- Trong bối cảnh nhà mạng (Telco) và các doanh nghiệp nội dung (CSP) vẫn chưa thể thống nhất với nhau về một tỷ lệ phân chia doanh thu cuối cùng, Thứ trưởng Lê Nam Thắng thẳng thắn đặt vấn đề rằng đúng là Doanh nghiệp ai cũng muốn "sống được", có nhiều lợi nhuận, nhưng từ góc độ người sử dụng thì sao? Các quy định của cơ quan quản lý một mặt tuy vẫn đảm bảo hài hòa, hợp lý lợi ích của các bên doanh nghiệp, nhưng mục đích cao nhất vẫn phải là bảo vệ quyền lợi của người dùng, của xã hội.

{keywords}

"Kể cả lợi nhuận doanh nghiệp có thấp đi một chút nhưng số lượng tin nhắn rác giảm mạnh, xã hội bớt bức xúc thì đó là lợi ích không thể tính được bằng tiền", Thứ trưởng lý giải cho việc Thông tư sắp ban hành của Cục Viễn thông về vấn đề Kết nối giữa Telco và CSP sẽ đưa ra nhiều quy định mới để quản lý thị trường chặt chẽ hơn.

"Trong số mấy trăm CSP đang hoạt động hiện nay, không thể phủ nhận thực tế rằng có nhiều doanh nghiệp phạm pháp, lừa đảo, làm ăn bát nháo, thiếu nghiêm túc. Những CSP này không chỉ gây thiệt hại cho Telco, cho các CSP kinh doanh nghiêm túc mà đương nhiên còn gây hại lớn cho người dùng, cho xã hội. Chính vì thế, bên cạnh việc tạo điều kiện cho thị trường nội dung di động phát triển, Nhà nước cũng cần phải quản lý thị trường này", Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh tại Hội nghị lấy ý kiến của các DN nội dung về dự thảo thông tư, diễn ra chiều 22/9 tại Hà Nội. Nói cách khác, trong lúc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tử tế, kinh doanh hợp pháp thì đồng thời cũng phải có những chế tài, biện pháp xử lý đối với số doanh nghiệp "không tử tế".

Việc tạo điều kiện cho CSP được thể hiện bằng việc Bộ TT&TT sẽ trực tiếp cấp phát đầu số cho DN, thay vì để các nhà mạng tự cấp phát đầu số như trước đây. Sự thay đổi này sẽ giúp đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các CSP trực thuộc Telco với các CSP độc lập, xoa dịu những khiếu nại hoặc phản ánh trước đây về việc có thể nhà mạng sẽ ém lại những đầu số đẹp, đặc quyền dành cho CSP "người nhà".

Cước quảng cáo chính danh cao nên phải lách?

Tuy nhiên, một trong số những vấn đề đặc biệt "nóng" tại Hội thảo chính là chuyện quản lý tin nhắn quảng cáo, giới thiệu dịch vụ, chăm sóc khách hàng của các CSP như thế nào. Đại diện VinaPlus là người đầu tiên nêu vấn đề khi phản ánh rằng, hiện đang có hiện tượng nhiều CSP dùng SIM rác, tin nhắn rác để giới thiệu, quảng cáo dịch vụ. Những tin nhắn này được gửi tràn lan vì cước nhắn tin rất rẻ, lại không chịu bất cứ sự hạn chế nào từ phía nhà mạng.

Trong khi đó, các CSP lớn, nghiêm chỉnh tuân thủ quy định thì phải đăng ký mã số định danh (brandname) với Telco để nhà mạng nắm được. Phí nhắn tin Brandname marketing cũng cao hơn nhiều so với cước nhắn tin bằng SIM bình thường, lên tới 800-900 đồng/tin nhắn.

Đồng quan điểm, đại diện ENET chia sẻ rằng Telco thu phí quá cao thì CSP, đặc biệt là các CSP nhỏ sẽ buộc phải lách để đảm bảo doanh thu và lợi nhuận. Có một thực tế là các CSP muốn dùng đầu số của mình để nhắn tin chúc mừng sinh nhật thuê bao, chăm sóc khách hàng đều phải chịu mức cước "tin nhắn vượt số lượng" rất cao, lên tới 600 đồng/tin, thay cho mức 100 đồng như trước đây. Lập luận của ENET là khách hàng càng hài lòng với CSP thì càng sử dụng dịch vụ nhiều, càng tạo nhiều doanh thu cho cả CSP lẫn Telco. Nhưng CSP không chăm sóc tốt khách hàng chỉ vì cước cao thì chẳng bên nào được lợi, cả Telco, CSP lẫn người dùng.

Tuy nhiên, đại diện Phòng Quản lý giá của Cục Viễn thông khẳng định rằng, Bộ TT&TT hoàn toàn không quy định mỗi tin nhắn chăm sóc khách hàng là 600 đồng, mà đây là thỏa thuận giữa các CSP với Telco. Cá nhân vị này ủng hộ quan điểm nên xếp tin nhắn chăm sóc khách hàng của các CSP vào nhóm tin nhắn nội mạng để giảm bớt chi phí cho CSP, từ đó các CSP có thể nhắn tin "danh chính ngôn thuận" và tiến tới hạn chế tình trạng spam tin nhắn quảng cáo rác bằng SIM trôi nổi trên thị trường.

Cần xử lý thận trọng

Dù vậy, đại diện VNCERT lại lưu ý rằng, luật quảng cáo đã quy định rất rõ rằng tin nhắn chăm sóc khách hàng, giới thiệu về dịch vụ phải tuân thủ các quy định về quảng cáo, nói cách khác là phải tuân theo cước tin nhắn quảng cáo. Trong thời gian tới, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) sẽ xây dựng quy định về cước tin nhắn quảng cáo trên cơ sở Nghị định 77 để làm cơ sở cho các CSP, Telco đàm phán với nhau.

Một ý kiến cũng cần cân nhắc là của đại diện Thanh tra Bộ, khi đơn vị này nêu giả thiết về việc một CSP mỗi ngày được phép "danh chính ngôn thuận" gửi 3 tin nhắn quảng cáo, giới thiệu dịch vụ cho thuê bao. Nếu nhân con số này với 400 CSP đang hoạt động thì số lượng tin nhắn quảng cáo mà người dùng nhận được trong ngày có khi "còn vượt cả tin nhắn rác" hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định, Bộ rất muốn bảo vệ các CSP làm ăn nghiêm túc. Việc Thông tư quy định các CSP phải có giấy đăng ký kinh doanh dịch vụ nội dung do cơ quan có thẩm quyền cấp chính là để hạn chế các CSP làm ăn chộp giật, chuyên cung cấp tin tức lô đề, xem bói, kích dục. Tương tự, Bộ cũng cần phải quản lý chặt đầu số quảng cáo dịch vụ, khi mà tin nhắn rác là vấn nạn đã hoành hành suốt nhiều năm qua, gây bức xúc lớn cho người dùng, xã hội mà chưa thể giải quyết được dứt điểm.

Một khả năng được tính đến là các CSP sẽ quảng cáo dịch vụ, chăm sóc khách hàng bằng chính đầu số được cấp của mình, hoặc thông qua một số thuê bao di động đã đăng ký từ trước với nhà mạng (brandname). Tin nào không có brandname, mã định danh của doanh nghiệp di động, không soạn nội dung theo mẫu quy định trong Thông tư (nêu rõ nội dung dịch vụ, giá cước, nhà cung cấp) thì người dùng có thể mặc nhiên coi đấy là tin nhắn lừa đảo, không sử dụng. Chỉ có như vậy mới có thể triệt để chặn được tin nhắn quảng cáo rác. Đồng thời, việc Nghị định 77 hạn chế số lượng tin nhắn tối đa mà một thuê bao được gửi đi trong ngày cũng sẽ góp phần siết thuê bao rác.

"Việc dẹp bỏ được tin nhắn rác là một lợi ích không thể tính được bằng tiền. Nếu cơ quan quản lý không có biện pháp xử lý, chế tài thì tình trạng dịch vụ nội dung lừa đảo người dùng tới hàng chục tỷ đồng sẽ vẫn còn tiếp diễn. Người dùng tin tưởng vào dịch vụ thì sẽ dùng dịch vụ nhiều hơn, bảo đảm cho thị trường phát triển ổn định lâu dài", Thứ trưởng kết luận.

Trọng Cầm