Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho rằng, cơ quan quản lý nên để doanh nghiệp được chủ động khi tiến hành thử nghiệm cung cấp dịch vụ 4G trên băng tần 1800 MHz, chứ không "cầm tay chỉ việc", quy định quá cụ thể và chi tiết như khi cấp phép. 

{keywords}

Chỉ có như vậy, doanh nghiệp mới có thể xác định được chính xác hiệu quả kinh tế, sự hợp lý của công nghệ trước khi triển khai cung cấp dịch vụ một cách đại trà. Nói cách khác, Bộ TT&TT sẽ chỉ định hướng chung cho doanh nghiệp như thử nghiệm công nghệ gì để đảm bảo cho thị trường phát triển bền vững mà thôi.

Chia sẻ tại cuộc họp về việc thử nghiệm mạng và dịch vụ 4G LTE sáng nay, 28/5, Thứ trưởng Thắng nhấn mạnh việc thử nghiệm một công nghệ mới, dịch vụ mới là hết sức quan trọng, bởi kết quả thử nghiệm sẽ giúp cơ quan quản lý trả lời được nhiều vấn đề lớn như nên lựa chọn công nghệ nào, thời điểm nào để triển khai là tối ưu nhất, cũng như hướng quy hoạch băng tần ra sao...

Tại cuộc họp này, đại diện Cục Viễn thông, Cục Tần số, VNNIC đã đóng góp nhiều ý kiến về quy định triển khai thử nghiệm 4G trên băng tần 1800 MHz.

"Ứng dụng công nghệ cũ quá cũng không tốt, nhưng lựa chọn công nghệ quá tiên tiến thì vừa đắt đỏ mà nhu cầu từ phía người dùng lại chưa có, cũng là lãng phí. Vì thế, cần triển khai những công nghệ mang tính phổ biến, có quy mô ứng dụng tương đối rộng trên thế giới thì khả năng thành công mới cao. Sở dĩ Việt Nam triển khai thành công 3G cũng là vì đã chọn đúng công nghệ và đi đúng hướng", Thứ trưởng phân tích. Việc thử nghiệm trước sẽ giúp tìm ra công nghệ phù hợp với khả năng của doanh nghiệp cũng như điều kiện kinh tế của người dân.

Một bài học nữa cũng được Việt Nam rút ra từ kinh nghiệm triển khai 3G chính là thời điểm. Theo Thứ trưởng, từ năm 2000-2009, cơ quan quản lý luôn phải chịu áp lực về việc đưa 3G vào Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ vẫn xác định phải đợi đến khi mặt bằng giá của smartphone rẻ xuống tới mức hợp lý với thu nhập đa số người dùng thì mới triển khai. Cái khó nhất của 4G không phải là mạng lưới, công nghệ mà chính là giá của thiết bị đầu cuối. Đại bộ phận smartphone hỗ trợ 4G LTE và LTE-A hiện nay vẫn có giá trên 15 triệu đồng, quá cao so với mặt bằng của Việt Nam.

Đối với 4G, hiện tại nhà mạng mới rục rịch tiến hành thử nghiệm. Sau một năm, các kết quả thử nghiệm mới được tổng hợp, phân tích và báo cáo lên cơ quan quản lý, làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách cấp phép, quản lý dịch vụ... Bản thân việc nhà mạng đầu tư hạ tầng, thiết bị, con người để triển khai thương mại 4G cũng sẽ mất tối thiểu một năm nữa. Do đó, để có dịch vụ 4G một cách đúng nghĩa tại Việt Nam có lẽ phải đợi đến giữa năm 2017 là sớm nhất.

Kết quả thử nghiệm cũng sẽ tác động rất lớn đến quy hoạch băng tần trong tương lai. Theo quy hoạch trước đây, Việt Nam sẽ dành băng tần 2600 MHz và 2300 MHz cho 4G, nhưng trên thế giới, băng tần 1800 MHz lại được dùng phổ biến hơn, chiếm khoảng 40% thị phần. Số lượng thiết bị hỗ trợ băng tần này cũng nhiều nhất. Một điểm cần lưu ý là 3G, thậm chí 2G sẽ vẫn còn tiếp tục tồn tại trong một thời gian rất lâu nữa. Số liệu nghiên cứu cho thấy, trong năm 2014, data mới chỉ chiếm 30% tổng lưu lượng di động mà thôi, còn thoại vẫn chiếm tới 60%, tin nhắn chiếm 10% lưu lượng. Nói cách khác, 3G và 2G sẽ vẫn là các công nghệ chủ đạo từ nay đến năm 2020. "Ta nên thống nhất băng tần vẫn dùng chung giữa 4G với 3G và 2G đến năm 2020. Sau mốc thời gian này, sẽ căn cứ xu hướng thế giới và nhu cầu thị trường để quy hoạch lại", Thứ trưởng kết luận.

T.Cầm