Để hội nhập và cạnh tranh trong một nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam phải trở thành một quốc gia khởi nghiệp. Muốn vậy, chúng ta cần phải tiến hành những bước đi đầu tiên.

Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân chia sẻ tại Lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp và Công nghệ diễn ra sáng nay, 15/5, tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

{keywords}

Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân phát biểu tại Lễ khai mạc TECHFEST 2015. 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, những bước đi đầu tiên ấy chính là xây dựng một trường đại học khởi nghiệp và tiếp đó là một thành phố khởi nghiệp.

“Hãy bắt đầu từ 1 trường đại học khởi nghiệp, để trong một tương lai rất ngắn chúng ta sẽ có một thành phố khởi nghiệp và sau một thời gian ngắn, chúng ta sẽ trở thành một quốc gia khởi nghiệp”, ông Quân nói.

“Nếu không đi bước đi đầu tiên này thì chúng ta sẽ không thể trở thành một quốc gia khởi nghiệp và không thể cạnh tranh được trong một nền kinh tế toàn cầu”.

Theo ông Nguyễn Quân, trong thời gian vừa qua, do cơ chế chính sách chưa thực sự khuyến khích nên số lượng doanh nghiệp KHCN mà thực chất là doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) phát triển rất chậm so với mong muốn cũng như mục tiêu của Chiến lược phát triển KHCN tới năm 2020.

“Mặc dù trong những năm qua chúng ta có những đốm lửa nho nhỏ về doanh nghiệp khởi nghiệp và có không ít những doanh nghiệp đã thành công nhưng những đốm lửa ấy chưa đủ để trở thành một phong trào với mục tiêu chúng ta phải có tới 5.000 doanh nghiệp KHCN vào năm 2020”, ông Quân khẳng định.

Bên cạnh đó, doanh  nghiệp khoa học công nghệ của Việt Nam hiện nay hầu hết không phải xuất phát từ các trường đại học, các viện nghiên cứu mà trưởng thành từ các doanh nghiệp nhỏ.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, việc Ngày hội Khởi nghiệp và Công nghệ được tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội để các sinh viên có ý tưởng khoa học, công nghệ sẽ thành công trong những doanh nghiệp khởi nghiệp của mình.

“Tôi rất mong các thầy cô và sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ trình diễn những ý tưởng và thành quả bước đầu của mình, thảo luận với các nhà đầu tư, trao đổi với các chuyên gia, cùng các nhà quản lý của Bộ KHCN cũng như các bộ ngành liên quan để chúng ta tìm ra con đường đi tốt nhất, tìm ra  phương thức khởi nghiệp. Đó là bước đi đầu tiên trên con đường trở thành quốc gia khởi nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Phùng Xuân Nhạ, giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chia sẻ rằng, sau 30 năm đổi mới, mở cửa hội nhập, đến nay Việt Nam mới bước những bước đi đầu tiên của một quốc gia khởi nghiệp là quá chậm. Song chậm còn hơn không.

{keywords}

Ông Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Lễ khai mạc.

Theo ông Nhạ, điểm mấu chốt của việc thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp, hình thành thị trường KHCN ở Việt Nam chính là thiếu các nhà đầu tư. Bởi chính các nhà đầu tư sẽ tạo ra động lực, đặt hàng, giám sát từ đầu tới cuối đối với các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

“Quan hệ giữa các nhà khoa học với doanh nghiệp để hình thành thị trường KHCN là phải rất rõ đối tượng cung và cầu thì mơi tạo thành chuỗi. Nếu không có những nghiên cứu hết sức công phu nhưng nghiên cứu ra những thứ bên ngoài người ta nghiên cứu rồi hoặc nghiên cứu ra rất khó ứng dụng vì không đồng bộ”, ông Nhạ nói.

Với kỳ vọng Đại học Quốc gia sẽ trở thành một đại học khởi nghiệp, đi những bước đầu tiên để xây dựng Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp, ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định đây là một cơ hội cũng là một trách nhiệm lớn đối với Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

Ngày hội Khởi nghiệp và Công nghệ Việt Nam 2015 (TECHFEST 2015) diễn ra từ 15-17/5/2015 tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đây là ngày hội cho các doanh nghiệp và cá nhân đam mê và làm việc trong lĩnh vực công nghệ sáng tạo cũng như đại diện và tổ chức quan tâm đến đầu tư và cố vấn khởi nghiệp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm các cơ hội hợp tác tiềm năng.

Tham dự sự kiện lần này có hơn 50 doanh nghiệp khởi nghiệp KH&CN của Việt Nam cùng hơn 50 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tại đây, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ giới thiệu các sản phẩm công nghệ và tìm kiếm các cơ hội kết nối với các nhà đầu tư. Trong khi đó, các nhà đầu tư cũng sẽ có một cái nhìn toàn cảnh hơn về thị trường công nghệ Việt Nam.

Ngoài các chương trình trưng bày sản phẩm và hội thảo, Ngày hội Khởi nghiệp và Công nghệ còn có cuộc thi khởi nghiệp Startup Discovery được tổ chức theo mô hình quốc tế. Đội thắng cuộc sẽ giành quyền tới Phần Lan và Singapore để tham dự hai sự kiện khởi nghiệp quốc tế. 

Lê Văn