miễn thuế, ưu đãi tiền thuê đất....).

Cũng chia sẻ nỗi băn khoăn về phần cứng nhưng Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam Bùi Mạnh Hải lại có góc tiếp cận khác. Ông Hải cho rằng doanh nghiệp VN khó lòng chen chân được vào thị trường vi chip bán dẫn và cạnh tranh với những ông lớn như Intel, Samsung, Texas Instrument, bởi số vốn đầu tư cho một nhà máy sản xuất chip không dưới 1 tỷ USD. Chính vì sự hạn chế về nguồn lực này, Việt Nam chỉ nên chọn một số ngành trọng điểm để phát triển, theo mục đích tự lực, tự chủ về công nghệ, đảm bảo mục đích quốc phòng an ninh hơn là theo đuổi xuất khẩu. Nên chăng, Việt Nam nên đi từ công nghiệp điện tử rồi mới dần chuyển sang chip, mà đầu thu Set-top box là một lựa chọn hoàn toàn khả thi, xác đáng, khi mà nhu cầu về đầu thu tại VN sau khi số hóa truyền hình đang rất lớn, ông Hải đề xuất.

Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel tỏ ra lạc quan hơn hai đại diện Hiệp hội khi tin rằng, thị trường VN đang "hé lộ ra những cơ hội mới cho phần cứng". Thậm chí, theo khẳng định của ông, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận được các công nghệ thiết kế phức tạp như vi mạch, chỉ gặp khó khăn ở khâu sản xuất.

Tuy nhiên, nếu như bài toán sản xuất gần như không thể giải được trước đây thì sau khi các Tập đoàn lớn như Samsung, Nokia thâm nhập Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp phụ trợ cũng vào theo. "Họ sẵn sàng hỗ trợ chúng ta, nhận tái thiết kế những phần mà doanh nghiệp nội không thực hiện được. Đây là tin mừng để doanh nghiệp nội mạnh dạn tham gia thị trường phần cứng", ông Trung khẳng định. Tuy nhiên, quan điểm của đại diện Viettel là trước khi xây dựng Việt Nam thành một điểm đến về gia công thô hay xuất khẩu sản phẩm CNTT thì trước hết, bản thân thị trường trong nước cũng phải hấp dẫn. "Chúng ta không thể xây dựng Chương trình khi mà thị trường trong nước còn kém phát triển. Cơ quan quản lý cần có những chính sách để thu hút đầu tư và sự tham gia của tất cả các doanh nghiệp công nghệ, từ lớn đến nhỏ, cũng như khuyến khích người dân, doanh nghiệp trong nước tiêu dùng, chi tiêu cho công nghệ", ông kiến nghị. Các mô hình kinh doanh mới như Hợp tác Công - tư (PPP), thuê ngoài dịch vụ CNTT cũng cần được khuyến khích, bắt đầu từ khối cơ quan chính phủ để lan tỏa rộng ra xã hội.

Trước đó, theo đại diện Vụ CNTT, Dự thảo "Chương trình Phát triển Công nghiệp CNTT Việt Nam đến năm 2020" nêu rõ sẽ tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm CNTT, viễn thông mang thương hiệu Việt, thay thế hàng nhập khẩu nhằm khuyến khích sản xuất trong nước và bảo đảm an ninh, an toàn cho mạng lưới; tăng cường thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, sản xuất vi mạch điện tử, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ngành công nghiệp phần cứng - điện tử; Phát triển công nghệ hỗ trợ trong lĩnh vực công nghiệp phần cứng máy tính - điện tử, theo hướng sản xuất các linh kiện sạch, xanh, tiết kiệm năng lượng; Hình thành một số doanh nghiệp CNTT mạnh, quy mô lớn, sức cạnh tranh cao, có khả năng R&D, sản xuất ra các sản phẩm, dịch vụ CNTT quan trọng.

Đồng cảm với những băn khoăn của đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp CNTT nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng tâm sự rằng đây cũng là điều trăn trở của bản thân các nhà quản lý, bởi doanh số Công nghiệp CNTT trong những năm qua tăng rất cao, tính theo đơn vị tỷ USD nhưng tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, phần đóng góp của các doanh nghiệp FDI vẫn chiếm phần lớn.

"Phải làm sao để Chương trình không còn là tầm nhìn, là mong muốn, là ước vọng nữa mà phải xây dựng được những cơ chế rõ ràng, ai làm, làm ra sao, nguồn vốn từ đâu. Tôi rất mừng vì doanh nghiệp trong nước đã hiểu hơn, đã trăn trở hơn với việc xây dựng nền công nghiệp CNTT Việt Nam, song cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với Nhà nước thì mới có thể đạt được mục tiêu lớn mà chúng ta đều hướng tới", Thứ trưởng chia sẻ.

Trọng Cầm