Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng nhấn mạnh rằng, việc quản lý dịch vụ nhắn tin qua đầu số di động cần phải căn cứ vào tình hình thực tế và tính khả thi về mặt kỹ thuật, tránh tình trạng xây dựng xong nhưng không doanh nghiệp nào tuân thủ được.

{keywords}
Thông tư cần bảo vệ được quyền lợi của người dùng trước những hiện tượng như tin nhắn lừa đảo.

Quan điểm này được đưa ra trong phiên thảo luận sáng nay (6/8) về Dự thảo Thông tư quản lý dịch vụ nhắn tin trên mạng viễn thông di động, theo đó, Thứ trưởng cho rằng, mục tiêu của Thông tư là phải tập trung giải quyết được các vấn đề, bất cập, đang gây bức xúc nhất trong xã hội chứ không cần quá cầu toàn, ôm đồm hết mọi nội dung và khía cạnh vào một văn bản. Đây là việc cần thiết để đẩy nhanh tiến độ cho Thông tư này sớm được ban hành.

"Chúng ta nói mãi, nói bao nhiêu năm rồi mà tin nhắn rác, tin lừa đảo vẫn cứ tồn tại. Ngay từ năm 2009 - 2010 ý kiến về quản lý dịch vụ đã được khởi động rồi. Cục Viễn thông cũng bắt tay vào xây dựng Thông tư 2-3 năm nay rồi mà vẫn chưa thể ban hành được vì quan điểm không thống nhất giữa các bên. Tuy nhiên, đã đến lúc Bộ phải kiên quyết chứ không thể ngồi đợi doanh nghiệp thống nhất với nhau được", Thứ trưởng quyết liệt.

Có thể nói, vấn đề quản lý đầu số tin nhắn đang được đặt ra cấp bách nhất ở Thông tư này, sau hàng loạt vụ việc về tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo được phản ánh trên mặt báo trong thời gian gần đây. Ngay tại cuộc họp Giao ban Quản lý Nhà nước tháng 7/2014 của Bộ TT&TT, vấn đề tin nhắn lừa đảo cũng là một chủ đề rất "nóng" trên bàn nghị sự, khi Chánh thanh tra Bộ Nguyễn Văn Hùng lật lại vụ việc 3 đối tượng vừa bị cơ quan công an bắt tạm giam vì tội phát tán tin nhắn lừa đảo, chiếm đoạt số phí dịch vụ nhắn tin lên tới 23 tỷ đồng.

Thứ trưởng Thắng cho rằng, có 3 vấn đề cần phải tập trung giải quyết ở Thông tư quản lý dịch vụ nhắn tin, đó là quản lý phân bổ đầu số, tỷ lệ ăn chia giữa nhà mạng với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung và đặc biệt là cơ chế bảo vệ người sử dụng trước những hiện tượng như tin nhắn lừa đảo.

Đối với đầu số, quan điểm của Bộ TT&TT là việc chuyển quyền cấp phát, quản lý đầu số từ doanh nghiệp viễn thông về Bộ sẽ giúp hạn chế tình trạng hoạt động bát nháo hiện nay, khi trong thực tế, các Telco cấp đầu số cho CSP nhưng nhiều CSP không dùng đến, lại chuyển cho các sub-CSP khai thác. Bản thân các sub-CSP này cũng có thể trao tay đầu số cho các CP. Điều này khiến cho doanh nghiệp viễn thông mất khả năng kiểm soát và xác định ai mới đang là người trực tiếp sử dụng, khai thác đầu số và hệ lụy là khi các tin nhắn lừa đảo, tin nhắn rác được phát tán qua đầu số thì không biết quy trách nhiệm cho ai.

Tuy nhiên, để đảm bảo cho thị trường vẫn hoạt động bình thường, không bị hẫng hay ngưng trệ thì Thứ trưởng Thắng cho rằng, Bộ có thể sẽ vẫn tiếp thu cách cấp phát đầu số của doanh nghiệp viễn thông hiện nay để đảm bảo khả thi về mặt kỹ thuật, tránh tình trạng quá khó lập trình cho nhà mạng. Nói cách khác, việc quản lý sẽ phải căn cứ vào tình hình thực tế kinh doanh và kỹ thuật trên thị trường hiện nay. Sự đổi mới sẽ phải tiến hành từng bước để thị trường thích ứng dần.

Một vấn nạn mà người dùng kêu ca, bức xúc nhất hiện nay chính là việc nhiều CSP đi mua SIM trôi nổi trên thị trường để nhắn tin cho người dùng, quảng cáo dịch vụ và kêu gọi người dùng nhắn tin đến các đầu số dịch vụ. Tuy nhiên, những tin nhắn này hoàn toàn không có form mẫu, không nêu tên công ty cung cấp dịch vụ và cũng chẳng đề cập giá cước sử dụng dịch vụ là bao nhiêu tiền. Người dùng cứ tưởng chỉ vài trăm đồng hoặc vài nghìn đồng nên nhắn lại, nhưng hóa ra tài khoản có thể bị trừ tới 15.000 đồng. Đây thực chất là một hành vi lừa đảo, Thứ trưởng phân tích. Về phần mình, các nhà mạng khẳng định rằng nếu văn bản pháp luật quy định rõ form mẫu tin nhắn thì họ sẽ có thể chặn những tin nhắn này ngay trên hệ thống, không cho chúng tiếp cận người dùng để lừa đảo nữa.

Trọng Cầm