- Với việc Thủ tướng Chính phủ chính thức "bật đèn xanh" cho chủ trương thuê ngoài dịch vụ ứng dụng CNTT trong khối cơ quan Nhà nước, có thể nói, chưa bao giờ cơ hội cho các doanh nghiệp CNTT nội lại gần như lúc này.

Hiểu một cách cơ bản nhất, thuê ngoài dịch vụ CNTT là hình thức cung cấp các phần mềm, hệ thống công nghệ dưới dạng dịch vụ, gói thuê bao. Toàn bộ hệ thống sẽ chạy trên nền tảng của nhà cung cấp, và nhà cung cấp dịch vụ sẽ đảm trách mọi khâu từ triển khai dịch vụ, vận hành cho tới bảo trì, bảo dưỡng cho khách hàng.

Trong dự thảo Nghị định Hướng dẫn một số điều của Luật Công nghệ thông tin về dịch vụ công nghệ thông tin, Thuê ngoài dịch vụ công nghệ thông tin được định nghĩa là việc thuê các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân độc lập với chủ đầu tư, tổ chức mua sắm về tổ chức, tài chính nhằm cung cấp, thực hiện các dịch vụ của chủ đầu tư hoặc tổ chức mua sắm đó.

Lợi nhiều bề

{keywords}
Thuê ngoài dịch vụ CNTT có rất nhiều ưu điểm, lợi ích dành cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Không khó để chỉ ra những lợi ích mà các cơ quan Nhà nước, tổ chức có thể nhận được khi thuê ngoài dịch vụ, nhất là khi xu hướng này đã phổ biến tại nhiều nước phát triển như Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản.

Theo phân tích của ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch HĐQT Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FIS) thì có bốn lợi ích không thể phủ nhận, dễ nhận thấy nhất từ xu hướng này, đó là vốn, thời gian, hiệu quả của hệ thống và con người.

Khi một cơ quan chuyển từ phương thức tự đầu tư sang đi thuê dịch vụ, thì trong những năm đầu tiên, thay vì phải bỏ ra cả một khoản đầu tư lớn cho hệ thống CNTT, họ sẽ chỉ phải thanh toán dần cho nhà cung cấp dịch vụ trong nhiều năm. Nói cách khác, với một số tiền ít hơn, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có thể triển khai được nhiều hệ thống CNTT hơn, có thể tạo đà để thúc đẩy việc ứng dụng CNTT nhanh hơn.

Nhưng vốn không phải là lợi ích lớn duy nhất. Đã là cơ quan Nhà nước thì không ai không "hãi" thủ tục phức tạp của quá trình đầu tư với rất nhiều công đoạn, thủ tục, từ thủ tục giải ngân cho đến thủ tục thiết kế, rồi chuẩn hóa công nghệ... Nhưng khi đi thuê, những thủ tục này sẽ do các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT tự làm. Ngay cả khâu thiết kế nhà cung cấp dịch vụ cũng sẽ đảm trách nốt nên chắc chắn, thời gian triển khai hệ thống, dịch vụ ở cơ quan nhà nước sẽ được rút ngắn đáng kể.

Khó khăn của một cơ quan Nhà nước khi quyết định đầu tư một hệ thống CNTT là họ không có kinh nghiệm, chuyên môn nên khi mua sắm vật tư sẽ dễ rơi vào tình trạng lãng phí, mua những sản phẩm quá đắt, không cần thiết hoặc mua sớm quá, chưa cần dùng ngay. Nói cách khác, khoản đầu tư đã không được tối ưu hóa, khiến cho giá thành hệ thống bị đội lên quá cao. Nhưng nếu như thuê ngoài, hiển nhiên là nhà cung cấp dịch vụ sẽ tự tối ưu hóa giá thành dịch vụ và chắc chắn, mức giá thành đó sẽ thấp hơn so với "khách hàng" tự đầu tư. Đấy là chưa kể thời gian để hệ thống đi vào hoạt động cũng ngắn hơn, khoản tiền đầu tư sẽ được thu hồi nhanh hơn, đồng nghĩa với hiệu quả đầu tư tăng lên, ông Bảo phân tích.

Cuối cùng, yếu tố không thể không nhắc tới là con người. Khi tự đầu tư hệ thống, tổ chức sẽ phải cần đến một lực lượng nhân sự CNTT đông để thiết kế, xây dựng, duy trì, vận hành hệ thống. Nhưng nếu thuê ngoài, công việc này hiển nhiên sẽ do nhà cung cấp đảm trách nên không cần phải huy động quá đông nhân sự nữa.

Đồng quan điểm với ông Bảo, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Tổng Giám đốc công ty Misa khẳng định với việc sử dụng dịch vụ dưới dạng thuê bao, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể dễ dàng tiếp cận các hệ thống quản lý cao cấp mà không cần tốn nhiều chi phí cho việc đầu tư máy chủ, hệ thống v...v... "Mô hình này mang tính cơ động, hiệu quả cao giống như thuê bao điện thoại, rất phù hợp với điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, các đơn vị - cơ quan hành chính Nhà nước", ông Hoàng chia sẻ.

Đã chín muồi để triển khai?

{keywords}
Ông Đỗ Cao Bảo, Chủ tịch HĐQT FPT IS

Câu hỏi đặt ra là, với rất nhiều ưu điểm như vậy, tại sao thuê ngoài dịch vụ CNTT lại chưa được đón nhận tại Việt Nam. Vì sao nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vẫn e dè với ý tưởng này như vậy, thậm chí còn chỉ ra vô số khó khăn, vướng mắc để "biện hộ" cho sự chần chừ, do dự của mình.

Tuy nhiên, theo ông Bảo thì độ trễ này thực ra không có gì khó hiểu và cũng hoàn toàn nằm trong quy luật chung của thế giới. "Tất cả các xu hướng mới (công nghệ hay dịch vụ) thì bao giờ cũng xuất phát ở các nước phát triển. Dịch vụ thuê ngoài cũng tương tự như vậy, được hình thành ở các nước phát triển khi họ đã đạt tới trình độ quản lý cao, độ văn minh cao. Khi ấy, họ mới nhận thức ra được sự lãng phí và nảy sinh nhu cầu tối ưu quy trình. Một trong những biện pháp để tối ưu chính là thuê ngoài".

Nhưng ngược lại, trình độ, nhận thức của người lãnh đạo cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng phải ở một mức nào đó thì họ mới có thể chuyển từ việc triển khai cụ thể sang chỉ làm kế hoạch, quản trị các doanh nghiệp thuê ngoài mà thôi. Trong khi ấy, các nước đang phát triển bao giờ nhận thức cũng chậm hơn và trình độ quản trị cũng thấp hơn nên đi sau các nước phát triển "là tất yếu".

Song nói như vậy không có nghĩa là thời cơ cho thuê ngoài dịch vụ CNTT tại Việt Nam chưa đến. Hoàn toàn ngược lại, Việt Nam được nhận định là có đầy đủ điều kiện chín muồi để triển khai rộng rãi mô hình này, vì nền CNTT Việt nam đang phát triển vượt trên trình độ phát triển chung của nền kinh tế. Thậm chí một số chuyên gia còn đánh giá độ sẵn sàng của Việt Nam còn cao hơn nhiều nước có cùng chỉ số phát triển kinh tế như GDP.

"Tuy nhiên, có đi được vào thực tiễn hay không thì còn phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của lãnh đạo. Rất may cho các doanh nghiệp CNTT nội là Chính phủ đang rất quyết tâm. Tôi nghĩ rằng sự quyết tâm này sẽ thúc đẩy mạnh thị trường cho thuê dịch vụ CNTT , nâng cao hiệu suất của đầu tư xã hội và giúp chúng ta đi nhanh hơn so với các nước cùng trình độ", ông Bảo lạc quan.

Chính phủ quyết tâm

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các thành viên của Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT. Ảnh: VGP

Các doanh nghiệp có lý khi lạc quan như vậy, bởi một trong những nội dung nổi bật, được nhắc đến nhiều nhất trong phiên họp toàn thể đầu tiên của Ủy ban Chỉ đạo Quốc gia về CNTT, do đích thân Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch, chính là quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy thuê ngoài dịch vụ CNTT trong khối cơ quan nhà nước.

Có thể nhận thấy nội dung này xuyên suốt trong rất nhiều ý kiến, phát biểu tại cuộc họp, được nhấn mạnh nhiều lần như là một giải pháp có thể "tạo được sự đột phá, động lực trong ứng dụng CNTT, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước". Và không kém phần quan trọng, hướng đi này sẽ mở ra cả một thị trường rộng lớn cho các doanh nghiệp CNTT nội phát triển.

Như lời của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, Ủy viên thường trực của Ủy ban thì thuê dịch vụ CNTT đang là xu hướng mới tại các nước phát triển. Hiện tại, Văn phòng Chính phủ và Văn phòng Quốc hội đều đã đi đầu trong việc thực hiện thuê dịch vụ CNTT trọn gói. Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sỹ Dũng tin rằng thực hiện cơ chế thuê dịch vụ CNTT sẽ "tạo sức sống cho thị trường Công nghệ trong nước".

Lý giải cho sự đồng thuận của các thành viên trong Ủy Ban Quốc gia, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng, mua sắm chính phủ phải là "đầu ra cho doanh nghiệp". Theo quy trình đầu tư, một dự án về CNTT phải mất hàng năm để hoàn tất thủ tục nên có khi được phê duyệt thì công nghệ đã lạc hậu. Cơ chế thuê dịch vụ công nghệ thông tin sẽ giúp khắc phục được tình trạng này, bởi nó sẽ rút ngắn đáng kể thời gian đầu tư, xây dựng hệ thống ban đầu.

Bản thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau khi nghe ý kiến của các thành viên, cũng đã đồng ý chủ trương thực hiện thuê dịch vụ ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước; giao lãnh đạo các Bộ TT&TT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Văn phòng Chính phủ khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách để thực hiện.

  • Trọng Cầm

Kỳ II: Bao giờ "cởi" được nút thắt cơ chế?