Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh rằng, mục đích của các quy định cấp phép liên quan đến dịch vụ chứng thực chữ ký số phải nhằm thúc đẩy thương mại điện tử, khuyến khích người dân, doanh nghiệp ứng dụng CNTT chứ không phải là gây thêm phiền hà bằng các thủ tục hành chính.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên thảo luận về Dự thảo "Thông tư Quy định về hồ sơ và thủ tục cấp phép, đăng ký, chứng nhận các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số và cấp phép sử dụng chứng thư số nước ngoài được chấp nhận tại Việt Nam" chiều nay, 25/9, Thứ trưởng cho rằng, các quy định cần được xây dựng trên tinh thần "thông thoáng", tạo điều kiện cho doanh nghiệp, xã hội triển khai chứ không cần quá tập trung vào các biện pháp phòng vệ nghiêm ngặt.

{keywords}

"Làm sao để chữ ký số trở thành công cụ mà xã hội, doanh nghiệp sử dụng phổ biến, phát triển thương mại điện tử mới là vấn đề cần quan tâm. Trong thực tế triển khai sẽ phát sinh những mặt trái thì ta sẽ tìm cách để hạn chế, khắc phục. Nếu như cơ quan soạn thảo văn bản đặt mệnh đề "hạn chế" lên trước thì lại trở thành cản trở doanh nghiệp, xã hội", Thứ trưởng chỉ ra. Còn trong quá trình hoạt động, nếu doanh nghiệp có sơ suất gì thì cơ quan quản lý cần hỗ trợ, nếu nghiêm trọng có thể xử lý trách nhiệm người đứng đầu chứ không thể ngắt dịch vụ, sẽ ảnh hưởng đến người dùng - nhất là với những doanh nghiệp vẫn đang cung cấp dịch vụ.

"Phải tạo điều kiện phát triển trước rồi mới nghĩ đến việc làm thế nào để tránh bị lợi dụng khe hở của quy định", Thứ trưởng nêu rõ.

Đối với đề xuất liên quan đến việc cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số trực tuyến, Thứ trưởng cho rằng đây là ý tưởng mới, đáng hoan ngênh, tuy nhiên cần được xây dựng rất kỹ, chuẩn chỉ, chín muồi để đạt được hiệu quả như mong muốn. "Rất nhiều dịch vụ công trực tuyến hiện nay chưa được nhiều người dân sử dụng là do mẫu biểu của chúng ta không nhất quán chứ không phải do yếu tố kỹ thuật. Người dân lên mạng, tải về, điền xong hết lại không được chấp nhận, bắt điền lại... nhiều lần như vậy người dân thấy chán, bỏ không dùng vì mất thời gian, mất công tốn sức", Thứ trưởng lý giải.

Thứ trưởng yêu cầu Cục An toàn thông tin - đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo nhanh chóng rà soát, lấy ý kiến góp ý của các bên để trình lên lãnh đạo Bộ trong thời gian sớm nhất.

PV