Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng đã thẳng thắn chia sẻ như vậy tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 63/QĐ-TTg về Quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia đến năm 2020 và xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thông tin quốc gia gia đoạn 2016 – 2020 sáng nay, 29/5/2015.

{keywords}
Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Giang Phạm

"Chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận rằng, hầu hết các mục tiêu đặt ra đến năm 2015 trong Quy hoạch chưa được thực hiện một cách trọn vẹn. Chúng ta cũng bị động trong rất nhiều trường hợp, chưa kịp thời ứng phó kịp thời các sự cố, một số các cuộc tấn công gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của nhiều tổ chức, doanh nghiệp", Thứ trưởng chỉ rõ. Vì vậy mà cuối năm 2014, Bộ TT&TT đã quyết định tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được, cũng như những gì còn tồn tại, hạn chế trong công tác bảo đảm ATTT tại Việt Nam, từ đó đưa ra được "những kế hoạch hành động cụ thể, huy động các nguồn lực để đảm bảo thực hiện được những mục tiêu đề ra đến năm 2020 của Quy hoạch.

Cụ thể, Quyết định số 63 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 13/1/2010 đề ra 5 mục tiêu phát triển đến năm 2015 gồm: Đảm bảo ATTT cho cơ sở cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia, Đảm bảo an toàn dữ liệu, ứng dụng CNTT cho các cơ quan nhà nước, các địa phương và cho toàn xã hội, Phát triển nhân lực, nâng cao nhận thức của xã hội về ATTT, Xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý về ATTT và Khuyến khích, hỗ trợ xây dựng các sản phẩm nội địa về ATTT.

Sau 5 năm triển khai, về hoàn thiện hành lang pháp lý: Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật ATTT; ban hành một số Chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật quan trọng. Bộ TT&TT cũng đã thành lập Cục ATTT, nâng cấp Trung tâm Chứng thực Chữ ký số quốc gia thành đơn vị thuộc Bộ, VNCERT tiếp tục là đơn vị ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính. Bộ Công an thành lập Cục An ninh mạng ; một số cơ quan, địa phương đã thành lập Tổ công tác chuyên trách ATTT.

Khâu phát triển đội ngũ nhân lực cũng đã có nhiều chuyển biến: các trường mở ngành ATTT bậc Đại học, cao học nhiều hơn ; Bộ đang cùng các cơ quan, các cơ sở đào tạo trọng điểm thực hiện Đề án đào tạo và phát triển đội ngũ nhân lực ATTT theo Quyết định 99/QĐ-TTg năm 2014. Đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATTT được tiến hành như "Ngày An toàn thông tin Việt Nam" vào tháng 11 hàng năm, trình Thủ tướng Đề án Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết về ATTT đến năm 2020. Việt Nam cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, đồng thời là thành viên sáng lập Diễn đàn toàn cầu các chuyên gia an ninh mạng, một số sản phẩm ATTT của doanh nghiệp Việt đang được sử dụng khá rộng rãi...

Mặc dù vậy, nhận thức chung của người dùng, tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước về ATTT vẫn còn thấp, sự đầu tư ngân sách cho ATTT chưa tương xứng, lực lượng cán bộ chuyên trách về ATTT tại các đơn vị còn quá mỏng và yếu. Chúng ta cũng chưa có được các chính sách để khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp Việt tham gia thị trường ATTT...

5 trụ cột của ATTT Quốc gia

Tính đến nay, theo thống kê sơ bộ của Bộ TT&TT, đã có 36 nước trên thế giới xây dựng và công bố công khai chiến lược và kế hoạch bảo đảm an toàn thông tin quốc gia . Những kế hoạch này đa phần được xây dựng cho từng giai đoạn cụ thể 2, 3 năm hoặc 5 năm. Trong số các nước này, có cả những nước phát triển rất mạnh về CNTT như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ và cũng có những nước đang phát triển ở châu Phi.

Đại diện Cục An toàn thông tin nhấn mạnh rằng, qua khảo sát kinh nghiệm quốc tế, có thể thấy, công tác bảo đảm ATTT quốc gia của các nước hầu hết được xây dựng trên các trụ cột cơ bản giống nhau gồm (1). Môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách; (2) Tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực; (3) Hạ tầng kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật; (4) Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức và (5) Hợp tác quốc tế.

Trên cơ sở đó, dự thảo Kế hoạch bảo đảm ATTT quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đặt mục tiêu tổng thể là: Nâng cao năng lực bảo đảm ATTT quốc gia; chủ động, sẵn sàng đối phó, ngăn chặn và giảm thiếu các nguy cơ, đe dọa mất ATTT trên mạng; xây dựng môi trường an toàn, tin cậy, qua đó, thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần bảo đảm quốc phòng và an ninh.

Bên cạnh 5 “trụ cột” tương đồng với quốc tế kể trên, dự thảo Kế hoạch cũng bổ sung một nhiệm vụ là thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm, dịch vụ ATTT Việt Nam.

Đồng thời, Dự thảo đưa ra 4 nhóm giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ kể trên, lần lượt là giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo; giải pháp về tổ chức, điều phối; giải pháp về đầu tư, tài chính và giải pháp về hợp tác quốc tế; đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, tổ chức trong việc triển khai thực hiện.

Trọng Cầm