Trước đây, Tổ chức y tế thế giới từng nhiều lần khẳng định: Chưa có bằng chứng khoa học xác đáng để kết luận giữa sóng ĐTDĐ và căn bệnh ung thư có mối liên hệ với nhau. Tuy nhiên, trong thông điệp mới nhất của mình, có vẻ như WHO đã thay đổi quan điểm 180 độ.




Cho tới trước ngày thứ Ba, 31/5, các quan chức của WHO vẫn tuyên bố sử dụng điện thoại không đe dọa đến sức khỏe con người. Nhưng giờ đây, sóng do điện thoại phát ra, đúng thực là có khả năng gây ra bệnh ung thư. Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc thế của WHO đã chính thức liên hệ sóng di động với nguy cơ ngày càng gia tăng của căn bệnh ung thư tủy não.
 
Trên thực tế, phán quyết này không hề xuất phát từ các nghiên cứu mới. Thay vào đó, một hội đồng 31 nhà khoa học đến từ 14 nước đã dành một tuần để xem xét lại các công trình nghiên cứu trước đây, trước khi đi đến kết luận nói trên. Họ đã đưa tần số điện từ trường vào trong một danh sách dài các tác nhân có thể gây ung thư, cùng với dầu dừa, DDT, chì, bột đá, dioxide và một số dạng virus của HIV, HPV. Đây là cấp độ thứ ba trong danh sách 5 cấp độ với khả năng gây ung thư khác nhau, từ thấp đến cao (Cao nhất là tác nhân gây ung thư như ion hóa, tia cực tím...)

Hiệp hội công nghiệp không dây CTIA đã nhanh chóng có phản ứng trước tuyên bố mới của WHO khi khẳng định việc phân hạng này "không đồng nghĩa với việc điện thoại di động gây bệnh ung thư". Cả FCC lẫn FDA đều vẫn bảo lưu quan điểm rằng chưa có bằng chứng để "đổ tội" lên đầu điện thoại di động.

Tuy nhiên, hầu hết giới khoa học đều nhất trí rằng chưa có phán quyết cuối cùng về việc điện thoại di động có đe dọa sức khỏe con người hay không, vì sóng di động không ion hóa, khác với sóng do phóng xạ hoặc tia X phát ra. Theo cách hiểu thông thường, thiết bị di động chỉ có thể gây hại khi nó bị quá nóng mà thôi. Đồng thời, rất ít chuyên gia dám khẳng định chắc chắn rằng sử dụng vi sóng hai chiều gần người là hoàn toàn an toàn. Suy cho cùng, bản chất con người là các sinh vật điện từ, vậy tại sao sóng điện từ lại không tác động xấu đến chúng ta cơ chứ?

Trong số các nghiên cứu mà WHO khảo sát lại lần này có một nghiên cứu cho rằng, nghe điện thoại quá 30 phút mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư não tới 40% trong vòng 10 năm. Một nghiên cứu hồi tháng Hai của Tạp chí Hiệp Hội Y học Mỹ cũng cho rằng sóng di động làm thay đổi bản chất hóa học của não khi làm tăng mức độ đường glucose.
Một số tổ chức nhân quyền cáo buộc ngành công nghiệp không dây đã biến 5 tỷ người dùng trên toàn thế giới thành "vật thí nghiệm", trong số này có Devra Davis, người sáng lập Quỹ Niềm tin Sức khỏe Môi trường. Bà này cho rằng nhiều bệnh nhân của căn bệnh u não hiếm gặp đều là những người sử dụng di động hạng nặng, như Thượng nghị sĩ Ted Kennedy, người qua đời năm 2009.

Dù tin hay không, bạn cũng nên áp dụng một số quy chuẩn được cho là an toàn khi sử dụng di động được liệt kê dưới đây:

1. Không dùng điện thoại trong khi đang lái xe

2. Sử dụng tai nghe: Bạn sẽ bị "phơi nhiễm" ít sóng hơn hẳn so với việc áp điện thoại sát tai. Một lựa chọn khác là dùng loa.

3. Tránh để điện thoại gần bụng, nhất là với phụ nữ có thai.

4. Nên nhắn tin và hạn chế gọi điện: sóng tỏa ra từ việc nhắn tin hiển nhiên là thấp hơn khi bạn gọi điện rất nhiều.

5. Tắt điện thoại khi không dùng đến: Không có cớ gì để bạn phải bật điện thoại suốt 24/7. Thay vì dùng điện thoại làm đồng hồ báo thức và đặt nó dưới gối, hãy dùng một chiếc đồng hồ chuyên dụng.

6. Luôn sạc khi cần: Điện thoại khi gần hết pin sẽ tỏa ra nhiều tín hiệu sóng hơn so với bình thường.

7. Đừng tin quảng cáo về những sản phẩm ngăn tia sóng: chưa có bằng chứng nào chứng tỏ những sản phẩm hiệu này có tác dụng và chúng còn khiến bạn chủ quan hơn với sức khỏe của mình.

Trọng Cầm (Theo PCWorld)