Tính đến quý I/2015, cả thế giới đang có tổng cộng 3,1 tỷ kết nối 3G/4G. Tuy nhiên, với tốc độ triển khai nhanh chóng tại những thị trường như Trung Quốc, cùng với sự chuẩn bị triển khai 4G tại Việt Nam, Indonesia và nhiều nước đang phát triển khác, số lượng thiết bị kết nối 3G/4G được dự đoán sẽ bùng nổ mạnh, đạt xấp xỉ 6 tỷ kết nối chỉ sau 4 năm nữa.

{keywords}

Ông Paul E.Jacobs, Chủ tịch điều hành Qualcomm Inc. Ảnh: T.C

Cũng theo dự đoán của Qualcomm, số lượng smartphone xuất xưởng trong giai đoạn 2015-2019 sẽ lên tới 8,5 tỷ chiếc, lấn lướt hoàn toàn feature phone, nhờ sự xuất hiện ngày càng nhiều của smartphone bình dân - những con dế có giá bán chưa đến 100 USD.

Đánh giá về tiềm năng và triển vọng của công nghệ 4G LTE trong thời gian tới, ông Derek Aberle, Chủ tịch Qualcomm cho biết, cơ hội tăng trưởng toàn cầu của LTE "vẫn ở mức khổng lồ" do 90% kết nối toàn cầu vẫn đang là 2G hoặc 3G. Ngày càng nhiều băng tần LTE được các quốc gia cấp cho nhà mạng để triển khai cung cấp dịch vụ, nhờ đó mà lộ trình phát triển LTE vẫn "còn rất dài". Hơn nữa, việc ở tầm giá nào cũng có smartphone LTE cũng giúp hạ thấp rào cản tiếp cận công nghệ xuống mức rất thấp.

Trong số các thị trường 4G mới nổi, ông Derek nhận định cơ hội ở Trung Quốc là "đặc biệt lớn". Các nhà mạng nước này đang triển khai mạng 4G cực nhanh, theo ước tính, sẽ có tới 1,3 tỷ thiết bị kết nối 3G/4G được kích hoạt riêng tại thị trường Trung Quốc vào năm 2014, chiếm 22,5% thị trường 3G/4G toàn cầu.

Sự phổ biến của thiết bị đầu cuối (smartphone) càng khiến cho diện phủ sóng của 3G/4G được mở rộng nhanh hơn. Có thể nói, smartphone chính là thiết bị được dùng nhiều nhất hiện nay, được tích hợp sâu và có khả năng tối ưu hóa nhiều công nghệ. Mặt khác, việc smartphone có vòng đời ngắn (6 tháng - một năm) giúp cho nhà sản xuất thỏa sức đưa vào đó những công nghệ mạng mới nhất. Hiện tại, một số nhà mạng đã thử nghiệm mạng 4G với tốc độ Cat 9 lên tới 450 Mb/giây.

Theo lộ trình dự kiến, Việt Nam sẽ tiến hành cấp phép 4G chính thức từ đầu năm 2016. Trong năm 2014, các nhà mạng đã được Bộ TT&TT đồng ý cho thử nghiệm 4G LTE trên một số băng tần như 2600 MHz. Sang đến đầu năm 2015, họ tiếp tục được bật đèn xanh để triển khai 4G LTE thử nghiệm ở cả băng tần 1800 MHz đang được dùng cho 2G.

"Chúng ta đã bắt tay vào nghiên cứu và triển khai thử nghiệm 4G ở quy mô nhỏ. Theo đánh giá bước đầu của các doanh nghiệp thì cơ bản về mặt công nghệ đã đáp ứng được yêu cầu", Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 4. Số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, thế giới đang có gần 500 triệu thuê bao 4G và hơn 2400 thiết bị đầu cuối hỗ trợ 4G LTE. Đây là một tiền đề quan trọng để Việt Nam triển khai 4G.

Tiền đề thứ hai là công nghệ 3G tại Việt Nam tuy đã khá phổ biến, song vẫn tồn tại những hạn chế về chất lượng và tốc độ không thể phủ nhận. Nếu như Việt Nam muốn phát triển thương mại điện tử trên nền di động, Chính phủ điện tử trên di động thì bắt buộc phải cần tới tốc độ và sự bảo mật của 4G.

Sức khỏe di động sẽ bùng nổ trong 5 năm nữa

Dự đoán về các xu hướng công nghệ nóng trong tương lai gần, ông Paul E.Jacobs, Chủ tịch điều hành Qualcomm Inc tin rằng, các ứng dụng và thiết bị theo dõi sức khỏe, y tế trên di động sẽ phát triển rất mạnh, do nhu cầu ngày càng lớn từ phía người dùng và thị trường.

"Chúng ta không nên vội vàng đánh giá thành công của smartwatch nói riêng và các thiết bị wearable nói chung chỉ dựa trên thành công của Apple Watch. Khả năng theo dõi sức khỏe, thể trạng rộng hơn những gì Apple Watch đang làm rất nhiều. Tiến tới đây, các hãng sẽ đưa sensor đến mọi bộ phận trên cơ thể người và đó mới chính là triển vọng thực sự của wearable", ông Jacobs phân tích.

Bên cạnh đó thì thực tế ảo (virtual - reality) cũng sẽ là công nghệ nổi lên mạnh mẽ trong vòng 5 năm tới. "Mọi người sẽ xem thể thao qua VR vì trải nghiệm mà nó mang lại vượt trội so với hiện nay: thực hơn, sống động hơn, thông tin về cầu thủ, trận đấu, sân bóng... đều được hiển thị trực tiếp ngay trước mắt người dùng....Khi ấy, bạn sẽ khó mà tưởng tượng tại sao hiện nay chúng ta lại có thể xem thể thao mà không cần tới VR".

Trọng Cầm