Đúng là “họa vô đơn chí”. Tập đoàn Sony lại vừa phải đóng cửa một website mới sau khi phát hiện được một lỗ hổng bảo mật có thể đe dọa hàng chục triệu người dùng.


Website này ra đời để giúp 77 triệu người dùng của mạng PlayStation Network reset lại mật khẩu sau khi mật khẩu cũ và thông tin về họ có nguy cơ lọt vào tay hacker từ đợt tấn công đầu tiên.



Tuy nhiên, hoạt động chưa được bao lâu thì Sony lại phát hiện một lỗ hổng chết người bên trong website này, có thể bị hacker lợi dụng để sục sạo tiếp. Không còn cách nào khác, Sony đã phải cảnh báo người dùng trên website PlayStation. “Nếu như tôi có email và ngày sinh của các bạn, tôi có thể truy cập được vào tài khoản PS”, người phát ngôn của Sony cho biết.

Vụ việc này tiếp tục đánh dấu “bước lùi” của Sony, vốn đã bị chỉ trích gay gắt sau scandal bị hack cách đây một tháng, dù Sony cho biết họ đã khắc phục được lỗ hổng nói trên và sẽ kích hoạt trang này trở lại trong một thời gian ngắn nữa. Trong đợt này, ngoài trang reset mật khẩu, Sony còn đóng cửa cả dịch vụ nhạc số Oriocity.

Từ giữa tháng 4, Sony đã phải đóng cửa mạng PlayStation Network toàn cầu do phát hiện hacker đã đột nhập thành công và tiếp cận được với thông tin tài khoản của hơn 100 triệu người dùng. Hiện hãng này vẫn đang phối hợp với nhà chức trách Nhật Bản để khôi phục truy cập tại xứ sở Mặt trời mọc.

Giới phân tích đều nhận định chặng đường trước mặt Sony là cực kỳ chông gai, bởi vụ scandal bảo mật này đã làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh và uy tín của hãng. “Đây có lẽ là một trong nhiều khâu đã bị Sony quên mất”, chuyên gia Mark Harding mỉa mai.

Tuần trước, chuyên gia bảo mật nổi tiếng John Bumgarner, một cựu sĩ quan của quân đội Mỹ cho biết ông đã phát hiện được nhiều lỗ hổng trong hệ thống của Sony, tương đối dễ bị phát hiện và khai thác nếu hacker chủ tâm. Ông này khẳng định không hề bất ngờ trước scandal mới nhất của Sony bởi “chỗ nào trên mạng lưới khổng lồ của họ cũng tồn tại lỗ hổng”.

Về phần mình, Giám đốc điều hành Howard Stringer của Sony vẫn phản bác lại những lời chỉ trích rằng Sony đã phản ứng quá chậm sau khi sự cố xảy ra.

Trọng Cầm
(Theo Reuters)