Các công ty sản xuất tivi và các hãng phim Hollywood từ lâu đã cố gắng thuyết phục mọi người rằng, việc đeo thêm một cặp kính 3D sẽ cải thiện trải nghiệm xem phim và các chương trình truyền hình. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khẳng định, công nghệ 3D thực tế là một sự lãng phí tiền của.
Theo các nhà nghiên cứu, phim 2D cũng khơi gợi cảm
xúc tương đương phim 3D ở khán giả. Ảnh: Word Press |
Việc gia tăng hiệu ứng hình ảnh thực tế của các bộ phim và chương trình truyền hình 3D lâu nay vẫn được quảng cáo là mang tới cho người xem một trải nghiệm sống động và thật như cuộc sống hơn, so với công nghệ 2D ra đời từ trước nó rất lâu.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Utah (Mỹ) đã bắt tay tìm hiểu xem liệu những tuyên bố như trên có đúng hay không.
Nhóm nghiên cứu đã chọn lựa 4 trích đoạn phim tiêu biểu dài 5 phút, khêu gợi những trạng thái cảm xúc riêng rẽ từ các bộ phim “My Bloody Valentin” (kinh dị), “Despicable Me” (hài hước), “Tangle” (bi thảm) và “The Polar Expres”' (giật gân, ly kỳ), ở cả phiên bản 2D và 3D.
408 người tình nguyện đã được cho xem tất cả các trích đoạn phim trên. Trong quá trình đó, nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành đo lường trạng thái cảm xúc của họ, dựa vào lượng mồ hôi tay tiết ra, hơi thở và các phản ứng tim mạch, chẳng hạn như nhịp tim.
Kết quả hé lộ, chẳng có mấy khác biệt lớn về phản ứng sinh lý học của các đối tượng nghiện cứu đối với 2 dạng phim họ được xem.
Khác biệt rõ thấy duy nhất là lượng mồ hôi lòng bàn tay tiết ra trong một cảnh phim ly kỳ thuộc trích đoạn 3D của bộ phim “The Polar Express”. Nhóm nghiên cứu nhận định, điều này có thể vì nội dung 3D của bộ phim này đặc biệt có chất lượng cao, với nhiều hiệu ứng 3D ở mức độ phong phú hơn các bộ phim khác.
Theo chuyên gia Sheila Crowell, người đứng đầu nghiên cứu, khám phá mới ám chỉ, với tư cách là một phương tiện giải trí, công nghệ 3D có thể không mang tới trải nghiệm khác biệt so với công nghệ 2D.
Bà Crowell giải thích: “Cả công nghệ 2D và công nghệ 3D hầu như đều khơi gợi các phản ứng cảm xúc tương đương nhau. Điều này đồng nghĩa với việc, chi phí cho quá trình sản xuất phim và các chương trình truyền hình 3D đang không tạo ra điều gì khác, ngoài sự mới lạ.
Tất nhiên, chúng ta vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa về vấn đề này, nhưng phát hiện của chúng tôi giúp an ủi những nhà nghiên cứu không thể chi trả cho việc ứng dụng công nghệ 3D để hoàn thành công trình của họ. Đây cũng có thể là tin tốt lành đối với những người không muốn đeo kính 3D hoặc trả thêm tiền để xem các thể loại phim và chương trình truyền hình sử dụng công nghệ này”.
Tuấn Anh (Theo Huffington Post, Daily Mail)