Kể từ cuối tháng 10/2015, HP sẽ chính thức tách thành hai công ty, trong đó HP Enterprise phụ trách các dịch vụ, phần mềm doanh nghiệp và máy chủ, còn HP Inc sẽ đảm trách mảng kinh doanh PC, máy in.


{keywords}

Cũng theo thông báo từ HP thì HP Inc sẽ được giữ lại logo hiện nay của hãng, trong khi HP Enterprise sẽ nhận được một hệ thống nhận dạng thương hiệu hoàn toàn mới. Tổng giám đốc hiện nay, bà Meg Whitman sẽ có vai trò ở cả hai công ty mới: ở HP Enterprise, bà sẽ là Chủ tịch kiêm CEO cũng như có chân trong Hội đồng quản trị, trong khi ở HP Inc, bà là chủ tịch Hội đồng quản trị nhưng không trực tiếp điều hành. Người chỉ đạo, điều hành công việc chung của HP Inc sẽ là Phó Chủ tịch điều hành mảng In và Máy tính cá nhân của HP hiện nay, ông Dion Weisler.

Ngay từ hôm Chủ nhật, tin đồn về việc HP xẻ đôi đã được nhắc đến trên Wall Street Journal. Giới phân tích đánh giá đây là một nước cờ táo bạo và thông minh của HP, một trong những thương hiệu kỳ cựu, lâu năm của Thung lũng Silicon. "Theo quan điểm của chúng tôi, thị trường IT doanh nghiệp đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt còn thị trường PC thì tuột dốc kể từ khi iPad ra mắt năm 2010, dù vậy, đã có những dấu hiệu tích cực xuất hiện trong năm nay", nhà phân tích Brian White chỉ ra. "Việc điều hành một công ty có quy mô như HP là hết sức khó khăn và thách thức, cộng thêm nhà đầu tư ngần ngại rót tiền cho một thị trường suy thoái lâu dài như PC, rồi nhu cầu tập trung hơn cho đám mây... là những động lực đằng sau quyết định này. Và chúng hoàn toàn hợp lý".

Không chỉ chia tách, HP cũng thông báo sẽ cắt giảm nhân sự nhiều hơn dự kiến trước đây. Thay vì chỉ sa thải khoảng 45.000 - 50.000 nhân sự như kế hoạch đầu năm, con số này sẽ đội lên thành 55.000 người.

Phố Wall đón nhận những thông tin này khá tích cực. Giá cổ phiếu HP đã tăng mạnh sau khi thị trường chứng khoán mở cửa, đạt gần 37 USD/cổ phiếu, tương đương mức tăng 5%.

Phản ứng trái ngược

Dù vẫn là một hãng lớn trên cả hai thị trường người dùng cá nhân lẫn doanh nghiệp nhưng HP đã phải ngậm ngùi tụt xuống vị trí thứ 2 thế giới về doanh số tiêu thụ, đứng sau Lenovo. Việc chia tách thành hai công ty, theo giới phân tích, có thể giúp HP nhanh chóng dồn sức cho các mảng kinh doanh cốt lõi và giành lại ngôi đầu thị trường PC từ tay đối thủ Trung Quốc.

Phản ứng trước thông báo từ phía HP, Lenovo nhấn mạnh rằng hãng này vẫn đang tiếp tục mở rộng thị phần "trên thị trường PC trị giá 200 tỷ USD" và trong thời gian tới, hãng này sẽ tiếp tục "tung ra nhiều sản phẩm PC, di động, doanh nghiệp cũng như hệ sinh thái hấp dẫn". Lenovo cũng khẳng định rằng chiến lược kinh doanh của hãng "nhất quán và rõ ràng", và sau khi hoàn tất thương vụ mua lại mảng máy chủ của IBM cũng như Motorola Mobility, Lenovo đang nắm trong tay ba công cụ tăng trưởng mạnh là PC, di động và doanh nghiệp.

Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên ý tưởng tách riêng mảng PC được nêu ra. Ngay từ năm 2011, Tổng giám đốc HP khi ấy là Apotheker đã công bố kế hoạch chia tách mảng PC của HP nhưng nhanh chóng vấp phải sự phản đối của các nhà đầu tư. Không lâu sau đó, ông này bị hất cẳng khỏi chiếc ghế Tổng giám đốc do các cổ đông nhìn nhận ý tưởng đó là "ngớ ngẩn". Khi ngồi vào chiếc ghế CEO thay Apotheker cuối năm đó, bà Meg Whitman từng trấn an các cổ đông rằng "HP sẽ quyết giữ mảng PC đến cùng". Nhưng chỉ sau 3 năm ngắn ngủi, giọng điệu của bà đã thay đổi hẳn khi khẳng định, việc chia thành 2 công ty mới là hành động "thể hiện quyết tâm phục hồi công ty" của ban lãnh đạo.

Một đối thủ khác của HP là Dell thì bình luận, nước cờ này sẽ làm lợi cho các cổ đông hơn là khách hàng của HP. "Việc chia tách rất phức tạp và cần nhiều thời gian để phân biệt các tài khoản cá nhân với doanh nghiệp đang đan xen chằng chịt hiện nay. Những vụ chia tách có tầm cỡ thế này thường phải mất vài năm", Dell nhấn mạnh.

Mảng in và PC của HP hiện đóng góp 55 tỷ USD doanh thu và lãi ròng 4,8 tỷ USD. Trong khi đó, mảng doanh nghiệp của HP, bao gồm máy chủ, giải pháp đám mây, sản phẩm dữ liệu lớn và các dịch vụ CNTT khác có doanh thu khoảng 60 tỷ cùng lãi ròng 6 tỷ USD.

Trọng Cầm