- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá 2014 là một năm có nhiều đổi mới cả về hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ chế chính sách lẫn định hướng của lĩnh vực CNTT - TT, một năm có nhiều "dấu mốc quan trọng" với ngành. Việc nhiều doanh nghiệp viễn thông, CNTT tài cơ cấu thành công sẽ tạo cơ sở, tạo đà cho những năm tới đây, góp phần quan trọng vào tình hình kinh tế chung của cả nước.

{keywords}

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị Triển khai kế hoạch 2015 của Bộ TT&TT, sáng 25/12 tại Hà Nội. Ảnh: Xuân Lộc

"Tôi trân trọng ghi nhận và chúc mừng toàn ngành CNTT đã có sự đóng góp quan trọng vào sự nghiệp của cả nước", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Hội nghị Triển khai kế hoạch 2015 của Bộ TT&TT, sáng 25/12 tại Hà Nội.

Nhận định 2015 sẽ là một năm bản lề với nhiều doanh nghiệp, tổng công ty, Tập đoàn viễn thông, CNTT, Phó Thủ tướng đã chỉ ra những xu hướng có tầm ảnh hưởng lớn, sâu rộng đến sự phát triển của ngành trong thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng, viễn thông, bưu chính, CNTT không chỉ là một ngành kinh tế kỹ thuật mà còn là hạ tầng của hạ tầng cho sự phát triển. Mặt khác, đây cũng là ngành có tốc độ thay đổi rất nhanh. Do đó, nếu dự đoán đúng xu hướng, mạnh dạn mở cửa, đầu tư thì sẽ có thể phát triển vượt bậc mà trường hợp của thị trường viễn thông, Internet Việt Nam chính là minh chứng điển hình.

"Cơ chế thuê ngoài dịch vụ là một hướng đi rất đúng đắn, phù hợp với Việt Nam hiện nay, nhất là khi lợi ích và mô hình của điện toán đám mây càng ngày càng rõ. Cơ chế này cho phép chúng ta giải quyết những vướng mắc mà anh em CNTT bao lâu nay vẫn trăn trở, tháo gỡ được những khó khăn về tài chính, về kinh phí, về nguồn lực cho cơ quan nhà nước", Phó Thủ tướng phân tích. Vị đại diện của Chính phủ hy vọng rằng, trong năm 2015, Bộ TT&TT sẽ có những hoạt động tích cực để đẩy mạnh chủ trương này lên, trở nên phổ biến trong xã hội. "Chúng ta luôn nói Việt Nam có thế mạnh về CNTT, đặc biệt là phần mềm, nhưng cũng như trường hợp của Viettel đã cho thấy, họ sẽ không thể làm được ở nước ngoài như hiện nay nếu như không được tạo điều kiện phát triển trong nước khi còn ở giai đoạn đầu".

Bên cạnh đó, Theo Phó Thủ tướng Đam, chúng ta cũng rất cần xây dựng một nền hành chính hiện đại, ứng dụng CNTT mạnh mẽ để đổi mới sự điều hành của Nhà nước. Tuy nhiên, thúc đẩy ứng dụng CNTT thì không phải là chuyện mà một mình Bộ, ngành nào có thể làm được. Đó là một sự nghiệp đòi hỏi sự chung sức, phối hợp của tất cả các ngành, các cấp. Cũng chính vì lý do này mà người đứng đầu Ban chỉ đạo ƯDCNTT Quốc gia chính là Thủ tướng Chính phủ.

Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định thuê dịch vụ là một chủ trương được mong đợi của xã hội và việc Chính phủ bật đèn xanh cho chủ trương này sẽ huy động được nguồn lực xã hội hóa rất lớn. "Cái gì doanh nghiệp, xã hội làm được thì chúng ta nên tạo điều kiện", Bộ trưởng chia sẻ. Điều này phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng trước đó rằng "Chỉ nên quản lý những gì phải quản lý, còn nên tạo điều kiện để doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong khuôn khổ quản lý của mình, tránh việc gì cũng tự làm trực tiếp".

{keywords}

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son. Ảnh: Xuân Lộc

Kiến nghị với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Son cho rằng, ngành CNTT - VT đang hoạt động với quy mô tinh giản, nhân sự ít nhưng hiệu quả thực tế rất cao, riêng 3 đại gia viễn thông Viettel, VNPT và MobiFone đã đóng góp hơn 24.500 tỷ đồng cho Nhà nước, một tỷ trọng rất lớn trong ngân sách. Bên cạnh đó, sự phát triển vũ bão của CNTT trong thời gian qua đã góp phần xóa mù thông tin một cách tương đối cho cả các vùng xa, vùng sâu, biên giới, hải đảo. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng chức năng nhiệm vụ và ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động thông tin truyền thông cần được tách bạch với văn hóa thông tin, theo nguyên tắc rõ ràng, minh bạch để tránh chồng lấn, lãng phí nguồn lực. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề xuất Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch khu CNTT tập trung và quy chế thuê ngoài dịch vụ để đáp ứng nguyện vọng và mong đợi từ xã hội.

Trước đó, ông Trần Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã báo cáo kết quả kinh doanh tại Hội nghị, theo đó Tập đoàn này đạt tổng lợi nhuận 6310 tỷ đồng, bằng 103% so với kế hoạch và tăng trưởng 12% so với năm 2013 dù vẫn đang tiến hành tái cơ cấu theo Quyết định số 888 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, khối hạch toán phụ thuộc bao gồm 63 viễn thông tỉnh, thành và VinaPhone lãi 2400 tỷ đồng, tăng 14% so với năm ngoái. Doanh thu đạt xấp xỉ 79.000 tỷ đồng, nộp ngân sách vượt 18% so với cùng kỳ.

Ông Hùng cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc tái cơ cấu là làm sao chuyển được 1,7 vạn lao động trên tổng số 3,6 vạn lao động sang kinh doanh. Tuy nhiên, VNPT đã triển khai quyết liệt và đến ngày 1/11 vừa qua, đơn vị cuối cùng trong hệ thống viễn thông tỉnh, thành là VNPT Hà Nội cũng đã tiến hành tái cơ cấu xong.

Hiện tại, các công ty dọc đã sắp xếp lại được một phần. Tập đoàn đã chuẩn bị xong cơ chế, mô hình, chỉ đợi Quyết định phê duyệt của Chính phủ sẽ có thể triển khai thành lập, đi vào hoạt động được ngay.

  • Trọng Cầm