- Bộ TT&TT sẽ tập trung xây dựng các văn bản quy định chặt chẽ về giá cước, khuyến mại, chất lượng dịch vụ đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nhằm ngăn chặn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phá giá cũng như tín hiệu sóng phập phù như phản ánh của dư luận thời gian vừa qua.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Mic.gov.vn

Phát biểu tại Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước tháng 7/2014 chiều 4/8, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định cần tập trung quản lý thị trường truyền hình trả tiền, bởi đây là một thị trường đang có sự cạnh tranh rất quyết liệt. Trên thực tế, tuy đầu mối đơn vị cung cấp dịch vụ đã được thu hẹp lại, chỉ còn hơn 30 đơn vị so với con số 60 của trước đây, song sự tham gia của các doanh nghiệp viễn thông, vốn sở hữu hạ tầng mạnh và tiềm lực tài chính "khủng" đã tạo ra sức ép đáng kể cho nhà đài truyền thống. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp miền Nam Bắc tiến cũng tung ra hàng loạt chương trình khuyến mại "khủng" để hút khách và tạo chỗ đứng ở "mảnh đất mới", khiến cho các doanh nghiệp phía Bắc phải đứng ngồi không yên.

Nhìn trên bề nổi, sự cạnh tranh sôi động này đang khiến người dùng được lợi khi các chương trình khuyến mại được tung ra liên tục, ồ ạt từ gần như tất cả các doanh nghiệp lớn, từ miễn phí đầu thu cho đến giảm cước thuê bao, cũng như chào mời các mức cước rất hấp dẫn. Tuy nhiên, từ góc độ quản lý, nhiều vấn đề đã nảy sinh, đòi hỏi phải có sự "chấn chỉnh lại" đối với thị trường.

Đơn cử như cuối tháng 6, một số doanh nghiệp tố SCTV đã phát sóng analog không phép tại địa bàn Hà Nội. Kết quả kiểm tra của Sở TT&TT Hà Nội sau đó cũng đã xác nhận hiện tượng này, khi phát hiện SCTV đang phát tín hiệu analog vào mạng viễn thông tại một số quận như Hoàng Mai, Hà Đông, dù giấy phép kinh doanh mà đơn vị này được cấp không hề có nội dung này. Phía Sở TT&TT đã yêu cầu SCTV phải ngừng phát analog trước ngày 1/8, cũng như gửi thông báo rộng rãi tới cho người dùng trước khi ngắt sóng. Tuy nhiên, theo khảo sát ngẫu nhiên của VietNamNet tại một số hộ dân ở các quận trên thì tại thời điểm ngày 3/8, tín hiệu truyền hình SCTV vẫn đang xem được bình thường, chưa hề có dấu hiệu bị ngừng phát sóng như yêu cầu từ phía Sở.

Một vấn đề khác cũng đang được phản ánh tới cơ quan quản lý là việc các doanh nghiệp viễn thông lo nhà đài "bù chéo dịch vụ". Đây có thể coi là một diễn biến khá bất ngờ bởi trước đây, khi Bộ TT&TT quyết định mở cửa thị trường truyền hình trả tiền, chính các nhà đài mới là người lo lắng nhất về việc nhà mạng sẽ "bù chéo" doanh thu viễn thông sang truyền hình và chạy đua về giá cước. Tuy nhiên, diễn biến thực tế đã cho thấy, nhà đài vẫn luôn chiếm thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh này.

Ông Trần Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT trần tình rằng, với quy định hiện hành, các nhà mạng chỉ được phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền chứ không được phép sản xuất nội dung. Trong khi đó, các nhà đài vừa được cung cấp dịch vụ THTT, lại vừa được sản xuất nội dung, thậm chí còn được phép cung cấp cả dịch vụ Internet kèm theo. Những đặc quyền này có thể dẫn đến nguy cơ nhà đài sẽ lấy lợi nhuận từ các mảng kinh doanh khác để bù chéo cho dịch vụ THTT, giảm giá cước mạnh tay và cuối cùng là gây ra tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh trên thị trường.

Bên cạnh đó, theo ông Trần Mạnh Hùng, chỉ một số ít đơn vị hiện tại được phép biên tập và biên dịch nội dung các kênh truyền hình nước ngoài. Nhà mạng khi cung cấp dịch vụ THTT sẽ phải mua lại nội dung từ các đơn vị nói trên, dẫn tới tình trạng độc quyền về cung cấp dịch vụ nội dung. Giá nội dung đã tăng liên tục trong thời gian qua, đặc biệt là bản quyền truyền hình của những nội dung hấp dẫn như giải Ngoại hạng Anh, World Cup... khiến cho nhà mạng chịu sức ép lớn phải tăng giá thành dịch vụ.

"Nhà đài được khai thác quảng cáo nên càng nhiều thuê bao thì giá thành quảng cáo càng cao, họ càng thu được nhiều tiền. Ngược lại, nhà mạng không được kinh doanh quảng cáo nên càng nhiều thuê bao thì chúng tôi càng lỗ", ông Hùng chia sẻ.

Chính vì thế, VNPT xác định rằng thị trường trọng tâm của Tập đoàn này trong thời gian tới sẽ chỉ là đẩy mạnh IPTV (cụ thể là dịch vụ MyTV), tạm thời chưa có kế hoạch nhảy sang truyền hình cáp thông thường. Đồng thời, VNPT cũng sẽ chuyển  hướng sang sản xuất smartbox, cho phép người dùng theo dõi các chương trình yêu thích một cách liền mạch trên nhiều thiết bị khác nhau, từ TV cho đến smartphone, PC, máy tính bảng. Những chiếc đầu smartbox này sẽ do VNPT Technology nghiên cứu phát triển, sản xuất hoàn toàn từ phần cứng cho đến phần mềm và dự kiến giới thiệu ra thị trường trong Q1/2015. Một nhà mạng khác là Viettel hiện cũng mới chỉ dừng ở giai đoạn "thử nghiệm dịch vụ" chứ cũng chưa cung cấp truyền hình trả tiền một cách chính thức. Rõ ràng, miếng bánh "truyền hình trả tiền" tỏ ra khó nhằn hơn so với tưởng tượng của nhiều người.

Tạo một hành lang để thị trường này cạnh tranh lành mạnh nhưng vẫn phải đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, vì thế, là một bài toán đang đặt ra cho Bộ TT&TT. Bộ trưởng Son cho rằng, việc xây dựng các văn bản quy phạm, quy định rõ về tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng dịch vụ, quản lý giá cước, nội dung khuyến mại của truyền hình trả tiền là việc hết sức cần thiết để người dân có thể thực sự hưởng lợi từ sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Nói cách khác, cơ quan quản lý cần phải quản chặt cả về yếu tố kỹ thuật, chất lượng cho đến kinh tế (giá cước, khuyến mại) để hạn chế tối đa những biểu hiện cạnh tranh thiếu lành mạnh, phá giá, bù chéo hay độc quyền dịch vụ.

Hiện tại, Cục PTTH & Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT) đang xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình, trong đó tập trung khá nhiều vào lĩnh vực truyền hình trả tiền. Theo lộ trình, phiên bản 2 của dự thảo này sẽ được lấy ý kiến đóng góp từ các bên liên quan trong vòng hai tháng (25/8-25/10), trong khi dự thảo lần ba sẽ được hoàn thiện vào giữa tháng 11 để kịp trình lên Chính phủ vào ngày 17/11. Nếu không có gì thay đổi, dự thảo lần cuối sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành vào giữa tháng 12.

Trọng Cầm