Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, các doanh nghiệp kinh doanh Internet quốc tế khi cung cấp dịch vụ tại lãnh thổ Việt Nam phải có pháp nhân tại Việt Nam, phải thành lập văn phòng hoặc chỉ định cơ quan, tổ chức, cá nhân đại diện cho mình tại Việt Nam.
Đoàn Liên minh Internet châu Á (AIC) vừa đến thăm và làm việc với Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng tại trụ sở Bộ TT&TT sáng 10/9/2014. Đây là lần đầu tiên AIC đến làm việc tại Việt Nam. Các thành viên trong đoàn gồm ông Alex Long, Giám đốc Chính sách công và quan hệ Chính phủ Việt Nam, Công ty Google; ông Nick O'Donnell, Giám đốc Chính sách công khu vực châu Á Thái Bình Dương, Công ty Yahoo; bà Heather Grell, Giám đốc cấp cao Quan hệ Chính phủ, Công ty Apple; bà Isabelle Neo Xiao Yun, Giám đốc Quan hệ Chính phủ khu vực Đông Nam Á, Công ty eBay...
Lãnh đạo Google, Apple, eBay, Yahoo đặc biệt quan tâm tới những quy định trong Nghị định 72/2013 của Chính phủ Việt Nam và các văn bản liên quan tới việc quản lý cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Đồng thời bày tỏ mong muốn sẽ có đối thoại thường xuyên hơn với Bộ TT&TT để góp phần cải thiện chất lượng chính sách.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng (bên phải) tiếp đại diện Liên minh Internet châu Á sáng 10/9/2014 tại trụ sở Bộ TT&TT. Ảnh: Việt Thắng |
Đánh giá cao sự quan tâm của AIC đối với sự phát triển Internet tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết các cơ quan hữu quan của Việt Nam đang tiếp tục xây dựng Nghị định về dịch vụ CNTT và các Thông tư hướng dẫn Nghị định 72.
Thứ trưởng nhấn mạnh một số điểm quan trọng trong các văn bản pháp luật sắp tới có liên quan đến hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ của các công ty trong AIC. Đáng chú ý là Việt Nam sẽ bảo đảm việc lưu thông thông tin trên Internet được thuận lợi nhất, không có sự cản trở trao đổi thông tin trên Internet. Đây là cam kết của Việt Nam trong quá trình đàm phán gia nhập Hiệp định TPP.
Mặt khác, trong quá trình kinh doanh đầu tư cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh Internet quốc tế không phải đặt hệ thống máy chủ tại Việt Nam. Và Chính phủ Việt Nam không yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet phải chịu trách nhiệm về nội dung của bên thứ 3.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Internet, đặc biệt là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới sẽ phải phối hợp với Chính phủ Việt Nam để ngăn chặn, loại bỏ thông tin liên quan đến tội phạm, khủng bố, vi phạm pháp luật Việt Nam. Hai bên sẽ phải xây dựng cơ chế phối hợp trong quá trình hoạt động.
Đặc biệt, yêu cầu doanh nghiệp Internet quốc tế khi cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam thì phải có pháp nhân tại Việt Nam, phải thành lập văn phòng hoặc chỉ định cơ quan, tổ chức, cá nhân đại diện cho mình tại Việt Nam để khi cần có thể trao đổi thông tin nhanh chóng với Chính phủ Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ TT&TT cam kết sẽ kịp thời giải quyết khó khăn trong quá trình kinh doanh làm ăn của doanh nghiệp Internet tại Việt Nam theo đúng quy định pháp luật quốc tế và Việt Nam. "Cùng với lợi ích do Internet mang lại cho người dân, thì Internet cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt liên quan đến khủng bố, tội phạm, lừa đảo. Trách nhiệm của Bộ TT&TT là đồng thời với việc thúc đẩy phát triển Internet cũng phải bảo vệ người dân khi sử dụng thông tin trên mạng Internet. Hy vọng các doanh nghiệp trong nước và quốc tế cùng phối hợp với Chính phủ Việt Nam, Bộ TT&TT để hạn chế mặt trái của Internet, và phát huy mặt mạnh của Internet trong đời sống", Thứ trưởng Lê Nam Thắng chia sẻ thêm.
Theo ICTnews