“Nếu tất cả nội dung các chương trình truyền hình nước ngoài hoạt động trên truyền hình trả tiền tại Việt Nam đều phải biên dịch thì chi phí đội lên rất cao, chúng tôi tính sẽ buộc phải rút khỏi thị trường!”


Đại diện không ít các kênh truyền hình nước ngoài tại Việt Nam đã thốt lên như vậy tại hội thảo triển khai chính sách quản lý Nhà nước về truyền hình trả tiền, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây tại Hà Nội.



Các kênh truyền hình: Chi phí quá lớn!

Hồi cuối tháng 3/2011, Chính phủ đã ký ban hành quy chế về quản lý hoạt động truyền hình trả tiền. Một trong những nội dung quan trọng được cụ thể hóa là việc tất cả các kênh truyền hình nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đều phải được biên tập - biên dịch, trừ tường thuật trực tiếp các giải thi đấu thể thao quy mô khu vực và thế giới.

Trong đó, với phim truyện thì biên tập là 100% nội dung kênh chương trình, tin tức thì lược dịch 100%, khoa học giáo dục biên tập 100%, thể thao, ca nhạc biên tập 100%.

Quy định trên mặc dù không mới và đã được nêu rõ trong Luật Báo chí, thế nhưng rất nhiều đại diện các kênh chương trình truyền hình nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam như CNBC, ASPN, CNN, HBO… vẫn tỏ ra “bỡ ngỡ” và lo lắng tới đây có thể buộc phải rút lui khỏi thị trường.

Lý do các kênh truyền hình này lo sợ là phải bỏ khoản tiền lớn cho hoạt động biên dịch nội dung chương trình.

Đại diện CNBC cho rằng, họ là kênh thông tin tài chính, kinh doanh, chuyên cung cấp các dịch vụ thông tin theo thời gian thực vì thế lượng tin tức vô cùng lớn. Nếu phải biên dịch tất cả các thông tin của chương trình sang tiếng Việt, thì chi phí phải bỏ ra rất lớn và tốn kém.

“Điều đó sẽ khiến chúng tôi buộc phải rời bỏ thị trường Việt Nam”, vị đại diện này lo lắng.

Trong khi đó, một đại diện của kênh France 24 phân tích, nếu phải biên dịch, mỗi năm hãng sẽ phải mất thêm trung bình từ 1,5 - 2 triệu USD. France 24 vào Việt Nam từ năm 2009 và đang trong giai đoạn xin cấp phép hoạt động trên kênh truyền hình trả tiền. France 24 lên kế hoạch sẽ cung cấp dịch vụ 24/24h, nhưng với quy định trên, đại diện hãng cho biết sẽ phải xem xét lại.

Một số đại diện còn lo ngại, nếu tất cả các kênh chương trình truyền hình, đặc biệt là với những tin tức tổng hợp, thông tin tài chính, số liệu nhiều, việc bắt buộc phải biên dịch sẽ làm chậm lại việc truyền tải thông thông tin, chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh doanh của hãng.

Theo lý giải từ Cục Phát thanh Truyền hình thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, với những bản tin toàn số liệu và trong quy định lược dịnh, thì chỉ cần thông tin nội dung cốt lõi, trừ phi có nhiều câu nói thì phải biên dịch. Thực tế, quy chế trên chỉ điều chỉnh với những kênh hoạt động trên truyền hình trả tiền, còn không thuộc truyền hình trả tiền thì trước nay hoạt động thế nào vẫn thực hiện như thế.

Còn các chương trình truyền hình nước ngoài phải biên tập, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình Lưu Vũ Hải cho biết, là đã được quy định trong Quyết định 79 của Chính phủ. Tuy nhiên, quyết định này không nêu cụ thể phải biên tập thế nào, nên thời gian qua đã tạo ra bất bình đẳng giữa các kênh trong nước và quốc tế. Trong đó, kênh trong nước đã phải mất một chi phí rất lớn cho biên tập, còn các kênh nước ngoài thì không.

“Mục tiêu của quy chế này là tạo môi trường công bằng, minh bạch cho các kênh truyền hình trong nước và nước ngoài”, ông Hải nói.

Cơ quan quản lý: Tự cân nhắc lỗ, lãi

Ba điều kiện quan trọng đối với các kênh truyền hình quốc tế khi thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là: phải có chứng nhận đăng ký cung cấp kênh nước ngoài trên truyền hình trả tiền, tức là phải thông qua đại lý độc quyền được thành lập theo quy định pháp luật.

Thứ hai là phải được biên tập, biên dịch bởi một đơn vị là các đài phát thanh, truyền hình của Việt Nam. Và thứ ba là không bao gồm các thông tin quảng cáo được cài đặt sẵn, hoạt động quảng cáo nếu có phải được thực hiện tại Việt Nam và tuân thủ các quy định về hoạt động quảng cáo.

Ngay yếu tố “đầu vào”, nếu chọn được đối tác là những kênh truyền hình lớn, mạnh, có uy tín thì tốc độ biên tập biên dịch sẽ nhanh nhất và tạo ra lợi thế về thị trường cho các kênh nước ngoài. Như thế, tốc độ và chất lượng biên dịch sẽ đảm bảo và không đến mức mất quá nhiều chi phí cho hoạt động biên dịch như lo lắng của đại diện các kênh trên.

Đại diện của CNBC cho rằng, dù phía Việt Nam đảm nhiệm biên tập, biên dịch, nhưng vì hoạt động kinh doanh là của kênh truyền hình nước ngoài nên CNBC vẫn phải chịu trả tiền biên dịch. Theo đó, chi phí sẽ lớn hơn thu, doanh nghiệp sẽ khó trụ nổi trên thị trường.

Trong khi, đại diện France 24 đề nghị được thử nghiệm tại Việt Nam một năm hoặc ít nhất là hai, ba tháng để xem “áng chừng có bao nhiêu người sử dụng” thì mới đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Hải, “cung - cầu” của thị trường là nằm ngoài tầm của Cục và quy chế quản lý. Ở đây, không có quy định nào về thử nghiệm, do đó không có ngoại lệ cho phép kênh truyền hình thử nghiệm trước khi xin cấp phép.

“Còn đã là thị trường thì phải tự cân nhắc, nếu có lãi thì làm, không lãi thì thôi. Cũng giống như các kênh truyền hình trả tiền của Việt Nam, người ta chỉ đầu tư khi thấy có lãi, không có lãi thì chẳng ai dại gì mà bỏ tiền vào. Bài toán kinh doanh là do các kênh tự quyết định, lựa chọn số lượng đối tác để đảm bảo việc kinh doanh của mình là tốt nhất”, Cục trưởng Lưu Vũ Hải chia sẻ.

Riêng trong khía cạnh quảng cáo trên truyền hình trả tiền, hiện những kênh cung cấp tại Việt Nam đã thu phí bản quyền càng ngày càng lớn, mà nguyên tắc giữa kênh truyền hình trả tiền với yêu cầu nội dung và phí bản quyền phải cân đối là kênh sạch, không có chuyện thu phí bản quyền cao nhưng lại đưa nhiều quảng cáo vào.

“Cái này hướng tới đảm bảo quyền lợi của khán giả Việt Nam vì người ta đã phải trả một phí bản quyền rồi nên cần có một kênh sạch càng ít quảng cáo càng tốt. Chúng ta đã thu được phí bản quyền thì quảng cáo phải tuân thủ luật pháp”, ông Hải nói.

Quy chế không ngăn cấm việc quảng cáo nhưng phải thực hiện theo pháp luật. Các chương trình quảng cáo vẫn được hiện diện trên kênh đó vào thời điểm đó, nhưng phải thông qua các công ty Việt Nam để các cơ quan nhà nước kiểm soát được những hoạt động tài chính và các nghĩa vụ phát sinh có liên quan.

(Theo VnEconomy)