Thời điểm này với Sony quả đúng là Hoạ vô đơn chí. Chưa kịp khắc phục xong hậu quả của việc bị trộm ghé thăm, Sony lại đang phải đối mặt với một vụ kiện vì tội “tắc trách khi bảo vệ dữ liệu người dùng”.

TIN LIÊN QUAN



Mặc dù vậy, vụ kiện này chẳng khiến ai bất ngờ, khi mà cho đến thời điểm này, Sony chỉ thừa nhận mỗi việc là dữ liệu cá nhân của người dùng có thể đã bị rơi vào tay hacker.

Nguyên đơn là Kristopher Johns, một cư dân đang sống tại Birmingham, Alabama. Nơi thụ lý vụ kiện là Toà án quận Bắc California.
Hôm qua, Sony thông báo với báo giới rằng một hacker đã đột nhập thành công vào máy chủ PSN và Qriocity trong giai đoạn 17-19/4, và có thể đã tiếp cận được toàn bộ dữ liệu cá nhân của người chơi PlayStation, bao gồm cả thông tin về thẻ tín dụng. Sony hy vọng có thể khôi phục lại dịch vụ trong vòng 1 tuần.

Sony “bưng bít quá lâu”?

Trong đơn kiện, bên nguyên Johns cáo buộc Sony đã chờ quá lâu mới chịu thông báo về vụ hack. “Sony đã cố tình trì hoãn và không thể thông báo kịp thời cho các chủ thể có dữ liệu bị mất”. Hành động này có thể khiến người dùng không kịp trở tay và càng khiến cho hậu quả của sự vụ thêm phần trầm trọng.

Giới chuyên gia bảo mật đánh giá đây là một trong những vụ ăn trộm dữ liệu lớn nhất trong lịch sử và khối lượng dữ liệu đang nằm trong tay những kẻ tấn công thực sự đáng lo ngại. “Đây sẽ là tiền đề cho bất cứ dạng tấn công nào tiếp theo”, Tiến sĩ Paul Judge, Chủ tịch hang Bảo mật Barracuda Networks bình luận trên USA Today.

Về phần mình, Sony biện bạch rằng họ chỉ vừa mới phát hiện ra quy mô của vụ tấn công mà thôi.

“Có sự khác biệt về thời điểm khi chúng tôi phát hiện ra có kẻ đột nhập với khi chúng tôi biết được rằng có nhiều dữ liệu đến thế bị lọt vào tay kẻ tấn công”, Phó chủ tịch truyền thông Patrick Seybold của Sony giãi bày. “Phải mất vài ngày tiến hành phân tích chúng tôi mới nắm được quy mô của vụ tấn công”.

Bên nguyên đòi Sony phải bồi thường cho những tổn thất mà hãng gây ra, đồng thời theo dõi báo cáo tín dụng miễn phí cho tất cả các “nạn nhân” khác của vụ việc.

Tuy nhiên, thắng kiện Sony là một việc không hề dễ dàng, bởi hãng này đã khéo léo cài một điều khoản vào trong hợp đồng sử dụng dịch vụ, theo đó loại bỏ hoàn toàn liên đới trong các vụ mất mát dữ liệu.

Nhưng liệu chừng đó có đủ để bảo vệ đại gia Nhật Bản khi Toà án kết luận rằng hãng này thực sự thờ ơ và tắc trách trong việc bảo vệ người dùng của mình. Tuy nhiên, dù toà án pháp lý không thể làm gì Sony thì một toà án lương tâm chắc chắn sẽ không dễ dàng bỏ qua cho hãng, nhất là với  77 triệu người ìung đang bị đẩy vào tình thế nguy hiểm.

Trọng Cầm (Theo PCWorld)