Toàn cầu hóa và áp dụng các công nghệ mới như S.M.A.C là tất yếu, nhưng các doanh nghiệp CNTT Việt cũng cần phải thận trọng, xây dựng những chiến lược kinh doanh phù hợp với quy mô, sức mạnh cốt lõi của mình và nhất là phù hợp với đặc điểm của một quốc gia còn nghèo như Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đề nghị các bên cần đánh giá kỹ lưỡng về các vấn đề liên quan khi áp dụng S.M.A.C |
Quan điểm thẳng thắn này được Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng chia sẻ với gần 400 cử tọa là các nhà quản lý, nghiên cứu khoa học và đại diện doanh nghiệp tham dự "Ngày Công nghệ Thông tin 2014" (sáng 22/8) với chủ đề "S.M.A.C - Nền tảng công nghệ phát triển thông minh". Dù khẳng định toàn cầu hóa đang là xu thế tất yếu của CNTT Việt nam, song Thứ trưởng cho rằng các bên cũng cần đưa ra những đánh giá kỹ lưỡng về các vấn đề liên quan khi áp dụng S.M.A.C, bởi "con đường toàn cầu hóa rất thách thức, chông gai".
Tuy nhiên, Việt Nam đang ở vào điều kiện phù hợp để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, nhất là khi Nghị định về Dịch vụ CNTT và Cơ chế Thuê ngoài dịch vụ CNTT trong các Cơ quan Nhà nước sẽ được Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian tới. Bộ đôi văn bản quan trọng này sẽ là cú hích cần thiết để thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT không chỉ trong các cơ quan, tổ chức mà còn lan rộng ra toàn xã hội. Và đồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp CNTT nội cạnh tranh bình đẳng, trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các xu hướng công nghệ mới nhất, Thứ trưởng phân tích.
Liên quan đến chủ trương khuyến khích thuê ngoài dịch vụ CNTT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng từng khẳng định mục đích của bộ đôi văn bản là để huy động được nguồn lực xã hội, giảm nguồn lực từ phía Nhà nước, từ đó tạo sân chơi cho các doanh nghiệp CNTT trong nước đủ khả năng cung cấp dịch vụ. Mục tiêu cuối cùng là khuyến khích được thị trường CNTT Việt Nam phát triển.
Kinh doanh trên nền tảng số
Ông Jonathan Krause, cố vấn cấp cao của hãng nghiên cứu Gartner đã đưa ra những góc nhìn đáng suy nghĩ về xu hướng S.M.A.C, khi dự đoán S.M.A.C sẽ thay đổi hoàn toàn thế giới và mọi ngân sách sẽ trở thành ngân sách chi cho CNTT còn mỗi cá nhân người dùng cũng sẽ trở thành một doanh nghiệp số, với tài sản kinh doanh chính là dữ liệu.
"S.M.A.C đang có được điều kiện thuận lợi nhất để tạo ra một cuộc cách mạng kinh tế toàn cầu. Kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số (Digital business) sẽ là xu hướng toàn cầu. Các doanh nghiệp lớn đều xây dựng digital business như một lợi thế cạnh tranh cốt lõi để chiếm lĩnh thị trường". Những doanh nghiệp nào có thể nhanh chóng xây dựng được mô hình kinh doanh bám vào S.M.A.C, khai thác sức mạnh của đám mây, của di động, của Dữ liệu lớn sẽ có cơ hội thành công vượt trội so với những đối thủ còn lại, ông Krause nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty MISA gọi đây là thời điểm "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", hoàn toàn chín muồi và thuận lợi để Việt Nam tham gia vào thị trường S.M.A.C. Về thiên thời, S.M.A.C đang là xu hướng của cả thế giới và Việt Nam không nên nằm ngoài xu hướng đó. Về địa lợi, Việt Nam đang có hạ tầng Internet tương đối tốt, giá rẻ so với các nước trong khu vực, 3G phủ sóng rộng khắp trong khi thiết bị di động cấu hình cao, giá thấp đang trở nên phổ biến. Về nhân hoà, Chính phủ đã chính thức bật đèn xanh cho chủ trương khuyến khích thuê ngoài dịch vụ CNTT.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, TGĐ MISA cho rằng Việt Nam đang có "thiên thời, địa lời, nhân hòa" để ứng dụng S.M.A.C. Ảnh: An Thao |
"Bản chất của S.M.A.C là cung cấp công nghệ dưới dạng dịch vụ nên Chủ trương khuyến khích thuê ngoài dịch vụ của Chính phủ sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho thị trường CNTT nội", ông Hoàng phân tích. Nhiều chương trình như Quản lý Hộ tịch, Quản lý trường học... đã được phát triển theo hướng S.M.A.C. Mô hình kinh doanh mới trong kỷ nguyên S.M.A.C chính là "bán dịch vụ, bán sự hài lòng của người dùng chứ không phải bán sản phẩm nữa", đại diện MISA chia sẻ.
Từ cách tiếp cận cụ thể hơn, bà Hoàng Song Nga, đại diện Microsoft lại lấy ví dụ của Agoda hay Muachung để cho thấy sự khác biệt khi ứng dụng S.M.A.C, mà cụ thể là dịch vụ đám mây của doanh nghiệp trong kinh doanh. Vào những thời điểm cao điểm như Lễ, Tết, lượng truy cập có thể cao gấp hàng trăm lần so với ngày thường. Nếu doanh nghiệp đầu tư máy chủ để đáp ứng nhu cầu lúc này thì cả năm, họ sẽ chỉ dùng hết công suất hệ thống khoảng 1-2 tháng là cùng. Những tháng còn lại, hệ thống sẽ "nằm đắp chiếu". Đây là một sự lãng phí nguồn lực rất lớn, mà rõ ràng, nếu đi thuê dịch vụ thì sẽ đạt hiệu quả hơn hẳn.
Trọng Cầm