Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (VINASA) đã chia sẻ như vậy với báo giới bên lề cuộc họp báo công bố Hội nghị các nhà lãnh đạo CNTT – TT Việt Nam 2011, dự kiến diễn ra tại Hà Nội từ ngày 9/6-11/6.
Theo ông Bình, độ tuổi trung bình của nguồn nhân lực Việt Nam hiện đang là 27. Theo tiêu chuẩn lao động thế giới, độ tuổi tối đa của một lao động “trẻ” là 40, hoặc xét một cách dài rộng là 45. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam chỉ còn từ 13-18 năm để có thể nắm bắt được cơ hội lớn từ dân số vàng. Trong đó, riêng thời gian đào tạo, huấn luyện kiến thức, năng lực cho thế hệ dân số vàng này đã tiêu tốn từ 3-5 năm.
“Chính vì thế, chương trình hành động phát triển nguồn nhân lực phải được coi là việc cấp bách, khẩn thiết tại thời điểm này”, ông Bình cho biết.
Cũng theo ông thì ngành CNTT Việt Nam đang có sự dịch chuyển âm thầm nhưng rất mạnh về tư duy và cách tiếp cận xã hội. Trước đây, doanh nghiệp CNTT thường thụ động chờ đợi Nhà nước, Bộ, ngành kêu gọi đấu thầu vào các dự án. Tuy nhiên xu hướng của một, hai năm trở lại đây là Doanh nghiệp tự thăm dò và nghiên cứu thị trường, xác định xã hội đang bức xúc, mắc kẹt ở những khâu nào, “tự lượng sức mình” rồi chủ động đặt vấn đề hợp tác với Nhà nước, Bộ, Ngành.
“Tại các nước, mô hình PPP rất phố biến và thể hiện sự tối ưu trong việc huy động nguồn lực xã hội vào các dự án quan trọng. Trong thời gian đầu, PPP đặc biệt phổ biến và được ưa chuộng trong các dự án hạ tầng, cầu đường. Nhưng với việc Chính phủ đã xác định CNTT cũng là một hạ tầng “mềm” của nền kinh tế, quan trọng không kém gì điện – đường – trường – trạm thì mô hình PPP cũng tỏ ra rất phù hợp với lĩnh vực CNTT-TT”, ông Bình kết luận.
Trọng Cầm