Kể từ khi lần đầu xuất hiện trên LG G3, tính năng tự động lấy nét nhờ tia laser đầy sáng tạo này đã nhanh chóng lan rộng trong phân khúc smartphone Android cao cấp, mang đến trải nghiệm chụp ảnh ngày càng xuất sắc.
Về cơ bản, hệ thống này sẽ phát ra chùm tia laser từ mặt sau của điện thoại (ô đèn ở gần ống kính camera). Khi bạn chụp ảnh, chùm tia sẽ sẽ dội ngược lại sensor của camera sau khi tiếp xúc với vật thể mà bạn chĩa camera vào. Ánh sáng lọt qua sensor và một thuật toán phần mềm sẽ tính toán khoảng thời gian cần thiết mà tia laser đã phát đi rồi quay về, từ đó tính ra khoảng cách từ người chụp đến vật thể.
Mẫu smartphone đầu bảng ra mắt năm 2014 của LG chính là con dế đầu tiên trên thị trường trang bị công nghệ tự động lấy nét bằng tia laser, vay mượn từ dòng máy hút bụi tự động của chính hãng này. G3 sở hữu màn hình 5,5 inch với độ phân giải QHD, chipset Snapdragon 801 của Qualcomm và RAM 3GB. Có kích cỡ tương đương với một phablet, LG G3 có bộ nhớ trong 32GB, pin 3000 mAh có thể tháo rời, camera chính 13MP với bộ chống rung quang học và camera phụ 2.1 MP. Hiện tại, đây là một trong những lựa chọn tuyệt vời cho những ai muốn sở hữu smartphone QHD của một thương hiệu lớn dù số tiền bỏ ra không quá đau ví.
2. LG G4
Hậu duệ của G3 là một con dế được nâng cấp ở gần như tất cả các phương diện quan trọng, từ thiết kế, màn hình cho đến camera và phần cứng. Với G4, ngoại hình của máy đã có thêm phần ốp lưng bằng da lịch sự, màn hình có dải màu rộng hơn, trong khi camera đã được nâng cấp lên độ phân giải 16MP (chính) và 8MP (phụ). Chipset cũng có tốc độ cao hơn so với phiên bản G3.
3. LG G4 Beat
Hãy cùng gặp gỡ gương mặt thứ ba của đại gia đình LG G-series trong danh sách này. G4 Beat thu nhỏ màn hình xuống kích cỡ 5,2 inch, đồng thời hạ cấp độ phân giải xuống còn 1080p. Camera chính cũng chỉ còn độ phân giải bằng một nửa so với G4 (8MP), dù tính năng tự động lấy nét bằng tia laser vẫn góp mặt. Camera phụ có độ phân giải 5MP, chụp ảnh khá ổn. Máy không có ốp lưng viền da như phiên bản chuẩn, cấu hình phần cứng cũng được "tầm trung hóa" với chipset Snapdragon 615, RAM 1.5GB, bộ nhớ trong 8GB có thể mở rộng và pin 2300 mAh có thể tháo rời.
4. Google Nexus 5X
Nexus 5X là gương mặt mới nhất của họ máy Nexus, vừa được Google công bố hồi đầu tháng. Do LG gia công, 5X sở hữu màn hình 5.2 inch 1080p, camera chính 12.3MP với sensor của Sony và khả năng lấy nét tự động nhờ tia laser. Máy cũng tích hợp máy quét vân tay ở mặt sau, trang bị chipset Snapdragon 808, RAM 2GB và cài sẵn hệ điều hành Android 6.0 Marshmallow.
5. Google Nexus 6P
Ra mắt cùng đợt với Nexus 5X là mẫu phablet do Huawei sản xuất theo đơn hàng riêng của Google. Sở hữu thiết kế nhôm liền khối, con dế này có màn hình lên tới 5.7 inch, độ phân giải QHD và trang bị chipset đầu bảng Snapdragon 810 của Qualcomm, kết hợp với RAM 3GB, máy quét vân tay, kết nối NFC và cài sẵn hệ điều hành Android 6.0. Máy trang bị 2 camera: 12.3 MP (chính) và 8 MP (phụ).
6. HTC One M9+ Aurora Edition
Sau khi One M9 vấp phải sự đón nhận hờ hững từ thị trường, HTC quyết định nâng cấp mẫu smartphone đầu bảng của mình bằng màn hình 5.2 inch QHD, chipset 8 lõi Helio X10 của MediaTek, RAM 3GB. Camera chính 21MP có bộ chống rung quang học cùng tính năng tự động lấy nét bằng tia laser. Thiết kế dù vậy vẫn là kim loại liền khối quen thuộc. Hơi đáng tiếc khi phiên bản này chỉ được bán tại Đài Loan mà thôi.
7. Oppo R7 Plus
Mẫu phablet mới của Oppo sở hữu thiết kế kim loại, màn hình 6-inch 1080p, chipset Snapdragon 615 của Qualcomm, RAM 3GB. Camera chính 13MP với đèn flash LED kép và tính năng tự động lấy nét bằng tia laser được bố trí ở mặt sau, trong khi camera phụ 8MP ở mặt trước chuyên trách các bức ảnh selfie. Máy sở hữu pin khủng 4100 mAh và được đánh giá cao cả về thời lượng pin lẫn chất lượng ảnh chụp. Thật không may, các cấu hình còn lại khá xoàng, không tương xứng với mức giá hơn 500 USD của sản phẩm.
8. Meizu MX5
MX5 là con dế tham vọng nhất của Meizu từ trước tới nay, thể hiện ở thiết kế kim loại liền khối, chip 8 lõi Helio X10 Turbo của MediaTek, RAM 3GB, GPU PowerVR G6200. Camera chính có độ phân giải khá khủng trên lý thuyết (20.7MP), quay được video 4K còn camera phụ có độ phân giải 5MP. Nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng sự thật là MX5 có quá nhiều điểm trừ: Màn hình dưới mức trung bình, giao diện người dùng chưa hoàn thiện, cấu hình bên trong cũng không cải tiến nhiều so với model tiền nhiệm MX4.
9. OnePlus Two
Mẫu smartphone đầu bảng thứ hai của OnePlus là sự kết hợp tương đối hài hòa giữa thiết kế và phần cứng, trong khi giá bán chỉ ở mức tầm trung. Máy sở hữu khung kim loại kết hợp nhôm và ma-giê, ổ USB Type-C, ốp lưng có thể thay đổi theo sở thích.. Về cấu hình, máy trang bị chipset Snapdragon 810 của Qualcomm với RAM 4GB, pin 3300 mAh, camera chính 13MP trong khi camera phụ là 5MP. Tuy nhiên, trải nghiệm người dùng thực tế khá gây thất vọng.
10. ASUS ZenFone 2 Laser
Mẫu smartphone của Asus sở hữu màn hình 5-inch 720p, vi xử lý Snapdragon 410, RAM 2GB - cấu hình thấp nhất trong danh sách này. Dù vậy, tâm điểm của máy là camera chính 13MP với tính năng tự động lấy nét nhờ tia laser, cho phép lấy nét nhanh chỉ trong 0.3 giây. Ngoài ra, máy còn hỗ trợ 2 SIM.
T.C