- Bên lề Lễ công bố 10 sự kiện ICT Việt Nam 2014 vào ngày 29/12 vừa qua, Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Đưa ứng dụng CNTT – Viễn thông vào đời sống”.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng phát biểu tại buổi Tọa đàm “Đưa ứng dụng CNTT – Viễn thông vào đời sống”.

Phát biểu mở đầu buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng nhận xét: “Kết quả 10 sự kiện ICT tiêu biểu nhất đã phản ánh rất rộng và khái quát về lĩnh vực CNTT-TT Việt Nam năm vừa qua. Bộ TT&TT đánh giá rất cao hoạt động thường niên này của CLB. Tuy chỉ là cuộc bình chọn của báo chí nhưng cũng phản ánh sự quan tâm của xã hội đối với lĩnh vực CNTT-TT.”

“Các sự kiện đưa ra bao trùm dải rất lớn, từ các vấn đề từ viễn thông, ứng dụng CNTT, công nghiệp CNTT, ATTT, từ kinh doanh, hạ tầng, đến chính sách… Dải sự kiện và các nội dung bình chọn đã khái quát tương đối rộng và đầy đủ các lĩnh vực CNTT-TT.”

“Kết quả bình chọn này cũng giúp Bộ TT&TT nhìn nhận và đánh giá lại sự quan tâm của công chúng đến lĩnh vực mà Bộ phụ trách, từ đó xây dựng chính sách phù hợp xu hướng chung của xã hội, đáp ứng yêu cầu về phát triển CNTT-TT. Đây cũng là hoạt động truyền thông giúp cộng đồng xã hội quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực ICT, các cấp lãnh đạo Trung ương và địa phương cũng sẽ quan tâm hơn, tạo thêm điều kiện cho lĩnh vực này phát triển.”

Đưa công nghệ vào đến “ngõ ngách” cuộc sống

Chia sẻ tại buổi tọa đàm về kinh nghiệm ứng dụng CNTT vào đời sống hàng ngày, ông Đặng Mạnh Phổ, Giám đốc Trung tâm CNTT Ngân hàng BIDV cho biết: “Toàn bộ hệ thống BIDV đã ứng dụng CNTT lâu nay. Nhưng gần đây, chúng tôi có một dự án nghe rất giản dị là triển khai hệ thống văn phòng điện tử. Rất nhiều người nghe tên gọi này đều nhớ đến giai đoạn đầu tiên khi đưa máy tính, tin học, CNTT vào đời sống.”

“Giờ đây, chúng tôi đang làm một việc có lẽ lặp lại lịch sử đó, nhưng ở vòng xoáy với cấp độ cao hơn nhiều, đó là triển khai hệ thống văn phòng điện tử, sử dụng giải pháp Office One của Viettel. Dự án này xuất phát từ yêu cầu cải cách hành chính nội bộ. Đối với BIDV, đây là công việc có yêu cầu rất cao. Chúng tôi gọi dự án này là hệ thống quản lý văn bản, nghe thì rất giấy tờ, nhưng thực chất là chuyển toàn bộ các công việc văn phòng, quản trị, hành chính… từ chỗ sử dụng văn bản giấy tờ sang sử dụng điện tử.”

Nhấn mạnh tới yếu tố di động, ông Đặng Mạnh Phổ cho biết hiện nay trong lĩnh vực ngân hàng tài chính, xu hướng áp dụng các giải pháp dựa trên di động đang trở thành trào lưu, xu hướng rất mạnh. “Yêu cầu đặt ra là làm thế nào để cho dù lãnh đạo, cán bộ được điều động đi công tác hay phải làm việc ở các địa điểm khác nhau trong nước và nước ngoài thì công việc quản trị điều hành, quản lý vẫn được thực hiện thông suốt. Chỉ có một cách là sử dụng các phương tiện di động và dựa trên Internet.”

“Cụ thể là thế nào? Thực tế trước đây, trong một thời gian khá dài, chúng tôi có rất nhiều vấn đề phải trình cấp trên phê duyệt, chỉ đạo, nếu lãnh đạo đi công tác thì phải chờ. Giờ đây, với giải pháp này, lãnh đạo vẫn có thể đi công tác nhưng chúng tôi không phải chờ nữa, mà thông qua các phương tiện, giải pháp di động, lãnh đạo vẫn có thể xử lý công việc hàng ngày qua máy tính bảng, máy tính xách tay, điện thoại di động để trả lời câu hỏi, yêu cầu hoặc phê duyệt các đề nghị, đề xuất của cấp dưới, giảm được rất nhiều thủ tục giấy tờ.”

Có một thực tế ở BIDV: Hiện nay chúng tôi có 18.000 nhân sự trong cả nước và một số hiện diện thương mại ở Lào, Campuchia, Myanmar, Cộng hòa Séc… Công việc đòi hỏi sử dụng giấy tờ rất nhiều. Tính bình quân 1 năm việc sử dụng giấy tờ, trao đổi chuyển giao giấy tờ mất khoảng 120 tỷ đồng. Với dự án này, ban đầu chúng tôi đặt mục tiêu ít nhất giảm được chi phí này khoảng 20%/năm, tức khoảng 24 tỷ đồng. Hiện tại, dự án hệ thống văn phòng điện tử của chúng tôi đang triển khai ở bước cuối cùng, sẽ hoàn tất vào cuối tháng 1/2015 nhưng đã nhìn thấy hiệu quả rất rõ ràng. Theo thống kê của Văn phòng BIDV thì hiện đã tiết kiệm được khoảng 10 – 15% (hơn 10 tỷ đồng). Tôi cũng xin bật mí là chi phí dự án án này (phía Viettel triển khai cho BIDV bao gồm cả hệ thống phần cứng và phần mềm) chỉ hết có 11 tỷ đồng và dùng được trong nhiều năm.

 

{keywords}

Toàn cảnh buổi tọa đàm ''Đưa ứng dụng CNTT-VT vào đời sống".

“Khó khăn lớn nhất là nhận thức”

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Phạm Minh Tuấn, Tổng Giám đốc FPT IS, đơn vị cung cấp dịch vụ bán vé điện tử cho Đường sắt Việt Nam cũng cho biết: “Dự án bán vé tầu điện tử bắt đầu nhen nhóm từ 12/2013, nhưng các quá trình thủ tục, đấu thầu lựa chọn mất 9 tháng. Thời gian thực sự FPT làm dự án chỉ có 3 tháng. Nhưng với sự quyết tâm của ngành giao thông và Tổng công ty Đường sắt, việc bán vé trực tuyến đã bắt đầu đúng thời hạn. Hệ thống bán vé tàu điện tử đã hoạt động chính thức với 250.000 vé tàu Tết đến tay người dân trong 1 tháng”.

“Công ty Vận tải Hành khách Sài Gòn cũng có trang vetau.com, nhưng cứ mở ra là sập. Trước khi hệ thống của FPT chạy, ĐSVN chia sẻ kinh nghiệm không nên công bố ngày bán vé chính thức để tránh sập, cứ lẳng lặng mà làm. Nhưng với kinh nghiệm của FPT thì ước tính cùng lắm chỉ hơn 1 triệu người truy cập nên đảm bảo được hệ thống không sập, cứ cho công bố công khai. Cao điểm nhất trên thực tế đo được là hơn 30.000 người cùng truy cập, công năng của hệ thống còn lớn hơn rất nhiều.”

“Về mặt công nghệ, hệ thống này không có gì quá đặc biệt so với bán vé máy bay trực tuyến. Tuy nhiên ngành đường sắt được coi là lô cốt, đơn vị trì trệ nhất trong ngành giao thông về nhận thức ứng dụng công nghệ. Việc thay đổi được tư duy của ngành đường sắt là thành công lớn nhất của đội dự án. Trước đây, ngành đường sắt có nhiều kho vé và cách bán vé, cơ chế xin cho. Khi đưa hệ thống này vào, thành công lớn nhất là FPT thuyết phục được để chỉ còn một kho vé duy nhất. Khi người dân lên mạng đặt vé hay ra ga thì tình trạng còn vé – hết vé như nhau. Người dân không còn phải lo lắng mua vé trên mạng không được thì phải ra ga, nếu ra ga không mua được thì lại phải qua cò vé.”

Xu hướng hội tụ giữa viễn thông và CNTT

Kết luận buổi tọa đàm, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đánh giá: “Chủ đề tọa đàm năm nay do CLB nhà báo CNTT lựa chọn rất được quan tâm, là vấn đề rất nóng. Trong thời gian 5 năm tới hoặc có thể xa hơn, có một số xu hướng mà các DN, cơ quan tổ chức cần lưu ý vì đây chính là xu hướng chúng ta cần phải tính đến trong hoạt động quản lý Nhà nước hoặc sản xuất kinh doanh.”

“Thứ nhất là hội tụ tất cả các dịch vụ trên cùng một nền tảng: Ví dụ điện thoại có cả xem ti vi, máy tính… Xu hướng này chắc chắn tiếp tục ngày càng sâu rộng. Ứng dụng bán vé tàu của FPT không chỉ hội tụ viễn thông mà cả bưu chính. Các ứng dụng CNTT dùng đường truyền – viễn thông.”

“Hay các giải pháp về nhà thông minh phải sử dụng đường truyền Internet, điện thoại di động, các thiết bị điện tử khác, tích hợp công nghiệp điện tử để ứng dụng các hoạt động nhà thông minh, kể cả cơ khí cũng hội tụ… Những năm tới, hội tụ sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo. Khi làm các văn bản quy phạm pháp luật cần tính tới yếu tố này để khi ra văn bản không chỉ tính 1 lĩnh vực đơn lẻ. Xu hướng 3 trong 1, 4 trong 1, 5 trong 1… Vậy PC hay TV có biến mất không? Thực ra là không biến mất bởi có những sản phẩm không mất đi mà chuyển sang dạng khác trên cơ sở hội tụ. Chẳng hạn như PC và smartphone ngày càng hội tụ với nhau.”

“Xu hướng thứ 2, đó là cá thể hóa trong hoạt động viễn thông, CNTT. Không phải xuất phát từ chỗ cơ sở hạ tầng cho phép làm điều này, mà nhờ có smartphone mới có thể cá thể hóa như vậy. Trước đây, với PC thì không thể làm được khi ra khỏi nhà hay văn phòng. Khi cá thể hóa thì thiết bị phải di động, gắn với mọi người khi di chuyển.”

“Trước đây ứng dụng CNTT thường làm ở mảng dành cho các cơ quan. Xu hướng cá thể hóa ngày càng đưa ứng dụng đến với người dân. Những ứng dụng hướng đến số đông thì trong tương lai sẽ có tiềm năng. Xu hướng cá thể hóa các ứng dụng VT-CNTT ngày càng rõ. Từ chỗ thiết bị đầu cuối đơn giản như điện thoại chỉ nghe và gọi, chuyển đến giai đoạn cả thiết bị đầu cuối và mạng lưới đều thông minh, nhờ đó có thể tiến đến cá thể hóa.”

“Cá thể hóa, dữ liệu lớn, di động… sẽ kết hợp thành hệ thống lớn, thông minh. Hệ thống càng lớn thì tính ổn định và độ an toàn sẽ càng giảm. Vị vậy, phải gắn cá thể hóa với vấn đề an toàn thông tin. 3/10 sự kiện được bình chọn năm nay có liên quan đến an toàn thông tin (VCCorp, phần mềm nghe lén, đứt cáp)”.

  • B.M. (lược ghi)