Kể từ ngày 21/11/2014, hệ thống bán vé điện tử mới của Tổng công ty Đường sắt sẽ chính thức đi vào hoạt động, cho phép người dân dễ dàng mua vé tàu và cập nhật thông tin về hành trình tàu thông qua SMS, email...
Đại diện Tổng công ty Đường sắt và Tập đoàn FPT ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ Hệ thống bán vé điện tử. Ảnh: T.C |
Chia sẻ tại lễ ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ "Hệ thống bán vé điện tử" giữa Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam và Tập đoàn FPT sáng nay, 31/7, ông Đới Sỹ Hưng, Phó TGĐ Tổng Công ty Đường Sắt Việt Nam cho biết dự án sẽ triển khai trong 7 năm, chia làm 3 giai đoạn với tổng chi phí đầu tư 197 tỷ đồng. Trong đó, Giai đoạn 1 sẽ xây dựng, lắp đặt hệ thống, kéo dài trong 120 ngày kể từ ngày ký hợp đồng; giai đoạn 2 sẽ cung cấp hệ thống bán vé điện tử qua website tuyến Đường sắt Thống Nhất trong thời hạn 1 năm, bắt đầu từ ngày 21/11/2014 để kịp phục vụ người dân trước Tết Nguyên đán năm 2015; Giai đoạn 3 sẽ là cung cấp hệ thống bán vé điện tử hoàn chỉnh bắt đầu từ ngày 21/11/2015 với thời hạn 6 năm, áp dụng tại tất cả các ga thuộc đường sắt quốc gia trên toàn quốc.
Khi dự án đi vào vận hành, người dân có thể dễ dàng mua vé tàu và cập nhật thông tin về hành trình tàu mọi lúc mọi nơi thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau như tin nhắn, email, hệ thống bảng điện tử tại sân ga, trên tàu. Người dân sẽ có thể mua vé qua nhiều phương thức khác nhau như mua vé qua ứng dụng trên smartphone, đặt vé qua tin nhắn SMS, mua vé qua thiết bị bán vé tự động tại ga...., cũng như có thể sử dụng các loại thẻ thanh toán trong nước và quốc tế để mua vé.
Với hệ thống, việc phân phối vé trong các dịp cao điểm như Lễ, Tết sẽ được công khai hóa, người dân sẽ có được đầy đủ thông tin về quá trình phân phối vé, xếp hàng mua vé, từ đó chủ động lựa chọn hình thức di chuyển phù hợp. Họ cũng được cung cấp đầy đủ thông tin về lịch trình thực tế, số ghế còn trống trên mỗi chuyến tàu, đặt chỗ, giữ chỗ. Những thông tin này có thể cập nhật liên tục 24/7 thông qua email, ứng dụng smartphone/máy tính bảng, tin nhắn SMS và máy tính.
Ở chiều ngược lại, các công cụ phân tích hệ số sử dụng chỗ, luồng khách sẽ giúp Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng các chiến lược kinh doanh phù hợp với từng thời điểm, điều chỉnh giá vé một cách linh hoạt theo chiều và theo mùa vụ nhằm kích thích nhu cầu đi lại bằng đường sắt của người dân.
Điểm đặc biệt ở dự án này là hai bên sẽ hợp tác theo hình thức cung cấp dịch vụ CNTT, một chủ trương vừa được Thủ tướng Chính phủ chính thức "bật đèn xanh" trong khối CQNN. Trong đó, toàn bộ số vốn 197 tỷ sẽ do phía FPT chi trả. Tổng công ty Đường sắt không phải bỏ vốn đầu tư xây dựng hệ thống bán vé điện tử mà vẫn được sử dụng toàn bộ hệ thống. Đổi lại, phía Đường sắt sẽ phải trích lại 0.95% tổng doanh thu bán vé qua hệ thống cho phía FPT.
Theo lời ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường Sắt thì đây là một mô hình quản lý dự án "chưa từng có tiền lệ" vì hai bên sẽ cùng chia sẻ quyền lợi theo kiểu "cộng sinh". Trong khi đó, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT ví von đây là một cuộc "hôn nhân" mà hai bên gia đình cần có sự cam kết cao nhất, cùng nhau vượt qua các khó khăn và giải quyết các vấn đề nảy sinh của một mô hình mới, chưa từng được triển khai ở đâu khác tại Việt Nam.
"Nền kinh tế thị trường chỉ sợ thiếu khách chứ không ngại năng lực phục vụ. Chúng ta phải làm cho người dân thích đường sắt hơn các hình thức vận chuyển khác, muốn vậy, không có cách nào khác là phải thay đổi. Phải chấm dứt cảnh người dân chen lấn, xô đẩy mua vé về quê kể từ Tết này", ông Bình nhấn mạnh.
Trọng Cầm