- Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Lê Hồng Sơn ủng hộ quan điểm Hà Nội sẽ hỗ trợ đầu thu kỹ thuật số cho 107.357 hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách đang sử dụng TV thu tín hiệu analog trên địa bàn, thay vì chỉ hỗ trợ đầu thu cho gần 62.000 hộ nghèo, cận nghèo như quy định.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: mic.gov.vn

Chiều qua, 10-9, Ban Chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam đã làm việc với UBND Thành phố Hà Nội về triển khai số hóa truyền hình trên địa bàn. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hồng Sơn chủ trì cuộc họp.

Theo lộ trình, Hà Nội sẽ thực hiện ngắt sóng analog, chuyển sang phát sóng số từ ngày 31/12/2015, tức là chỉ còn hơn 3 tháng nữa. Do đó, việc tuyên truyền về đề án cũng như hỗ trợ đầu thu cho các hộ nghèo cần được tăng tốc.

Tại cuộc họp, đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho biết, Sở đã phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và UBND 30 quận, huyện, thị xã thực hiện điều tra hiện trạng phương thức thu xem truyền hình đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số đối tượng gia đình chính sách, người có công để hỗ trợ đầu thu truyền hình số. Cụ thể, việc điều tra được thực hiện tại 146.243 hộ gia đình thuộc diện trên, tỷ lệ số hộ có máy thu hình là 132.577 hộ (đạt 91%). Số hộ dùng ăng ten thu tín hiệu tương tự (analog) chiếm tới 71%, tương ứng với hơn 107.000 hộ.

Theo quy định, ngân sách chỉ ưu tiên hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, Hà Nội dự định hỗ trợ tối đa cho các hộ bằng 2 nguồn: ngân sách và hình thức xã hội hóa. Dù vậy, ông Lê Hoàng Sơn yêu cầu Sở TT&TT sớm có báo cáo gửi Ban cán sự Đảng UBND TP để Thành phố báo cáo với Thường trực Thành ủy về vấn đề này trong thời gian sớm nhất.

Đồng thời, Văn phòng UBND Thành phố cần phối hợp với Đài Truyền hình Hà Nội hoàn thiện đề án kiện toàn tổ chức hoạt động đài báo cáo UBND Thành phố để làm căn cứ đầu tư số hóa…Riêng UBND Quận Hai Bà Trưng bị phê bình vì thực hiện chưa tốt việc điều tra hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách (số liệu thu thập trong phiếu điều tra không hợp lệ).

Cần có đơn giá dịch vụ phát sóng!

Đề xuất tại cuộc họp, đại diện Công ty CP Truyền dẫn phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (RTB) mong muốn Bộ TT&TT phối hợp cùng Bộ Tài Chính sớm đưa ra một định mức đơn giá dịch vụ TDPS, tạo điều kiện cho 2 doanh nghiệp TDPS khu vực mới thành lập là RTB ở phía Bắc và SDTV ở Nam Bộ có cơ sở ký kết hợp đồng phát sóng kênh cho các đài PT-TH địa phương.

Ra mắt từ tháng 5/2015, RTB là đơn vị được Bộ TT&TT cho phép cung cấp dịch vụ TDPS tại 14 tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Doanh nghiệp này hiện đã đầu tư hệ thống chuyển đổi tín hiệu các kênh chương trình DVB-T2 và đang phát sóng thử nghiệm tại Hà Đông với 15 kênh. Đại diện RTB cho biết công ty đang triển khai lắp đặt máy phát tại Hà Nội, Hải Phòng để đảm bảo phát sóng số tại 2 địa phương trên theo đúng lộ trình của Bộ TT&TT đặt ra.

Ung hộ đề xuất của RTB, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết sẽ chỉ đạo Viện chiến lược TT&TT khẩn trương triển khai nghiên cứu, đề xuất định mức đơn giá để hai bộ cùng xem xét ban hành. Tuy nhiên, ông lưu ý quy trình thủ tục để ban hành được văn bản chắc chắn không thể một sớm một chiều, do đó có thể xem xét ban hành đơn giá tạm thời trong lúc chờ đợi. Về phía RTB và SDTV, Thứ trưởng yêu cầu phối hợp giữa hai đơn vị để sớm trình lên Bộ đề xuất về định mức đơn giá.

Ngoài RTB thì một số đơn vị tham gia triển khai Đề án khác như Hanel, Đài TH Hà Nội, VTV cũng có những kiến nghị về hỗ trợ tài chính, chính sách.... Liên quan đến những đề xuất này, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết Ban chỉ đạo sẽ xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng và sẽ có chính sách hỗ trợ cần thiết nếu hợp lý.

T.C