Đúng vào ngày Quốc khánh Mỹ, chiếc máy tính để bàn đầu tiên sử dụng hệ điều hành Chrome của gã khổng lồ tìm kiếm Google sẽ đáp xuống thị trường, sau hơn 2 năm phát triển.


Với tên gọi ChromiumPC, thiết bị này dựa trên cấu trúc máy tính Xi3 độc quyền của Xi3 và cực kỳ tiết kiệm điện (chỉ tiêu thụ vẻn vẹn 20 watt). Nó sở hữu một thiết kế khá lạ mắt, giống như một khối rubik nhỏ nhắn với các kích thước 10,2 x 9,1 x 9,1cm và sở hữu một lớp vỏ nhôm với rất nhiều màu sắc khác nhau để bạn lựa chọn. Trong số này có xanh biển, cam, xanh lục và không thể thiếu màu mạ nhôm biểu tượng của Chrome.



Não bộ của máy là một vi xử lý x86, 64 bit đơn lõi hoặc lõi kép. Bên trong thân máy là 3 bo mạch nhỏ nhưng liên kết với nhau, gồm: bo mạch chứa vi xử lý và RAM, một module I/O chính chứa các cổng kết nối với thiết bị ngoại vi và một module I/O phụ chứa kết nối Ethernet, video và điện. Hiện giá bán của sản phẩm chưa được tiết lộ.

Thiết kế kiểu module này cũng là một phần trong cấu trúc Xi3 Modular Computer, được công bố chính thức năm ngoái và đoạt giải thưởng Sáng tạo của hạng mục phần cứng máy tính tại Triển lãm CES 2011 vừa qua.



Tùy chọn hệ điều hành


Tính mở và linh hoạt là lợi ích chủ chốt của thiết kế dạng module của Xi3. Trên thực tế, dù ChromiumPC được cài sẵn hệ điều hành Chrome khi xuất xưởng nhưng người dùng vẫn có thể thay thế Chrome bằng gần như tất cả các hệ điều hành khác, nếu muốn.



"Cấu trúc máy tính của Xi3 được thiết kế để hỗ trợ bất cứ hệ điều hành dựa trên nền tảng x86 nào, như Windows, Linux, Unix...", Ông Jason A.Sullivan, Chủ tịch kiêm CEO của Xi3 Corp cho biết. "Nếu bạn chọn chuyển ChromiumPC sang một hệ điều hành khác, thì mọi việc cũng dễ hệt như khi thay một trong ba bo mạch bên trong máy tính vậy".

Quả thực, sự linh hoạt kiểu này là một dấu ấn đặc trưng của Linux và các phần mềm nguồn mở miễn phí. Sẽ thật tuyệt khi thấy tư tưởng đó được lồng ghép tuyệt đối vào thiết kế desktop hiện đại này của Google, vì suy cho cùng, có bao giờ bạn cảm thấy mệt mỏi vì giới hạn của sự tùy biến hay chưa?



Trọng Cầm (Theo PCWorld)