Bích Ngọc, một nhân viên kế toán viên có thu nhập chưa đến 60 USD (hơn 1,2 triệu đồng)/tuần, lại mới sinh con nhỏ, vẫn quyết định dồn toàn bộ số tiền tiết kiệm được trong 4 tháng để mua chiếc iPhone đời mới nhất, nhằm "lấy le" với các đồng nghiệp vốn đang dùng iPhone đời cũ hơn.

{keywords}

"Tôi thích iPhone vì nó nhỏ, nhẹ và rất tinh tế", Ngọc cho biết. "Ai nhìn cũng phải ghen tỵ với chủ nhân chiếc máy".

Có thể nói, Apple đang tích cực tìm đến những khách hàng như Ngọc tại Việt Nam và trên toàn Đông Nam Á, những người sẵn sàng chi hơn 2 tháng lương cho một chiếc iPhone hoặc iPad, để tăng lợi thế cạnh tranh với đại địch Samsung Electronics. Apple thậm chí đã tiếp cận FPT, doanh nghiệp công nghệ lớn nhất đang niêm yết trên sàn của Việt Nam để triển khai các đại lý bán lẻ lớn tại các thành phố trọng điểm, như một phần của chiến dịch đẩy mạnh sự hiện diện của hãng trong khu vực.

"Apple đang có những nước cờ lớn tại Đông Nam Á", ông Tim Bajarin, Chủ tịch hãng tư vấn công nghệ Creative Strategies có trụ sở tại San Jose, California bình luận. "Nếu nhìn vào các con số, bạn sẽ thấy Android đã qua mặt Apple về smartphone, trong khi doanh số máy tính bảng thì suy giảm nặng trong năm nay". Việc tìm đến những thị trường tăng trưởng mới sẽ giúp Apple giải quyết những vấn đề nan giải nói trên.

Smartphone dùng hệ điều hành Android đang chiếm tới 78% thị phần toàn cầu trong năm 2013, tăng mạnh so với mức 66% của năm 2012, hãng Gartner cho biết. iPhone đang đứng ở vị trí số 2 với 16%, giảm nhẹ so với tỷ trọng 19% trong cùng thời gian. Thị phần tablet của Apple cũng giảm từ mức 53% của năm 2012 xuống còn 36% trong năm 2013, trong khi Samsung nhảy vọt từ mức 7% lên 19%.

Cổ phiếu Apple đã tăng giá 19% kể từ đầu năm, trong khi cổ phiếu FPT cũng tăng giá tới 32%, bỏ xa mức tăng trưởng trung bình 17% của chỉ số VN-Index, Bloomberg cho biết.

Các sản phẩm của Apple rất phổ biến tại Việt Nam, nơi giới trẻ rất chuộng thương hiệu, ông Lâm Nguyen, Giám đốc IDC Việt Nam cho biết. Ông Lâm dự đoán doanh số smartphone VN sẽ tăng 56%, đạt mốc 12 triệu máy trong năm 2014 và Apple sẽ chiếm một phần không nhỏ trong đó. "Có rất nhiều lựa chọn rẻ hơn nhưng iPhone vẫn được ưa chuộng vì tính thời trang và thể hiện địa vị xã hội".

Như để minh chứng cho nhận định của ông Lâm, doanh số iPhone tại Việt Nam đã tăng vọt tới 262% trong nửa đầu năm tài chính của Apple (khóa sổ ngày 29/3 vừa qua), theo chính tiết lộ của Tổng giám đốc Tim Cook trong cuộc họp báo hôm 23/4.

Chuỗi cửa hàng F.Studio của FPT được thiết kế theo các cửa hàng của Apple tại những thị trường phát triển, với phong cách nội thất tối giản và các nhân viên mặc đồng phục áo đen, nói tiếng Anh lưu loát, được đào tạo trực tiếp bởi chính Apple.

"Tại đây, tôi có thể tin tưởng chất lượng sản phẩm và còn nhận được sự hỗ trợ từ các nhân viên", Vương Hà, một khách hàng 41 tuổi chia sẻ. Chị đã chờ tới khi F.Studio mở cửa hàng tại Hà Nội mới quyết định sắm chiếc iPhone đầu tiên của mình, do lo sợ mua phải điện thoại nhái - một mối lo khá phổ biến và thường gặp ở người dùng Việt Nam.

Năm ngoái, FPT được chứng nhận là đối tác bán lẻ cao cấp (premium reseller) của Apple, cho phép bán đa dạng các hạng mục sản phẩm của Táo khuyết, từ iPod cho đến iPhone. Theo lời Tổng Giám đốc Bùi Quang Ngọc thì trong nhiều năm, Apple luôn từ chối yêu cầu hợp tác từ phía FPT. Khi ấy, ưu tiên bán lẻ của Apple nằm ở những thị trường khác. "Rồi họ bắt đầu tập trung vào Việt Nam. Đó là một thay đổi lớn với Apple. Đông Nam Á là một thị trường rất lớn", ông Ngọc giải thích.

Và trong nỗ lực tăng cường sự hiện diện của mình tại Đông Nam Á, Apple đã thành lập các quan hệ hợp tác bán lẻ như thương vụ với FPT tại các nước khác như Malaysia và Thái Lan. Cũng dễ hiểu thôi, 26% doanh thu của Apple hiện đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

"Chúng tôi đã hợp tác cùng nhiều doanh nghiệp lớn như Oracle, IBM, HP, Nokia, Samsung, Motorola..., nhưng Apple rất đặc biệt. Họ khắt khe, ngặt nghèo và không dễ làm việc cùng", ông Ngọc chia sẻ thêm. Trước khi được tuyển vào làm ở F.Studio, các ứng viên sẽ phải vượt qua nhiều vòng phỏng vấn, sau đó được huấn luyện thêm bởi các giám sát viên của FPT. Bản thân những giám sát viên này lại được chính đại diện của Apple đào tạo.

Chính sách chặt chẽ này sẽ giúp Apple kiểm soát được thương hiệu của hãng, nhất là cách bán sản phẩm tại các thị trường nước ngoài, ông Matthew Crabbe, Giám đốc nghiên cứu khu vực Châu Á - TBD của Mintel Group phân tích. Càng ngày, cuộc chiến tranh giành sự trung thành của người dùng sẽ càng dịch chuyển về Đông Nam Á. "Trung Quốc là một thị trường khổng lồ, nhưng sự cạnh tranh quá khốc liệt và cũng đã có dấu hiệu bão hòa. Nền kinh tế tiêu dùng ở Đông Nam Á, ngược lại, đang tăng trưởng. Apple hiểu rằng nếu muốn nhập cuộc, phải nhập cuộc thật nhanh. Họ phải kết nối với khách hàng, gây dựng thương hiệu. Mọi thứ đang được tiến hành rất khẩn trương", ông Crabbe kết luận.

Trọng Cầm