Chưa bao giờ, các nhà trường được trang bị số lượng thiết bị công nghệ "đồ sộ" như hiện nay, nhưng thực tế thì sao? Nhà nước đầu tư một khoản tiền khổng lồ cho những trang thiết bị đó chỉ để thu về một hiệu quả rất nhỏ trong cải thiện chất lượng giáo dục.


Phó GS.TS Nguyễn Hữu Chí, Nghiên cứu viên cao cấp của Bộ Giáo dục & Đào tạo đã thẳng thắn nêu lên nghịch lý này, trước một cử tọa gồm nhiều lãnh đạo đến từ Bộ TT&TT, Bộ GDĐT, hàng chục lãnh đạo Phòng, Sở giáo dục và 90 đại diện nhà trường tham dự Hội thảo Smart.Edu 2014, diễn ra sáng 1/8 tại Hà Nội.

"Rõ ràng, câu chuyện lại quay về việc con người sẽ sử dụng các thiết bị công nghệ đó ra sao để đạt được hiệu quả thực sự, giúp ích thực sự cho chất lượng giáo dục", Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chí phân tích. Theo nhà giáo dục kỳ cựu này thì mọi nỗ lực đổi mới nền giáo dục Việt Nam cần phải xuất phát từ việc thay đổi nhận thức thực sự và "phải giảm thiểu thói quen có hại là một nền giáo dục tập trung vào thi cử".

"Hệ thống kiểm tra, thi cử hiện tại của chúng ta bất cập vì đo sai cái cần đo. Cái cần đo không phải là trí nhớ, là những kiến thức theo ý thầy mà phải đo được độ thông minh, sự tăng trưởng kỹ năng, thông minh của học sinh", ông nhấn mạnh. Do đó, ứng dụng CNTT vào giáo dục thì rất cần các nhà làm chính sách, các nhà trường phải đổi mới nhận thức, tư duy của mình, chứ không chỉ đơn thuần là xây dựng một giáo trình mới hay trang bị những thiết bị tối tân cho nhà trường là xong.

"Chuyện của mình, không phải chuyện người khác!"

{keywords}
PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA gọi đây là "cơ hội vàng" cho giáo dục VN. Ảnh: An Thao

Ngày 9/6 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 44 về Chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết số 29 của BCH TW Đảng khóa XI về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo". Theo đó, ứng dụng CNTT vào công tác giáo dục, đào tạo và dạy nghề sẽ là một trong 9 nhiệm vụ, giải pháp trụ cột để đạt được mục tiêu đưa nền giáo dục VN lên trình độ tiên tiến trong khu vực vào năm 2030.

Theo lời PGS. TS Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA thì đây thực sự là một "cơ hội vàng, đặc biệt quan trọng" để nền giáo dục đào tạo VN đổi mới, đột phá. Đặc biệt, sự bùng nổ của nền tảng công nghệ SMAC (Social / mạng xã hội – Mobility / Di động – Analytic / phân tích dữ liệu lớn – Cloud / điện toán đám mây) trên thế giới đã và đang hình thành nên cái gọi là hạ tầng giáo dục số (Digital Teaching Platform) cho phép phát triển những mô hình giáo dục thông minh trên nền tảng ứng dụng công nghệ. Các chuyên gia tin rằng, nếu tận dụng sức mạnh công nghệ, Việt Nam hoàn toàn có thể giải được cùng lúc 2 bài toán khó mà nếu không có CNTT, chắc chắn không thể giải được: Đó là chỉ trong một thời gian ngắn, vừa đào tạo được số lượng lớn nhân lực lại vừa nâng cao được chất lượng đào tạo.

{keywords}
Ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) khẳng định ứng dụng CNTT trong giáo dục phải là trách nhiệm của cả cộng đồng. Ảnh: An Thao

Tuy nhiên, một lần nữa thì vấn đề nhận thức lại được đặt ra. Với tư cách đại diện cho cơ quan quản lý trực tiếp lĩnh vực CNTT, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) khẳng định Bộ hoàn toàn ủng hộ việc đưa CNTT vào giáo dục, nhưng "phải làm thế nào để ngành giáo dục nhận thức được đây chính là việc của giáo dục", chứ không phải của ngành khác mới là điều then chốt.

Nếu như cách đây 6-7 năm, hầu như rất hiếm giáo viên soạn slide bài giảng, giáo án rồi chia sẻ online thì ngày nay, việc này đã trở nên rất phổ biến. Rõ ràng, CNTT đã làm thay đổi rất nhiều công đoạn, mắt xích nhỏ trong nền giáo dục. Nhưng bức tranh tổng thể đã đổi màu hay chưa thì câu trả lời dễ thấy là chưa. Vẫn còn đâu đó tâm lý cho rằng, ứng dụng CNTT để đổi mới là "chuyện nhà người" chứ chưa phải là chuyện cấp bách mà "nhà mình" không thể không làm.

"Cần xác định rõ rằng đổi mới giáo dục bằng CNTT không phải là công việc riêng của ngành giáo dục hay ngành thông tin - truyền thông, mà đó là trách nhiệm của cả cộng đồng", ông Đường khuyến nghị.

Còn theo ông Trương Gia Bình thì nay Nghị quyết của cấp cao nhất đã có, chủ trương đã rõ, các sở giáo dục, phòng giáo dục và nhà trường sẽ được "cởi trói" về cơ chế ứng dụng công nghệ trong đào tạo. Việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị rõ ràng sẽ khiến các hoạt động ứng dụng công nghệ trở nên thiết thực, có trách nhiệm và hiệu quả hơn hẳn so với trước đây.

Kỳ II: Lời giải nào cho bài toán đầu tư CNTT vào trường học?

Trọng Cầm