Theo dự kiến, Bộ TT&TT sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế phối hợp giữa ba cơ quan là Bộ TT&TT, Bộ Quốc Phòng và Bộ Công an trong việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng ngay trong tháng 11.

{keywords}

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) thì quy chế này sẽ bao hàm nhiều nội dung và cơ chế phối hợp giữa ba Bộ sẽ được đề cập khá chi tiết. Quy chế cũng sẽ xây dựng những nguyên tắc tổng quan về phân chia trách nhiệm các bên, chẳng hạn như nếu thông tin liên quan đến quốc phòng thì sẽ do Bộ Quốc phòng phụ trách, còn ở mức ảnh hưởng an ninh quốc gia (theo luật an ninh quốc gia) sẽ do Bộ công an tiếp nhận. Các vụ việc vi phạm hành chính đơn thuần sẽ do Thanh tra Bộ TT&TT xử lý.

Đối với những trường hợp vi phạm hình sự hoặc tội phạm kinh tế, cấu thành yếu tố hình sự thì đơn vị tiếp nhận sẽ là Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) - Bộ Công an.

Tuy nhiên, trên thực tế thì nhiều khi rất khó xác định được thời điểm bắt đầu xảy ra và kết thúc của một vụ việc liên quan đến an ninh mạng. Do đó, một quy chế phối hợp 3 Bộ là cần thiết để huy động sự tham gia, chia sẻ, phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Tùy theo diễn biến, mức độ của vụ việc mà các Bộ sẽ tham gia theo chức năng của mình, ông Dũng cho biết.

Cũng theo chia sẻ của đại diện Cục An toàn thông tin thì xu hướng thực tiễn tại Việt Nam đang rất cần một cơ quan chuyên trách về ATTT, và chuyện thành lập cơ quan quản lý Nhà nước về ATTT ở các nước là rất phổ biến. Chẳng hạn như hôm qua, Hạ viện Nhật Bản đã thông qua Luật cơ bản về an ninh mạng, theo đó sẽ thành lập Ban chiến lược an ninh mạng trực thuộc Chính phủ.

Ban này sẽ hợp tác với các cơ quan liên quan như Hội đồng an ninh quốc gia (NSC), Ban chiến lược tổng hợp công nghệ thông tin... để nghiên cứu, chuẩn bị và chỉ đạo thực hiện các biện pháp đối phó với các cuộc tấn công, đảm bảo an ninh mạng. Đây cũng là cơ quan chỉ đạo tối cao, giúp Chính phủ thống nhất quản lý trong lĩnh vực an ninh mạng.

T.C