Chỉ bán được 24,1 triệu sản phẩm, iPad bị coi là một sự thất vọng về doanh thu cho Apple. Nguyên nhân nào đằng sau điều này? Phải chăng người dùng đã nhận ra sản phẩm này thực sự không cần thiết?

{keywords}

5 năm về trước, bài giới thiệu về iPad của cố CEO Apple, Steve Jobs, đã khiến toàn bộ khán giả khi ấy “phát cuồng” còn toàn thể thế giới thì phải đứng dậy và vỗ tay cho ông.

Sau lần ra mắt đầy ấn tượng đó, trang tin WIRED đã tiến hành một cuộc khảo sát tìm hiểu xem người dùng nghĩ gì về chiếc “iPhone khổng lồ”. Kết quả cho thấy khoảng 60% cho biết, họ không có ý định mua iPad, bởi họ đã có laptop và iPhone. Họ không cần một thiết bị thứ ba, là sản phẩm lai của hai vật dụng trên.

Trang tin Pundits cũng đưa ra một nhận xét tương tự: “iPad không hẳn là một chiếc laptop mà cũng chẳng phải một smartphone”. Nó giống một thứ lai giữa thìa và dĩa nhưng cuối cùng, chúng ta chỉ cần thìa và dĩa mà thôi.

Những mục quảng cáo ban đầu hầu như dựa trên ý tưởng rằng iPad sẽ là một thiết bị giải trí. Trên những bảng quảng cáo cỡ lớn, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh một chiếc iPad được đặt trên mặt một chiếc laptop vô danh, một người cầm trong tay một chiếc iPad khi chuẩn bị cho cuộc họp sắp tới. Và thậm chí nếu bạn sử dụng iPad cho mục đích công việc, các nhà tiếp thị và thiết kế của Apple cũng cố gắng truyền đến bạn một thông điệp: với iPad bạn có thể thực hiện mọi công việc một cách thư giãn và “không mất nhiều nỗ lực”.

“Không mất nhiều nỗ lực” chính là từ để miêu tả việc kinh doanh iPad của hãng Apple trong thời gian trước. Hết quý này đến quý khác, doanh số iPad tăng lên gấp đôi và thậm chí gần gấp ba so với cùng kỳ năm trước. Đến năm thứ 2 kể từ khi được bán ra, số lượng iPad bán được đã đạt đến mức 7 con số trong mỗi quý – tổng cộng hơn 58 triệu iPad đã được bán ra trong năm tài khóa 2012.

Không rõ lý do là gì, nhưng thứ “sản phẩm lai” này đã tìm được đường len lỏi vào nhiều ngôi nhà trên thế giới và tạo nên một dòng máy tính mới.

Tuy nhiên, thời cực thịnh của iPad đã qua đi nhanh chóng. Lượng sản phẩm bán ra bắt đầu sụt giảm từ quý 3 năm 2013, và doanh thu từ thiết bị này đã giảm xuống chỉ hơn 17 triệu vào đầu năm rồi sau đó tiếp tục tụt xuống còn hơn 14,6 triệu. Vào thời gian đó, sự vắng mặt của một sản phẩm chủ đạo mới được coi là cái cớ để đổ lỗi. Thế nhưng, sau khi đã có được sản phẩm chủ đạo mới, doanh thu vẫn tiếp tục sụt giảm.

Sau khi bán ra 26 triệu iPad vào đầu năm 2014, ba quý tiếp theo doanh thu liên tiếp giảm. Vấn đề không phải là người dùng không còn muốn mua iPad nữa. Vấn đề chỉ là nhu cầu mua iPad không tăng lên mà thôi.

Nguyên nhân cơ bản chính là những gì được nêu ở trên: smartphone và laptop đã làm được hầu hết những công việc mà iPad có thể làm được vì thế iPad không thực sự cần thiết.

Sự thay đổi rõ rệt nhất chính là việc màn hình smartphone ngày càng mở rộng. Apple cuối cùng đã chấp nhận tăng kích cỡ màn hình dòng điện thoại iPhone để cạnh tranh với các đối thủ khác. Chiếc điện thoại iPhone 6 Plus của Apple cũng to gần như ngang ngửa với một chiếc máy tính bảng. Cùng lúc đó, các sản phẩm laptop, đặc biệt là laptop của hãng Apple, ngày càng mỏng hơn, nhẹ hơn, xâm lấn vào chính những điểm thu hút người mua nhất của iPad.

Apple vẫn bán được nhiều iPad hơn Mac nhưng doanh thu từ Mac đang tăng lên. Và theo nhiều tin đồn, chiếc máy MacBook Air thế hệ tiếp theo sẽ ngang ngửa một chiếc iPad về độ mỏng, nhẹ và linh hoạt.

Trong lúc đó, Apple lại không tìm thêm được lý do để thuyết phục người dùng sở hữu một chiếc iPad. Vào lần ra mắt sản phẩm mới nhất trong tháng 11 vừa qua, những nhà lãnh đạo của Apple vẫn “nhai đi nhai lại” điệp khúc “mỏng, mỏng và mỏng” khi nói về dòng iPad mới. Vâng, chiếc iPad Air 2 mỏng, thanh lịch và siêu nhẹ. Nhưng những điều đó chẳng đủ hấp dấn người tiêu dùng như trước.

iPad là một sản phẩm có thiết kế đẹp mắt. Bạn sẽ vẫn muốn sử dụng chúng khi ngồi thư thái trên salon, đọc báo, lướt Facebook hay chơi game. Nhưng khi bạn cần trả lời một cuộc gọi, bạn sẽ nhấc điện thoại lên. Khi bạn cần trả lời một bức thư điện tử, bạn sẽ ưu tiên sử dụng laptop. Tóm lại, nó chỉ là một vật dụng giúp bạn giết thời gian mà thôi.

Theo ICTnews/WIRED