CEO John Chen của BlackBerry không hài lòng với cách mà Apple cùng các công ty khác "phân biệt đối xử" với BlackBerry khi không phát triển ứng dụng cho người dùng điện thoại của "Dâu đen".

Ứng dụng iMessage không nên chỉ tương thích với các sản phẩm của Apple, nó nên được đưa lên tất cả các loại thiết bị", đó là mong muốn của John Chen - CEO của BlackBerry trong một bức thư mở mà ông gửi đến Thượng viện Mỹ. Bức thư này được đăng tải trên blog của công ty.

Cách đây một thập kỷ, BlackBerry vẫn đang là một tên tuổi tiên phong trên thị trường smarphone, nổi tiếng với những mẫu điện thoại có khả năng check mail "mọi nơi, mọi lúc". Tuy nhiên, khi Apple ra mắt iPhone và sau đó là sự xuất hiện của "binh đoàn" Android, thị phần của BlackBerry dần tụt dốc không phanh. Những nỗ lực vực dậy tình hình sau đó không mang lại kết quả, dẫn tới hàng loạt đợt cắt giảm nhân sự và rồi có thời điểm tưởng chừng công ty phải "bán mình". Hiện tại, thương hiệu "Dâu đen" gần như đã chịu thua cuộc và rút lui khỏi thị trường smartphone để tập trung phát triển phần mềm và dịch vụ, dưới sự lãnh đạo của CEO John Chen. Gần đây, BlackBerry cũng vừa ra mắt hàng loạt ứng dụng và dịch vụ cho Android và iOS.

Nhưng Chen không hài lòng với cách mà các công ty công nghệ phát triển phần mềm. "Không như BlackBerry cho phép người dùng iPhone tải về và sử dụng dịch vụ nhắn tin BBM, Apple không cho phép người dùng điện thoại BlackBerry và Android dùng ứng dụng nhắn tin iMessage của họ. Netflix (một dịch vụ stream phim) cũng vậy, từ chối người dùng BlackBerry. Nhiều nhà phát triển phần mềm khác cũng áp dụng cách tiếp cận tương tự, chỉ phát triển ứng dụng của họ cho iPhone và Android".

{keywords}

John Chen - CEO của BlackBerry.

Lập luận của Chen gắn liền với các tranh cãi liên quan đến luật bình đẳng trên Internet (net neutrality) trong đó những người kiến nghị luật này nói rằng các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) không nên được phép ưu tiên lưu lượng truy cập (traffic) cho một số dịch vụ nhất định. Nói cách khác, tinh thần của net neutrality là tất cả các trang web trên mạng toàn cầu phải được làm việc với cùng một tốc độ trung bình được cung cấp bởi ISP.

Chen nói rằng luật này nên được mở rộng ra, bằng cách yêu cầu các nhà phát triển những ứng dụng phổ biến (như Apple với iMessage) không được phát triển ứng dụng đó chỉ cho một số loại thiết bị nhất định. Đây là thực trạng đang diễn ra hiện nay, như John Chen đã nói ở trên.

"Điều này đã tạo ra một hệ sinh thái băng thông rộng không dây 2 tầng, mà ở đó người dùng iPhone và Android có thể truy cập được nhiều nội dung và ứng dụng hơn so với người dùng các thiết bị chạy hệ điều hành khác. Bởi vậy, các nhà cung cấp ứng dụng/nội dung cần phải bị cấm và không được phân biệt đối xử người dùng hệ điều hành này với hệ điều hành khác", Chen cho biết.

Tất nhiên, đó là mong muốn từ phía BlackBerry. Còn Apple, tuy chưa đưa ra phản hồi gì, nhưng nhiều khả năng sẽ không "hứng thú" với lời đề nghị này. Ứng dụng nhắn tin iMessage cho phép người dùng các sản phẩm của Apple nhắn tin miễn phí cho nhau; và đây là một trong các tính năng mà họ dùng để "cám dỗ" người dùng mua iPhone, iPad, Mac. Trong khi đó, các nhà phát triển ứng dụng khác cũng thường viện cớ về thời gian phát triển cũng như hiện tượng phân mảnh, để giải thích vì sao ứng dụng của họ có mặt trên nền tảng này trước, nền tảng kia sau. Bởi vậy, nhiều khả năng họ cũng sẽ trốn tránh và không muốn tốn thời gian và tiền bạc để phát triển một phiên bản riêng cho các nền tảng chỉ có một lượng người dùng nhỏ (như BlackBerry hay Windows Phone).

"Luật công bằng Internet cần được cưỡng chế ở cấp độ nội dung và ứng dụng nếu như chúng ta thực sự muốn có mạng Internet mở, miễn phí, và không phân biệt đối xử", lãnh đạo của BlackBerry nhấn mạnh.

Theo ICTnews/Cnet