Táo khuyết vừa chính thức bác bỏ những lời cáo buộc mới đây rằng hãng này cố ý cài các chương trình cửa sau (back door) bên trong dịch vụ hoặc thiết bị của mình, cho phép chính phủ hoặc bên thứ ba theo dõi người dùng.

{keywords}

Trong thông cáo đăng tải trên tài khoản Twitter của nhà báo Tim Bradshaw của Financial Times, Apple cũng phủ nhận việc hợp tác cùng bất cứ cơ quan chính phủ nào để phát triển các phần mềm back door.

"Chúng tôi đã thiết kế iOS sao cho những chức năng "chẩn đoán" của nó không gây tổn hại đến tính riêng tư cá nhân và bảo mật thông tin của người dùng, nhưng vẫn cung cấp đủ thông tin cần thiết cho các nhà phát triển, bộ phận kỹ thuật của các doanh nghiệp và bản thân Apple để phục vụ việc giải quyết các sự cố kỹ thuật. Một người dùng buộc phải mở khóa thiết bị của họ, sau đó đồng ý "tin tưởng" một máy tính nào đó thì máy tính đấy mới có thể truy cập vào những dữ liệu "chẩn đoán" này. Người dùng cũng bắt buộc phải đồng ý chia sẻ thông tin, tức là thông tin sẽ không bao giờ được gửi đi mà không có sự hay biết của họ".

Những lời cáo buộc về lỗ hổng back door nhằm vào Apple và nhiều hãng công nghệ khác đã xuất hiện liên tục thời gian gần đây, đặc biệt là sau vụ Edward Snowden tiết lộ các tài liệu mật của NSA. Những lỗ hổng kiểu này sẽ cho phép các cơ quan chính phủ,  hacker của bên thứ ba và các tác nhân hiểm độc dễ dàng lẻn vào thiết bị và truy cập dữ liệu người dùng. Nếu đúng, những lời cáo buộc này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của các hãng công nghệ và tất nhiên là cả doanh thu của họ, bởi người dùng nhận ra các hãng công nghệ sẵn sàng hy sinh niềm tin của khách hàng để hợp tác với Chính phủ.

Thông cáo mới nhất của Apple được cho là để đáp lại cáo buộc của nhà khoa học Jonathan Zdziarski, rằng NSA có thể đã khai thác một số tính năng và dịch vụ nhất định trong iOS để thu thập dữ liệu của những mục tiêu tiềm năng. Trình bày chi tiết quan điểm của mình trong một cuộc hội thảo bảo mật diễn ra thứ Sáu tuần trước, Zdziarski không nói thẳng ra là Apple đã bắt tay với NSA để phát triển các back door, nhưng nhấn mạnh rằng những back door này "có tồn tại".

Trên blog cá nhân, Zdziarski khẳng định lại rằng, "Tôi KHÔNG cáo buộc Apple bắt tay cùng NSA, nhưng tôi nghi ngờ (dựa trên những tài liệu đã công bố), rằng một số dịch vụ CÓ THỂ đã được NSA sử dụng để thu thập dữ liệu về các mục tiêu mà họ chú ý". Zdziarski cho rằng có một số dịch vụ đang chạy trong iOS thực chất là "không cần thiết và không nên có mặt trong nền tảng nhưng đã được Apple cố ý đưa vào dưới dạng firmware và vượt qua được cơ chế mã hóa backup trong khi sao chép dữ liệu cá nhân của người dùng. Ông tin rằng nguyên việc này đã cần một lời giải thích xác đáng tới 600 triệu người dùng của iOS từ phía Apple.

Câu trả lời của Apple hôm qua dường như không thỏa mãn được Zdziarski. Trong một bài blog khác đăng tải vào cuối ngày, nhà khoa học này cho rằng Apple đã "vô tình" thừa nhận rằng có những back door đang tồn tại trong iOS, nhưng là để phục vụ mục đích chẩn đoán sự cố dành cho các khách hàng doanh nghiệm. Việc Apple chấp nhận những back door này sẽ tạo ra "những điểm yếu về riêng tư cá nhân".

"Tôi hiểu rằng mọi hệ điều hành đều có chức năng chẩn đoán, nhưng những dịch vụ này đã phá vỡ lời hứa của Apple với người dùng khi họ nhập vào mật khẩu backup, rằng dữ liệu trên thiết bị của họ sẽ chỉ được truyền đi khỏi điện thoại dưới dạng mã hóa. Người dùng bình thường không hề hay biết gì về cơ chế này". Zdziarski phân tích. Ông cũng đồng thời bày tỏ sự nghi ngờ về khẳng định của Apple rằng những back door trong iOS chỉ thuần túy phục vụ nhu cầu chẩn đoán.

T.C