Ngoại trừ thuê bao di động trả trước, mọi cuộc gọi bằng điện thoại cố định hoặc thuê bao di động trả sau của người dân để phản ánh về việc mất điện, nước, đứt cáp viễn thông hoặc các sự cố hạ tầng khác trên địa bàn Thành phố tới số hotline 04.38445566 đều sẽ được miễn phí.

{keywords}

Thông tin này được ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông (Sở TT&TT Hà Nội) khẳng định tại Hội nghị công bố Quyết định 6168 của UBND Thành phố phê duyệt đề án "Xây dựng và vận hành hệ thống thông tin khắc phục sự cố công trình hạ tầng kỹ thuật TP. Hà Nội", diễn ra sáng nay, 12/12/2014.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều loại công trình hạ tầng kỹ thuật với những đơn vị quản lý, vận hành, khai thác khác nhau. Các đơn vị này lại chịu sự quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau như các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện...  Số đơn vị có tổng đài hotline để hỗ trợ khắc phục sự cố công trình hạ tầng kỹ thuật do mình quản lý cũng không nhiều, chẳng hạn như với công trình điện lực, số Hotline của Sở Công thương, Tổng công ty Điện lực Hà Nội là 04.22222000... Đấy là chưa kể nhiều công trình còn do doanh nghiệp viễn thông, Internet và truyền hình cáp quản lý, khai thác với số hotline riêng. Do đó, khi người dân muốn thông báo sự cố thì không biết phải gọi đến số nào hoặc gọi nhầm là khá phổ biến.

Theo ông Sỹ, hiện trạng này đã gây nhiều khó khăn cho người dân khi báo tin về sự cố đến đúng đơn vị quản lý, vận hành. Về phần mình, do không được thông báo kịp thời nên đơn vị quản lý cũng khắc phục sự cố chậm, gây tổn thất nhiều hơn về tài sản, công trình, ảnh hưởng tới chất lượng cung cấp dịch vụ, gián đoạn dịch vụ. Thậm chí với những sự cố như bể mất nắp, cột, cây xanh gẫy đổ... còn có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Theo Đề án "Xây dựng và vận hành hệ thống thông tin khắc phục sự cố công trình hạ tầng kỹ thuật TP.Hà Nội", đường dây nóng 04.38445566 sẽ được sử dụng để tiếp nhận thông tin về tất cả các loại sự cố công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan tới các ngành, các lĩnh vực (các công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung được xây dựng để bố trí, lắp đặt đường dây, cáp viễn thông, điện lực, chiếu sáng công cộng, đường ống cấp nước, thoát nước, cấp năng lượng; Hạ tầng giao thông đường bộ (vỉa hè, lòng đường, cầu), hạ tầng công viên cây xanh.... Từ đây, thông tin sẽ được chuyển tiếp tới các đơn vị trực tiếp quản lý công trình để có phương án xử lý, phối hợp xử lý sự cố nhanh chóng, hiệu quả.

"Đây sẽ là kênh thông tin hai chiều giữa người dân và cơ quan quản lý để nâng cao hiệu quả xử lý, khắc phục sự cố", ông Sỹ nhấn mạnh.

Với số điện thoại hotline này, người dân sẽ dễ dàng phản ánh sự cố mà không mất phí, cũng không phải ghi nhớ quá nhiều số hotline khác nhau của các ngành, trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có thể nắm được tiến độ khắc phục sự cố của các đơn vị trực tiếp phụ trách, từ đó khiển trách, nhắc nhở, thậm chí kỷ luật những đơn vị vận hành khắc phục chậm trễ.

Trong giai đoạn 2 của Đề án (2015-2016), Hà Nội sẽ xây dựng và triển khai thêm nhiều ứng dụng cho hệ thống thông tin khắc phục sự cố công trình kỹ thuật như phần mềm hỗ trợ tiếp nhận thông tin sự cố để ghi nhận, chuyển tiếp, lưu trữ thông tin sự cố từ tổng đài; phần mềm hỗ trợ tiếp nhận, xử lý các sự cố trên nền bản đồ số và thiết bị di động....

T.C