Có một thực tế đắng ngắt mà tất cả các hãng điện thoại trong phe Android đều không muốn thừa nhận: smartphone Android không còn được chuộng mua như ngày xưa nữa.

{keywords}
Samsung Galaxy S6

Chiều qua, đại gia di động Hàn Quốc Samsung đã cảnh báo rằng, kết quả doanh thu Q2 của hãng sẽ không đạt được mức kỳ vọng của phố Wall, cũng có nghĩa là bộ đôi smartphone đầu bảng mới ra mắt Galaxy S6 và S6 Edge đã thất bại trong sứ mệnh nặng nề của chúng.

Nhưng Samsung không "cô đơn". Cũng trong ngày hôm qua, một đối thủ của họ - HTC thông báo "hung tin": Hãng này đã thua lỗ trở lại sau 4 quý có lãi chút đỉnh. Tuần trước, thương hiệu smartphone Trung Quốc Xiaomi thừa nhận tốc độ tiêu thụ điện thoại trong năm nay đã chậm lại một cách đáng kể.

Liên tiếp tin xấu được đưa ra đã vẽ nên bức tranh đầy thách thức mà tất cả các hãng smartphone - ngoại trừ Apple - đang phải đối mặt: Người dùng nâng cấp điện thoại mới ít hơn và cũng không còn hứng thú, mặn mà mấy với những cải tiến của các dòng smartphone mới nhất. Chưa hết, thị trường tăng trưởng nóng Trung Quốc cũng bắt đầu tiệm cận điểm bão hòa.

"Không còn nhiều người dùng chưa từng sở hữu chiếc smartphone nào trong đời nữa. Các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải chinh phục các khách hàng smartphone cũ, những người có đòi hỏi khắt khe hơn và hiểu biết nhiều hơn về công nghệ. Họ phải cải tiến chất lượng máy cũng như thiết kế để khuyến khích khách hàng nâng cấp", hãng nghiên cứu Gartner bình luận.

Vậy là cuối cùng, smartphone cũng không thể cưỡng lại được xu thế suy thoái chung của toàn thị trường điện tử dân dụng, Gartner nói thêm. Hãng này dự đoán doanh số xuất xưởng toàn cầu của PC, tablet và smartphone trong năm nay sẽ chỉ còn tăng trưởng 1.5% so với năm ngoái, thấp hơn nhiều so với dự đoán 2.8% trước đó. Trong đấy, doanh số PC sẽ giảm 4.5%, doanh số tablet giảm 5.9%, còn thị trường smartphone sẽ chỉ còn tăng trưởng ở mức 3.3% mà thôi.

Chạm tường

{keywords}
HTC One M9

Trở lại với Samsung, chiều qua hãng này thông báo sẽ có một quý thứ 7 liên tiếp ghi nhận lợi nhuận đi xuống, bất chấp những kỳ vọng trước đấy về việc bộ đôi S6, S6 Edge sẽ giúp hãng cải thiện kết quả kinh doanh, xoay chuyển tình thế.

Ra mắt hồi tháng 4, bộ đôi này nhận được sự khen ngợi, tán thưởng từ giới chuyên môn, đặc biệt là S6 Edge với thiết kế màn hình cong 2 cạnh độc đáo. Nhiều tờ báo đưa tin Samsung đã đánh giá thấp sức cầu dành cho S6 Edge, dẫn tới tình trạng cung không đủ cầu, sản phẩm khan hiếm. Nhưng rõ ràng, kết quả kinh doanh Q2 đã cho thấy, bộ đôi này đã thua trước iPhone 6 và iPhone 6 Plus của đại địch Apple.

Tương tự, HTC ghi nhận mức lỗ 260 triệu USD trong quý II và buộc phải đóng cửa một số cơ sở sản xuất do doanh số đi xuống. Nguyên nhân chính được xác định là do người dùng hầu như không bị "lay động" với smartphone đầu bảng mới nhất của hãng này (One M9), và doanh số èo uột tại Trung Quốc. HTC cũng buộc phải cắt giảm dự đoán doanh thu quý II.

Ngay đến như "Apple của Trung Quốc" cũng đang hạ nhiệt sau một thời gian đình đám tưng bừng trên mặt báo. Hãng này cho biết chỉ bán được 35 triệu smartphone trong nửa đầu năm nay, hiển nhiên là không đạt được mục tiêu kỳ vọng 100 triệu máy trong cả năm 2015. Với việc sức cầu tại Trung Quốc đang tụt dốc khá nhanh, Xiaomi đang phải rốt ráo mở rộng sang các thị trường khác như Brazil.

Không cần smartphone mới?

{keywords}
Xiaomi Mi Note

Tại sao doanh số smartphone vẫn cứ ì ạch, kể cả khi các hãng liên tiếp tung ra sản phẩm mới? Mỉa mai thay, một phần nguyên nhân nằm ở mùa mua sắm cuối năm quá mạnh, đã hút gần hết sức cầu của cả một năm - như nhận định của Jackdaw Research.

Các yếu tố khác bao gồm cấu hình cơ bản của smartphone ngày một mạnh hơn, ngay cả những con dế bình dân cũng có đầy đủ chức năng mà người dùng cần đến nên nhu cầu thay mới, nâng cấp không còn cấp thiết như trước. Và quan trọng nhất, nhiều model mới thực chất chỉ là sự "mông má, trang hoàng lại" phiên bản trước đó chứ không phải sự thay đổi lột xác nào. Đúng, chúng có camera mạnh hơn, bộ nhớ lớn hơn, nhiều tính năng tiện lợi như quét vân tay. Nhưng không một nâng cấp nào trong số này đủ lớn để thuyết phục người dùng móc ví.

Đã đến lúc các hãng điện thoại cần phải bình tĩnh ngồi lại, hình dung về đường đi nước bước tiếp theo, khi mà tung ra smartphone mới không còn là vũ khí hiệu quả nữa.

Trọng Cầm