- Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 25/9 thảo luận về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online. Tuy nhiên, từ góc độ phát triển ngành công nghiệp CNTT Việt Nam, có rất nhiều điểm cần được xem xét kỹ lưỡng trước khi quyết định.

{keywords}

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển, qua thẩm tra, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban đề nghị cần nghiên cứu bổ sung mặt hàng kinh doanh game online, nhất là đối với loại game bạo lực, game gây nghiện cho đối tượng trẻ vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Ghi nhận của báo Thanh Niên tại phiên họp, căn cứ của đề xuất trên là ngoài những tác dụng của game trong việc phát triển trí não của trẻ nhỏ, là phương diện giải trí hữu hiệu, hiện nay game bạo lực tràn lan, tỷ lệ nghiện game ở một bộ phận rất lớn trong giới trẻ, bạo lực ở thanh thiếu niên ngày một gia tăng và có tính chất ngày càng nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Hiển, cũng có ý kiến trong cơ quan thẩm tra có quan điểm ngược lại, cho rằng hiện các sản phẩm trò chơi điện tử được cấp phép tại Việt Nam đều được các cơ quan chức năng kiểm soát, thẩm định về nội dung, đảm bảo phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, trong khi game online thẩm lậu không kiểm duyệt, chứa nhiều nội dung xấu, tiềm ẩn nguy cơ cho xã hội, chủ yếu từ khu vực ngoài lãnh thổ xâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Game bạo lực, gây nghiện tràn lan từ… nước khác?

Tại cuộc họp ngày 27/7/2010 về quản lý game online, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp đã có chỉ đạo về việc tạm dừng cấp phép game online đến hết năm 2010,xoá bỏ các trò chơi bạo lực, tiến tới nghiêm cấm quảng cáo những trò chơi đối kháng.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, sau hơn 4 năm, vì nhiều lý do nhưng quan trọng nhất là sức ép từ sự ác cảm của dư luận về những tác hại tiêu cực từ game online, việc cấp phép game mới vẫn chưa thể được thực hiện trở lại. Với vòng đời của game online rất ngắn, chỉ từ 1 đến 3 năm, thì trong hơn 4 năm qua, người chơi game online tại Việt Nam chơi gì mà vẫn bị đánh giá là tỉ lệ nghiện game và bạo lực ở lứa tuổi thanh thiếu niên ngày càng gia tăng?

{keywords} 

Có thể thấy rõ là dù không cấp thêm phép game online mới, người chơi game trong nước vẫn có thể tìm đến các trò game lậu khác hoặc game do các hãng nước ngoài cung cấp, có máy chủ đặt ở nước ngoài. Hiện trong nước đã có những cộng đồng chơi game online của nước ngoài rất lớn, chẳng hạn như game DOTA, World of Warcraft…

Theo quan sát thực tế tại các quán game và điểm truy cập Internet cũng cho thấy các hình thức chơi game rất đa dạng, các game offline (chơi trên 1 máy tính hoặc các máy tính chung mạng LAN trong phòng game) của nước ngoài còn thu hút giới trẻ hơn cả các game online của các nhà phát hành trong nước vì đồ họa đẹp, tình tiết hấp dẫn và có tính gây nghiện cao hơn.

Một thực trạng rất dễ nhận thấy là nếu các trò game online mới ra mắt trên thế giới không được nhà phát hành tại Việt Nam mua bản quyền về để phát hành (vì chưa được cấp phép), thì người chơi sẽ tìm đến các máy chủ nước ngoài để chơi. Nếu được phát hành tại Việt Nam, cơ quan quản lý sẽ có điều kiện về mặt kỹ thuật để kiểm soát giờ chơi, kiểm duyệt và hạn chế nội dung bạo lực. Còn nếu người chơi trong nước truy cập vào máy chủ game online ở nước ngoài thì các biện pháp kiểm soát này đều rất khó thực hiện, thậm chí là không thể.

Hạn chế mặt trái nhưng cần thúc đẩy phát triển

Trong một cuộc họp hồi tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cũng từng nhấn mạnh rằng game online không chỉ là một nhu cầu của xã hội mà còn là một ngành kinh tế kỹ thuật. "Chúng ta cần hạn chế mặt trái của game nhưng cũng phải thúc đẩy ngành kinh tế đó, vì nếu cấm cản thì người chơi vẫn có thể mua game và chơi game của thế giới. Khi ấy, Việt Nam còn bị thất thoát tiền ra nước ngoài".

Ngay như với thị trường game di động, người Việt Nam hiện cũng đã chơi khá nhiều game nổi tiếng thế giới như Angry Birds, Candy Crush, Clash of Clan, Smurf’s Village… và trả tiền qua tài khoản Visa/Master để mua các vật phẩm trong game. Tuy nhiên, với nguồn doanh thu này, cơ quan thuế tại Việt Nam chưa thu được một đồng tiền thuế nào từ các nhà cung cấp game nước ngoài.

Với hiện tượng Flappy Bird - game di động Việt Nam nổi tiếng toàn cầu của tác giả Nguyễn Hà Đông, khi vừa tạo nên cơn sốt khắp thế giới, cơ quan thuế đã lập tức ngồi nhẩm tính tới số tiền thuế mà Nguyễn Hà Đông có thể phải trả. Kết quả là Đông đã quyết định gỡ bỏ trò game đang gây sốt khỏi 2 nền tảng kho ứng dụng Apple Store và Google Play cho yên chuyện. Mới đây, dù đưa phiên bản mới của Flappy Birds quay trở lại, nhưng sức hút của trò game cũng đã giảm rất nhiều so với ban đầu.

Ngay tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 25/9 vừa qua, cũng có các ý kiến cho rằng việc áp thuế TTĐB sẽ làm hạn chế năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp game trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi, sản phẩm trò chơi sản xuất trong nước chưa phát triển để thay thế được nguồn trò chơi nước ngoài.

Do vậy, các ý kiến này cũng đề nghị chưa bổ sung mặt hàng kinh doanh game online vào đối tượng chịu thuế TTĐB, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, dần thay thế được các sản phẩm nước ngoài, góp phần phát triển công nghệ thông tin Việt Nam và nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách nhà nước.

H.P.