Bằng cách sử dụng hợp lý các ứng dụng, bạn có thể tăng gấp đôi tuổi thọ pin của điện thoại thông minh với các tính năng mạnh mẽ.

Những thao tác dưới đây sẽ giúp mở rộng ngày làm việc tổng thể của điện thoại bằng cách giảm nhu cầu năng lượng sử dụng đến từng thời điểm cần thiết nhất.


1. Giảm độ sáng màn hình

Màn hình rộng, sáng long lanh, hiển thị nhiều màu sắc của điện thoại làm bạn "mãn nhãn" nhưng đó lại là kẻ thù của pin. Màn hình chính là nơi tiêu thụ điện nhiều hơn bất cứ thành phần nào khác của điện thoại mặc dù phần lớn các điện thoại đã tích hợp tính năng tự động điều chỉnh độ sáng của màn hình cho phù hợp với ánh sáng môi trường xung quanh. Phương thức này sử dụng ít điện năng hơn chế độ màn hình liên tục ở độ sáng đầy đủ, tuy nhiên bạn sẽ nhận được kết quả tốt hơn bằng cách cài đặt độ sáng màn hình xuống mức thấp nhất có thể. Điều này cũng giúp tăng độ bền của pin lên đáng kể.

2. Rút ngắn thời gian màn hình hiển thị

Dưới menu cài đặt màn hình của điện thoại, bạn tìm đến tùy chọn có nhãn "Screen Timeout". Thiết lập này có tác dụng điều khiển thời gian bao lâu màn hình điện thoại vẫn sáng sau khi nhận cuộc gọi hay soạn tin nhắn, xem đồng hồ.

Đơn vị thời gian ở đây được tính từng giây, và nên thiết lập thời gian màn hình hoạt động ngắn nhất. Trên hầu hết các điện thoại Android, tối thiểu là 15 giây. Nếu thời gian chờ màn hình của bạn hiện được đặt 2 phút, hãy xem xét giảm con số này xuống 30 giây hoặc ít hơn.

3. Tắt chức năng Bluetooth

Sử dụng Bluetooth giúp cho máy điện thoạt kết nối với tai nghe và chuyển sang chế độ đàm thoại rảnh tay, rất thuận tiện trong khi lái xe. Nếu bạn không ngồi sau vô-lăng và sẽ không phải đeo tai nghe gọi điện thoại, thì hãy tắt sóng Bluetooth.

Thậm chí cả khi đi dạo quanh với một tai nghe Bluetooth bên tai nhưng nếu không có nhu cầu gọi điện thì bạn cũng chưa cần bật chế độ Bluetooth. Bằng cách tắt Bluetooth khi bạn không sử dụng nó, bạn có thể làm tăng thêm ít nhất một giờ hoặc nhiều hơn thời gian sử dụng pin của điện thoại.

4. Tắt Wi-Fi trong lúc không sử dụng

Giống với Bluetooth, tín hiệu Wi-Fi cũng là sóng radio và là một trong những tính năng tiêu thụ khá nhiều pin của điện thoại. Tốc độ kết nối Wi-Fi băng thông rộng trong nhà bạn hoặc văn phòng hiện đại đã cải thiện truy cập các dịch vụ dữ liệu điện thoại của bạn, nhưng khi bạn ra ngoài thì tính năng Wi-Fi mất tác dụng. Vì vậy, tắt nó đi khi bạn ra khỏi cửa, và kích hoạt nó trở lại chỉ khi nào bạn định sử dụng dịch vụ dữ liệu trong phạm vi có mạng Wi-Fi.

Người dùng Android có thể cài thêm Wi-Fi widget trên màn hình chủ để quản lý quá trình này dễ dàng.

5. Chỉ sử dụng GPS khi thực sự cần thiết

Một tính năng khác tiêu thụ đáng kể pin là dịch vụ định vị GPS của điện thoại. Bộ phận nhỏ thu phát sóng radio có chức năng gửi đi và nhận tín hiệu từ vệ tinh xác lập vị trí của điện thoại trên bề mặt của Trái đất. Các ứng dụng dựa trên GPS của điện thoại cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau, từ việc tìm kiếm nhà hàng ở gần cho đến tìm bạn trên mạng xã hội. Bạn có thể từ chối quyền truy cập của những ứng dụng có tích hợp GPS trên điện thoại. Nó có thể là trò chơi game, hình nền và phần mềm bảo vệ màn hình. Khi bạn cài đặt những ứng dụng này sẽ yêu cầu bạn cho phép sử dụng địa điểm của bạn. Nếu cảm thấy không yên tâm, bạn hãy từ chối. Như vậy, bạn đã tiết kiệm pin cho điện thoại của mình.

6. Đóng các phần mềm ứng dụng không cần thiết

Khả năng chạy nhiều ứng dụng tại một thời điểm là một tính năng mạnh mẽ của điện thoại thông minh. Nó cũng tiêu thụ nhiều năng lượng, bởi vì mỗi ứng dụng bạn chạy đều phải sử dụng một phần của chu trình bộ vi xử lý của điện thoại.

Bằng cách đóng lại các ứng dụng mà bạn không thực sự sử dụng sẽ làm giảm khối lượng công việc CPU phải tải và cắt giảm tiêu thụ điện năng của pin. Điện thoại Android có thể sử dụng ứng dụng Advanced Task Killer với tính năng tự động tắt các ứng dụng không dùng đến sau số giờ nhất định. Bạn cũng có thể tự thao tác bằng cách bấm nút Home chờ đến khi xuất hiện khay đa nhiệm, bạn nhấn và giữ một biểu tượng cho đến khi xuất hiện dấu X và bấm vào đó để đóng ứng dụng.

7. Tắt chức năng rung

Điện thoại có chức năng báo các cuộc gọi đến bằng chế độ rung thay vì nhạc chuông, tuy nhiên dao động này sử dụng năng lượng nhiều hơn là nhạc chuông phát ra loa ngoài. Bởi vì nhạc chuông chỉ làm màng loa nhỏ trong điện thoại rung động, đủ để tạo ra âm thanh. Ngược lại, các động cơ tạo rung phát lực ra xung quanh để làm cho toàn bộ điện thoại của bạn rung, và quá trình này sử dụng nhiều pin điện hơn. Nếu bạn tắt tất cả các chức năng báo hiệu này và chuyển sang chế độ xem cuộc gọi đến trên màn hình hiển thị sẽ tiết kiệm được khá nhiều pin điện thoại.

8. Tắt toàn bộ các thông báo không cần thiết

Hầu như các ứng dụng hiện nay đều có tính năng cập nhật tin tức, nhắn tin, và các thông tin khác như kết quả thể thao, tỷ giá ngoại tệ, dự báo thời tiết... Khi xuất hiện một cái gì đó, các ứng dụng có thể rung chuông, màn hình bật sáng và hiển thị tin nhắn, làm cho đèn LED nhấp nháy. Và tất cả đều tiêu thụ năng lượng của pin. Tắt các thông báo không cần thiết sẽ giúp pin điện thoại của bạn sử dụng được lâu hơn, và sẽ loại bỏ những điều vô nghĩa trong ngày.

9. Chế độ tiết kiệm pin của điện thoại Android

Những điện thoại Android đời mới hơn có chế độ Power Saver giúp quản lý các mức độ tiêu thụ pin khác nhau của điện thoại.

Power Saver có chế độ tự động hạn chế các ứng dụng từ việc báo hiệu cập nhật thông tin, làm giảm độ sáng màn hình, làm giảm thời gian chờ màn hình, vô hiệu hóa hình ảnh động trên màn hình, và tắt chức năng rung. Theo mặc định, chế độ này sẽ bật lêm khi mức pin giảm xuống 20%, nhưng bạn có thể đặt lại ở mức 30% thay cho mặc định. Từ đó, điện thoại sớm chuyển sang chế độ Power Saver, làm thời gian dùng pin dài hơn.

10. Tiện ích tự điều chỉnh JuiceDefender dành cho Android


Tự điều chỉnh các thiết lập điện thoại bạn có thể làm tăng thêm một vài giờ sử dụng pin. Nhưng nếu như nó quá phức tạp với bạn thì hãy xem xét tải về một ứng dụng quản lý pin. JuiceDefender là một tiện ích tuyệt vời trong việc tự động quản lý radio, quản lý sử dụng CPU của điện thoại để tối ưu hóa sử dụng pin từng giây.

(Theo PC World)

XEM THÊM THÔNG TIN CÔNG NGHỆ TẠI ĐÂY