Hãy tưởng tượng bạn đang chơi game trên Xbox và có thể chuyển ngay sang chat video với một người bạn ở xa đang cầm iPad. Hoặc bạn truy cập vào email công ty để mời người thân ở xa “họp mặt gia đình trực tuyến” ngay trên màn hình TV.


Đúng vậy, thương vụ mua lại Skype trị giá 8,5 tỷ USD của Microsoft được kỳ vọng sẽ biến việc sử dụng Internet để đàm thoại thấy hình trở nên phổ biến như “cân đường hộp sữa”. Bạn sẽ thấy nó không hề khó khăn hay phức tạp hơn tẹo nào so với việc đăng nhập vào Facebook hay Yahoo Messenger mỗi ngày.


Nếu được phê chuẩn, thương vụ này sẽ mang lại cho Microsoft đầy đủ phương tiện để bán được nhiều quảng cáo số hơn, cũng như cung cấp các công cụ hội họp doanh nghiệp mạnh, tiện lợi, thông dụng hơn.

Dịch vụ của Skype cũng được đà mở rộng vào những thị trường đang cực nóng như : mạng xã hội, điện thoại di động, video số... những nơi mà Microsoft đang phải chiến đấu vất vả để có thể bắt kịp Facebook, Apple và Google.

Hiện tại, giới phân tích và các nhà đầu tư vẫn chưa ngã ngũ được rằng thương vụ này có phải là hành động vung tay quá trán của Microsoft hay không. Trong khi một số người tin chắc Microsoft đã hớ nặng khi chi quá nhiều tiền cho một dịch vụ không biết lãi là gì, thì số khác lại cho rằng Skype sẽ giúp gã khổng lồ phần mềm khôi phục sức mạnh trước đây.

Hiện có hơn 170 triệu người dùng trên toàn thế giới đang sử dụng Skype thường xuyên để gọi điện, liên lạc, tán gẫu. Microsoft tin rằng hãng có thể thu hút thêm vài trăm triệu người dùng nữa bằng cách tích hợp Skype vào các sản phẩm thông dụng sẵn có của hãng như IE, Office, Server... Không chỉ có Windows, hệ điều hành đang điều khiển 80% lượng máy tính và máy chủ trên hành tinh này, mà còn có phần mềm email Outlook, hệ điều hành Windows Phone và máy chơi video game Xbox.

Trước đây, Microsoft cũng đã từng có một dịch vụ na ná như Skype là Windows Live. Tuy nhiên, nó chưa bao giờ so sánh được với Skype cả về độ ăn khách lẫn khả năng liên kết các dòng máy tính và điện thoại khác nhau. (Người dùng Skype trên iPhone có thể trò chuyện thoải mái với người cài Skype trên máy tính Dell).

Với doanh nghiệp, Microsoft cũng đã có phần mềm liên lạc riêng, nhưng khi tích hợp Skype vào gói phần mềm này, khách hàng doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiến hành video chat với các công ty khác hơn.

Skype cho phép người dùng gọi điện và gọi điện thấy hình miễn phí hoặc với giá cước cực rẻ so với truyền thống. Các cuộc gọi giữa tài khoản Skype với nhau hoàn toàn miễn phí và Skype chỉ tính tiền đối với cuộc gọi từ PC đến điện thoại cố định hoặc ĐTDĐ mà thôi. Chính vì thế, Skype đã nhanh chóng trở thành phương tiện thông dụng để vứt bỏ các hóa đơn tiền cước khổng lồ. Skype hiện là nhà cung cấp dịch vụ gọi điện quốc tế lớn nhất thế giới, vượt qua bất cứ hãng viễn thông chuyên nghiệp nào.

Theo thống kê, người dùng Skype đã thực hiện tới 207 tỷ phút đàm thoại và video call trong năm ngoái (tương đương với 400.000 năm). Đa phần trong đó là miễn phí, vì thế quả thực Skype rất khó làm ra tiền. Chỉ có khoảng 5% người dùng Skype là trả tiền cho dịch vụ mà họ sử dụng.

Microsoft cam kết sẽ duy trì Skype hoạt động “y nguyên như hiện tại”, thậm chí cả trên những thiết bị di động đang dùng hai hệ điều hành đối thủ là iOS và Android. Người dùng Skype sẽ không phải trả tiền để cài đặt phần mềm trên iPhone, iPad hay thiết bị Android như lo sợ trước đây.

Có lẽ Microsoft hy vọng Skype sẽ giúp hãng bán được nhiều quảng cáo hơn. Cách đây không lâu, Skype mới thử nghiệm lồng ghép quảng cáo và Microsoft, với đội ngũ nhân viên sales hùng hậu hơn nhiều, chắc chắn sẽ mở rộng quy mô hơn.

Thương vụ cũng sẽ giúp cho hệ thống chơi game Xbox hấp dẫn hơn, nhất là sau scandal bảo mật bê bối của Sony PlayStation mới đây. Hiện tại, người dùng Kinect đã có thể thực hiện videoconference với người khác, nhưng sau khi có Skype, họ sẽ có thể gác game hoàn toàn sang bên và sử dụng Xbox để gọi điện cho bất cứ ai, miễn là họ có tài khoản Skype: dù cho đó là mẹ của bạn trên đường dây cố định, là một cậu bạn đang cầm điện thoại Android hay một đồng nghiệp sử dụng email Outlook tại nhiệm sở.

Giới phân tích cũng tin rằng Microsoft sẽ mở rộng dịch vụ video chat của Skype vào mạng xã hội ảo Facebook. Hiện Microsoft đang sở hữu 1,6% thị phần Facebook và cả hai đều có chung một mong muốn là thu hẹp sức mạnh của Google.

Mặc dù vậy, phe phản đối cũng có những lập luận của riêng mình. Chuyên gia Rob Enderle tin rằng Microsoft mua Skype có khi chỉ để đảm bảo Google không thể sở hữu dịch vụ VoIP này. “Cả Google và Microsoft đều có thể biến Skype thành một chuẩn mực quốc tế. Microsoft không muốn bị thua cuộc – đó là lý do vì sao họ đưa ra mức giá cao vọt lên như vậy”.

Vụ mua bán này là thương vụ đắt đỏ nhất trong suốt lịch sử 36 năm tồn tại của Microsoft. Con số 8,5 tỷ cao gấp hơn 3 lần so với lần định giá Skype cách đây 18 tháng, khi eBay bán hai phần ba số cổ phần cho nhóm đầu tư Silver Lake.

Khi eBay mua lại Skype với giá 2,6 tỷ USD hồi năm 2005, gã khổng lồ đấu giá trực tuyến từng nhìn thấy tiềm năng khổng lồ của Skype trong việc kết nối hàng triệu người mua và người bán với nhau. Tuy nhiên, “Skyp-ing” và shopping không tương hợp theo đúng cách mà eBay tưởng tượng. Đấy cũng chính là nỗi lo sợ lớn nhất của phe phản đối, rằng lịch sử sẽ tái diễn. “Thật khó để các cổ đông lạc quan được, với mức giá đó”.

Dù bán được hàng tỷ USD từ phần mềm trên PC nhưng Microsoft hết sức chật vật để cải thiện tầm ảnh hưởng của mình trên địa hạt Internet. Trong vòng 6 năm qua, bộ phận online của hãng này đã thua lỗ tới 7,2 tỷ USD. Bản thân Skype cũng thua lỗ 7 triệu USD trên tổng doanh thu 860 triệu USD hồi năm ngoái. Nhưng điều đó dường như không khiến Microsoft bận tâm. Tổng giám đốc điều hành Steve Ballmer đã lớn tiếng khẳng định “Chúng tôi là một công ty siêu tham vọng. Vụ mua lại Skype nhằm phục vụ cho một tương lai xa rộng chứ không phải tính toán nhất thời”.

Skype sẽ trở thành một bộ phận kinh doanh mới trong lòng Microsoft, với người đứng đầu vẫn là CEO Tony Bates và ông này sẽ trực tiếp điều hành, báo cáo với Steve Ballmer.

Microsoft đang xúc tiến các thủ tục để thương vụ được thông qua ngay trong năm nay. Điều này là khả thi, bởi theo một số nhà phân tích, giới Tư pháp có thể đánh giá thương vụ này sẽ mang lại lợi ích cho người dùng, khi giúp Microsoft cạnh tranh tốt hơn với Google.

Trọng Cầm
(Tổng hợp)