- Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son yêu cầu VinaPhone khẩn trương cùng với VNPT tổ chức mô hình chức năng, nhiệm vụ của Tổng công ty VNPT - VinaPhone theo Quyết định 888 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tổ chức lại các bộ phận kinh doanh hiện có của Tập đoàn.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của VinaPhone chiều 15/7, Bộ trưởng nhấn mạnh tất cả các hoạt động kinh doanh của VNPT sau khi tái cơ cấu đều sẽ tập trung gộp vào VNPT-VinaPhone, do đó, mô hình tổ chức của tổng công ty này cần phải "rõ ràng, không chồng chéo, không tạo sự cạnh tranh nội bộ" nhưng vẫn phải đảm bảo được chiến lược chuyên biệt, chuyên nghiệp và hiệu quả. Đồng thời, VinaPhone cần hoàn thiện bộ máy tổ chức chân rết, phân cấp mạnh cho các cơ sở, địa phương, trực tiếp chăm sóc khách hàng.

{keywords}

"Đây là thách thức nhưng cũng là thời cơ cho VinaPhone để trở thành nguồn thu chủ lực cho Tập đoàn", Bộ trưởng chia sẻ.

Trước đó, ông Lâm Hoàng Vinh, Phó Tổng Giám đốc VNPT, Giám đốc công ty VinaPhone đã thông báo tóm tắt về tình hình kinh doanh nửa đầu năm của nhà mạng này. Cụ thể,  VinaPhone đạt doanh thu xấp xỉ 12,1 nghìn tỷ đồng, đạt 48% kế hoạch được giao; Chênh lệch thu chi đạt gần 933 tỷ đồng, đạt 77% kế hoạch; doanh thu trả trước (toàn mạng) đạt xấp xỉ 5,4 nghìn tỷ đồng, bằng 47% kế hoạch; Có gần 21,7 triệu thuê bao đang hoạt động.

Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu, ông Vinh cho biết mô hình tổ chức của tổng công ty VNPT - VinaPhone có những nét đặc thù, khác biệt so với mô hình kinh doanh, hoạt động hiện tại của VinaPhone, bởi từ nay VinaPhone sẽ phải khai thác dịch vụ cùng với các ban kinh doanh khác của Tập đoàn. Để vượt qua những thách thức trước mắt, trong 6 tháng cuối năm, ông Vinh cho biết VinaPhone sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ chế quản lý điều hành, theo hướng tăng sự chủ động trong SXKD cho các đơn vị cơ sở, giảm thiểu chi phí quản lý...

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã nhất trí với kiến nghị của VinaPhone về việc được tiếp tục kinh doanh dịch vụ di động sau khi thành lập VNPT - VinaPhone nhưng nhấn mạnh rằng, khi kinh doanh dịch vụ, VinaPhone phải "liên thông, thống nhất, tập trung một mối, phù hợp đúng mục đích, giữ thương hiệu, để VinaPhone ngày càng phát triển, hoàn thiện tất cả các loại hình kinh doanh".

Vị Tổng tư lệnh ngành cũng đề nghị VinaPhone hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch SXKD được giao trong năm 2014, đảm bảo rằng trong quá trình triển khai đề án Tái cơ cấu không được làm ảnh hưởng, gián đoạn hoạt động SXKD. Sau khi MobiFone tách ra khỏi VNPT, Tập đoàn sẽ có điều kiện để tập trung đầu tư cả về hạ tầng lẫn con người cho VinaPhone để mạng này phát triển mạnh lên. Sở hữu một hạ tầng tốt, vốn là thế mạnh truyền thống của VNPT, VinaPhone cần quyết tâm trở thành "trụ cột doanh thu của Tập đoàn VNPT, đáp ứng những kỳ vọng to lớn của Chính phủ, của cơ quan quản lý và xã hội dành cho doanh nghiệp này.

Bộ trưởng cũng hiểu rằng, dù Đề án tái cơ cấu VNPT phù hợp với nguyện vọng của bản thân Tập đoàn cũng như với tình tình thực tế, nhưng không thể tránh khỏi những tâm tư nhất định từ phía cán bộ, nhân viên, lãnh đạo VNPT, nhất là khi việc tổ chức lại sẽ có những thay đổi cả về bộ máy, tổ chức, con người. Do đó, Đảng ủy Tập đoàn và công ty cần động viên đội ngũ cán bộ vì sự phát triển của VNPT nói chung và vì một VinaPhone phát triển bền vững trong thời gian tới, triển khai thành công Đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trọng Cầm