- Việc chuyển quyền cấp phát đầu số tin nhắn nội dung từ các nhà mạng về Bộ TT&TT đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết, để có thể hạn chế và ngăn chặn tình trạng tin nhắn lừa đảo phát tán mạnh trong xã hội.

{keywords}

Tại Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước tháng 7/2014 của Bộ TT&TT chiều ngày 4/8, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã bày tỏ sự lo ngại với hiện tượng tin nhắn lừa đảo đang có dấu hiệu rộ lên thời gian gần đây. "Đây là một hiện tượng rất nguy hiểm. Chúng ta mới phát hiện được một vụ, nhưng không ai biết còn bao nhiêu vụ chưa được khui ra", Bộ trưởng chia sẻ.

Trước đó, Chánh Thanh tra Bộ Nguyễn Văn Hùng đã phản ánh rằng thời gian qua, số lượng vụ vi phạm về tin nhắn lừa đảo có dấu hiệu tăng nhanh và đơn vị này đã phải xem xét xử lý khá nhiều trường hợp. Ông Hùng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông hết sức lưu ý tới việc quản lý dịch vụ đầu số, bởi hiện nay, chỉ cần doanh nghiệp nội dung (CSP) nào bị phát hiện vi phạm trên 2 lần là cơ quan công an đã có thể vào điều tra mà không cần xin ý kiến từ phía Thanh tra Bộ nữa.

Vụ việc điển hình nhất và cũng gây tốn nhiều giấy mực nhất của báo chí thời gian qua chính là vụ cơ quan công an đã bắt tạm giam ba đối tượng Lê Ngọc Tiến, Nguyễn Ngọc Quyết và Trần Ngọc Hùng trong vụ án phát tán tin nhắn lừa đảo, chiếm đoạt số phí dịch vụ nhắn tin lên tới 23 tỷ đồng từ người dùng di động.

Cụ thể, những bị can này đã mở 5 công ty là Vvas, Bắc Đại Dương, Vcontent, Thiên Ngân và Thiên Hà với thủ đoạn tương tự nhau, đó là phát tán hàng triệu tin nhắn lừa đảo từ các đầu số 7x68 và 7x77, với trên 27 cú pháp để chiếm đoạt tiền cước của các thuê bao. Nội dung tin nhắn thường cổ súy cho lô đề, tử vi bói toán, lừa đảo trúng thưởng để lôi cuốn thuê bao. Khi nhận được tin nhắn, chủ thuê bao gửi lại cho các đầu số sẽ tự động bị trừ từ 500đ đến 15 nghìn đồng/tin nhắn.

Vị đại diện Thanh tra Bộ cho biết, sau khi vụ án bị phát hiện, nhiều cơ quan báo chí đã chất vấn ông về trách nhiệm của nhà mạng, những người đứng ra cấp đầu số nội dung cho các công ty kiểu như Vvas, Bắc Đại Dương hoạt động.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng chia sẻ rằng về khâu quản lý nội dung thông tin trên mạng di động, Chính phủ đã có hẳn một chương quy định rõ trong Nghị định 72/2013, theo đó, nội dung thông tin phải được kiểm duyệt trước khi cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, muốn kiểm duyệt được thì phải có Thông tư hướng dẫn, nhưng cho đến nay, Thông tư này vẫn chưa được ban hành. Chính vì thế, các CSP cứ ký hợp đồng với nhà mạng là đã có được đầu số để kinh doanh mà không cần phải qua cửa của Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử để phê duyệt nội dung dịch vụ.

Nút thắt thứ hai là Thông tư về quản lý đầu số và nội dung thông tin đang được xây dựng quá chậm, đã kéo dài hai năm nhưng vẫn chưa xong. Trong khi đó, theo quy định hiện hành thì doanh nghiệp viễn thông không được phép quản lý, kiểm soát nội dung gửi đi trên mạng di động. Nói cách khác, nhà mạng chỉ có thể cung cấp hạ tầng, cho thuê đầu số để các CSP sử dụng mà thôi, còn sử dụng đầu số đó để gửi đi những tin nhắn như thế nào thì nhà mạng không có quyền "soi", càng không thể kiểm soát được CSP làm gì trên hạ tầng của mình.

"Nhà mạng giống như một người cho thuê xe chở hàng. Người thuê xe chở hàng gì, có phải hàng lậu hay không thì người cho thuê cũng không thể biết hay kiểm soát được. Không thể bắt người cho thuê chịu trách nhiệm về hàng hóa vận chuyển trên xe cho thuê được", Thứ trưởng Thắng ví von.

Dù cơ bản đồng tình với Thứ trưởng Thắng song Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chỉ ra rằng, người cho thuê tuy không kiểm soát được mục đích thuê xe của người đi thuê, nhưng hoàn toàn có thể nâng cao cảnh giác. "Nếu biết/phát hiện bên đi thuê nhiều lần chở hàng lậu, vi phạm thì ta có nên cho thuê tiếp hay không? Có thông báo cho cơ quan chức năng theo dõi, thu giữ hàng lậu hay không?", Bộ trưởng nêu câu hỏi. Nếu cả hai câu trả lời đều là không thì rõ ràng, nhà mạng có thể không cố ý nhưng đã vô tình tiếp tay cho người thuê chở lậu, bởi chỉ có đối tượng này thì mới thuê nhiều, thuê bằng mọi giá. "Nếu doanh nghiệp viễn thông cứ tiếp tay cho CSP như vậy thì sẽ gây bức xúc, phản cảm trong xã hội".

Do đó, Bộ trưởng nêu vấn đề rằng, nên chăng đã đến lúc Bộ thu hồi đầu số về để quản lý và trực tiếp cấp phát cho các CSP, bởi chỉ có cơ quan quản lý mới có thể kiểm tra, kiểm soát nội dung dịch vụ tin nhắn do các CSP gửi đi mà thôi. Còn nhà mạng, vốn cũng là một doanh nghiệp, không thể kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các doanh nghiệp khác được. Việc Bộ TT&TT trực tiếp quản lý đầu số cũng sẽ giúp hạn chế nhiều tồn tại hiện nay như đầu số thứ cấp hoạt động bát nháo, một số nhà mạng ưu tiên cấp đầu số đẹp cho các CSP ruột... Nếu như đầu số do Nhà nước quản lý và cấp phát thì nhà mạng sẽ chỉ chịu trách nhiệm cho thuê hạ tầng mà thôi.

Trọng Cầm