Có nhiều lý do hợp lý để Google tái cấu trúc lại toàn bộ hoạt động của hãng và lập nên Tập đoàn mẹ Alphabet. Thế nhưng nhiều chuyên gia lo ngại sự xáo trộn này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Google và cho thấy thương hiệu của hãng đang suy yếu.

{keywords}
Larry Page, một trong 2 đồng sáng lập Google

Một vài lý do nổi bật là: Hai nhà đồng sáng lập Larry và Sergey đã chán ngấy việc điều hành hàng ngày và muốn tập trung hơn cho sứ mệnh "kiến tạo tương lai". Cũng có thể là vì họ muốn làm hài lòng phố Wall hơn ....

Chỉ vài giờ sau khi Google thông báo thành lập Alphabet, những lời khen ngợi đã tới tấp đổ về. Cổ phiếu cũng hãng cũng tăng thêm giá trị 5% trong phiên giao dịch gần nhất. Nhưng không phải là không có những nghi ngại về kết quả của động thái này. "Đây có thể là một quyết định phù du, sớm nở tối tàn", một nhà phân tích cảnh báo. Số khác lại lo sợ về sự phân mảng của thương hiệu Google, khiến cho người dùng không biết đâu mà lần.

"Google càng mở rộng như một lớp da bao bọc toàn bộ thế giới thì từ "Google" càng trở thành biểu tượng cho sự độc tài cực quyền", một cây viết trên CNET khuyến cáo mới đây. Trước khi Tập đoàn mẹ Alphablet được thành lập, nhiều chính phủ châu Âu và các tổ chức bảo vệ người dùng đã phản đối Google với tư cách hãng "xâm lấn quyền riêng tư cá nhân" nhiều nhất. Ai có thể quên được lời mô tả Google như một "NSA tư nhân" của Julian Assange trên WikiLeaks cơ chứ?

Những định kiến này có thể tác động rất xấu đến một thương hiệu. Việc Google cố gắng bằng mọi giá thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng để phục vụ cho mảng kinh doanh lõi quảng cáo của hãng khiến cho công ty này trở nên ít tin cậy hơn trong mắt người dùng.

Còn trong bài viết có tiêu đề "Quyết định tái cấu trúc Google của Larry Page có thể là một thảm họa thực sự",  BusinessInsider viết rằng, nhà đồng sáng lập của Google trong nỗ lực tự cứu mình khỏi sự đau đầu của công tác quản lý đã tạo ra cả một núi vấn đề đau đầu khác.

"Có hai điều đáng lo ngại ở đây: 1. Lĩnh vực kinh doanh lõi của Google đã bị hạ cấp. Google chỉ còn là 1 trong 6 công ty con của Alphabet. YouTube, Android, Gmail và Google Maps đều là những mảng kinh doanh trực thuộc Google. Page đang truyền thông điệp tới toàn bộ công ty rằng mình không còn hứng thú với những mảng này nữa mà chuyển sang theo đuổi những dự án lớn lao hơn. Nếu như bạn là một kỹ sư và đang có cơ hội chuyển sang một công ty con khác, liệu bạn sẽ ở lại Google hay cố tìm việc ở một trong những dự án cao siêu mà sếp lớn đang hứng thú?", BI phân tích.

Nỗi lo thứ hai là những cuộc chiến vì "cái tôi" sẽ không thể tránh được. Alphablet sẽ lấy tiền từ Google để rót cho nhiều thử nghiệm không sinh lời như xe tự lái, máy bay không người lái giao hàng, bong bóng Internet... Google vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng, chẳng hạn như dự án xe tự hành nếu không có Google Maps thì cũng trở nên vô dụng. 

Tuy nhiên, nguy cơ của Alphabet là tân Tổng giám đốc Sundar Pichai từng có lần phát biểu "Tại sao tôi lại phải tài trợ cho tất cả những sự phiêu lưu ngớ ngẩn?". Trong lá thư giải thích về Alphablet, Larry Page khẳng định ông và Sergey Brin sẽ "phân bổ nguồn vốn và làm việc cùng nhau để đảm bảo mọi mảng kinh doanh đều vận hành tốt". Điều này có nghĩa là Page và Brin sẽ quyết định ai được nhận tiền và nhận bao nhiêu. Câu hỏi đặt ra là, nếu như Tony Fadell, người đứng đầu Nest, muốn Google rót thêm tiền để mở rộng nhưng Pichai không tán đồng thì sao? Page muốn những nhân vật này trở thành các CEO độc lập mạnh mẽ, tự chủ, nhưng tất cả họ vẫn phải ngửa tay xin tiền từ Page để tài trợ các dự án của mình.

Chẳng chóng thì chầy, Page cũng sẽ phải đối mặt với cái tôi và lòng tự trọng của các lãnh đạo này. Và nếu không cẩn thận, ông có thể mất tướng.

Page có thể phát ốm với việc suốt ngày ngồi họp và quản lý từng công việc nhỏ thường nhật của một tập đoàn lớn. Với việc thay đổi mô hình Google, Page có thể rũ bỏ một số trách nhiệm đó, nhưng lại sắp phải đối phó với ít nhất là 6 cái tôi cực lớn - 6 CEO của 6 công ty con trực thuộc.

T.C