Hiện tại, ứng dụng nhắn tin này chưa đóng góp gì vào doanh thu của Facebook song Mark Zuckerberg đã nghĩ ra cách kiếm tiền từ Messenger trong tương lai gần, tạp chí Wired tuyên bố.

{keywords}

Theo tờ này thì Facebook có thể thương mại hóa Messenger theo rất nhiều cách, song ba hướng đi "khả thi nhất" là thanh toán, khuyến mại và liên lạc trong nội bộ doanh nghiệp.

Trong cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh hồi đầu năm, Mark Zuckerberg từng nhắc đến kênh thanh toán nhưng úp mở rằng "bất cứ kế hoạch nào liên quan đến Facebook Messenger" cũng chỉ có thể triển khai được sau vài năm nữa. Một khả năng khác cũng được đề cập là "chèn quảng cáo vào trong dịch vụ", một cách tiếp cận mà theo Zuckerberg là "vừa rẻ vừa dễ làm".

Ngoài ra, theo Wired thì Facebook Messenger còn có thể trở thành công cụ quảng bá, khuyến mại cho các sản phẩm tiêu dùng cá nhân. Năm ngoái, ứng dụng này đã phát hành một set sticker "Kẻ trộm mặt trăng 2" trùng với thời điểm bộ phim công chiếu và rất được người dùng ưa thích. Nếu Facebook bắt tay cùng những hãng truyền thông như Disney hoặc Comcast thì chắc chắn, dịch vụ Messenger sẽ có thêm rất nhiều người dùng, đặc biệt là tại Bắc Mỹ.

David Marcus, giám đốc phụ trách Facebook Messenger hiện tại, từng làm lãnh đạo tại PayPal trước khi đầu quân cho Zuckerberg. Ông này tin rằng sản phẩm của mình còn là một kênh thân thiện để các doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng. Marcus muốn phát minh lại cách thức nhắn tin, liên lạc giữa người dùng với doanh nghiệp để cả hai bên cùng được lợi. Chẳng hạn như sau này, các công ty sẽ có thể sử dụng Facebook Messenger như một công cụ chăm sóc khách hàng, tư vấn bảo hành....

Tất nhiên, Facebook sẽ không áp dụng bất cứ chiến lược nào nói trên trong một tương lai gần, nhưng rõ ràng, các cơ hội là hiện hữu khi mà Messenger ngày càng có đông người dùng hơn. Giờ thì bạn đã phần nào hiểu được vì sao Facebook lại quyết định "ép" người dùng phải sử dụng ứng dụng Messenger này như vậy.

Trọng Cầm