- Đứng trước xu thế phát triển của 4G trên thế giới, Bộ TT&TT xác định năm 2015 là thời điểm thích hợp để triển khai công nghệ 4G tại Việt Nam. Dự kiến Việt Nam sẽ tổ chức triển khai cấp phép 4G từ đầu năm 2016.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng phát biểu tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE.

Thông tin này được Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE "Quy hoạch tổng thể, tối ưu hóa công nghệ, đa dạng hóa dịch vụ hướng tới đông nhất công nghệ 4G tại tiểu vùng sông Mekong" khai mạc sáng nay, 26/3, tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Thắng, trên thực tế, Bộ đã quy hoạch và cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm LTE từ năm 2010. Trên cơ sở đánh giá về nhu cầu thị trường, công nghệ , thiết bị và các điều kiện khác, Việt Nam sẽ cấp phép 4G với mục tiêu sử dụng hiệu quả băng tần cao, khả năng dùng chung, chia sẻ mạng.. tạo một môi trường viễn thông ngày càng cạnh tranh và phát triển, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế của đất nước.

4G LTE đang phát triển rất nhanh trên thế giới. Theo số liệu của GSA, tính đến hết năm 2014, tổng số thuê bao 4G LTE trên toàn cầu đạt 497 triệu, tăng trưởng hàng năm đạt 140%. Riêng trong 6 tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng của thuê bao 4G còn nhanh hơn cả thuê bao 3G. Dự kiến đến hết năm 2015, toàn thế giới sẽ có ít nhất 450 mạng LTE trển khai thương mại so với con số 364 mạng đã chính thức cung cấp dịch vụ tại thời điểm cuối năm 2014. Với ưu thế vượt bậc về khả năng cung cấp các dịch vụ truy nhập tốc độ cao, cùng với xu hướng dần phổ cập các thiết bị đầu cuối, "có thể khẳng định rằng mạng 4G LTE sẽ là xu hướng phát triển chủ đạo của viễn thông thế giới trong thời gian tới", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, triển khai 4G tại Việt Nam sao cho hiệu quả, bền vững là một vấn đề cần được nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng. Vì vậy, Thứ trưởng đặt hàng 3 chủ đề lớn để Hội thảo thảo luận là: Trao đổi các chính sách QLNN, bảo đảm thị trường viễn thông phát triển bền vững theo hướng chất lượng, hiệu quả khi triển khai mạng 4G LTE trong tương lai, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư của các mạng di động, bởi hạ tầng mạng 3G mới được đầu tư chưa lâu.

Thứ hai, tập trung thảo luận về các quy hoạch cấp phép băng tần, phương thức cấp phép cho 4G trong tương lai và cuối cùng, việc triển khai 4G cùng với sự phát triển không ngừng của các dịch vụ OTT sẽ thay đổi thị trường trong tương lai. Diễn đàn có thể trao đổi các giải pháp cho phép doanh nghiệp OTT, cũng như doanh nghiệp viễn thông dần chuyển sang mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu thế phát triển, khai thác hiệu quả hạ tầng và tài nguyên viễn thông.

Theo chương trình của Hội thảo, phiên báo cáo của buổi sáng có chủ đề: "Quy hoạch tổng thể 4G tại Việt Nam và kinh nghiệm triển khai 4G tại các quốc gia khác"", sẽ tập trung giới thiệu một số vấn đề như quản lý, cấp phép tần số 4G tại VN, những cam kết và lợi ích khi triển khai hệ sinh thái 4G, cơ hội và thách thức khi triển khai 4G tại VN, bài học kinh nghiệm xây dựng, triển khai công nghệ 4G tại các quốc gia khác. Cuối cùng là phiên thảo luận giữa các đại diện lãnh đạo ngành viễn thông của các quốc gia trong tiểu vùng sông Mekong về việc làm thế nào phát triển hài hòa công nghệ 4G tại các quốc gia này.

Trong phiên làm việc chiều, Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin tin điện tử (Bộ TT&TT) sẽ có bài thuyết trình về Xu hướng phát triển dịch vụ nội dung số trên nền tảng 4G và những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý. Các diễn giả cũng sẽ tạp trung thảo luận về việc làm sao để thu hút được nhiều người sử dụng 4G thông qua những dịch vụ dành cho doanh nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông vận tải....

Từ năm 2009, Việt Nam đã đầu tư phát triển công nghệ 3G. Sau 5 năm triển khai, số lượng thuê bao sử dụng mạng 3G tại VN đã tăng từ 7 triệu thuê bao lên đến gần 29 triệu thuê bao, theo số liệu tháng 1/2015 của Cục Viễn thông, và vẫn đang tiếp tục tăng mạnh. Tính đến thời điểm này, công nghệ 3G đã phủ sóng 63/63 tỉnh, thành và các vùng biên giới hải đảo. Giá cước 3G cũng ở mức hợp lý, vừa túi tiền với đa số người dân.

T.Cầm