Đằng sau những dịch vụ miễn phí: email miễn phí, hệ điều hành miễn phí, kết nối miễn phí với bạn bè, tìm kiếm miễn phí là kho dữ liệu khổng lồ mà các nhà cung cấp dịch vụ Apple, Google,... khai thác được từ khách hàng. Từ đó họ có thể bán chúng ta cho các dịch vụ quảng cáo để thu lợi gấp nhiều lần.

Trong khi Microsoft đang xoay sở mọi cách để làm “nguôi ngoai” người sử dụng sau bê bối công khai sử dụng thông tin cá nhân người dùng thì Google lại “vô tư” công bố việc các nhà quảng cáo có thể tiếp cận đúng mục tiêu thông qua địa chỉ email cá nhân của khách hàng.

Facebook: Mọi “hành tung” của bạn đều được ghi chép

{keywords}

Theo Bloomberg:“Những công cụ theo dõi của Facebook ở khắp mọi nơi trên Internet. Thêm vào đó, thói quen của 1,49 tỉ người sử dụng Facebook là thường xuyên truy cập thông qua ứng dụng Facebook nên rõ ràng là ngay cả khi người sử dụng tải công cụ chặn quảng cáo từ Apple App Store về máy thì cũng không thể chặn hết được các quảng cáo trên trang".

Ít nhất là tại thời điểm này, Facebook vẫn là một mạng xã hội với môi trường khép kín. Vì thế, khi đăng nhập với tư cách là một thành viên trong mạng xã hội này, mọi hoạt động của bạn đều được “giám sát” bởi Facebook. Bất kể bạn muốn làm gì, khoe ảnh con yêu hay rủ bạn bè tụ tập cà phê, Facebook đều biết và nắm rõ mọi mối quan hệ của bạn. Và tất nhiên, Facebook luôn biết cách tận dụng những thông tin này để khai thác triệt để.

Tất cả mọi “hành tung” của bạn trên Facebook đều được ghi lại đầy đủ trong Nhật ký hoạt động của Facebook.

Động thái mới nhất? 

Facebook đang tung ra chương trình mới với tính năng đặc biệt hỗ trợ cho các nhà quảng cáo có thể quảng bá sản phẩm của họ đồng thời trên cả TV và Facebook như một kênh thống nhất. Nếu bạn đã từng nhấn nút “Like” một bức ảnh hay thông tin về phần trước đó của loạt phim "Điệp viên James Bond" thì chắc chắn bạn sẽ được gặp lại anh chàng điệp viên đào hoa này trong một đoạn giới thiệu cho phần mới nhất của James Bond xuất hiện trong phần quảng cáo giữa hiệp đấu của các trận cầu đêm cuối tuần hay trên "Bảng tin" (News) của trang cá nhân Facebook. Vẫn là chưa đủ bởi các nhà quảng cáo thậm chí còn thăm dò được ý kiến của bạn về thương hiệu và sản phẩm của họ.

Facebook sẽ khai thác những thông tin nào? 

Không hề giấu giếm, Facebook đã cho người sử dụng thấy rằng họ chỉ có chút ít “không gian riêng” trong Quyền riêng tư được quy định bởi Facebook. Và dưới đây là trích đoạn một phần từ chính sách Quyền riêng tư:

“Facebook có thể thu thập nội dung và các thông tin mà người sử dụng cung cấp khi truy cập Facebook, bao gồm các thông tin cá nhân khi đăng ký tài khoản, những nội dung bài viết hoặc các chia sẻ trên trang cá nhân, tin nhắn kết nối với các thành viên khác. Những thông tin này bao gồm cả nội dung do người sử dụng cung cấp, như đánh dấu vị trí của một bức ảnh hay ngày giờ tạo dữ liệu. Facebook cũng thu thập các thông tin về cách người sử dụng tương tác trên Facebook, như các nội dung mà người sử dụng xem và tương tác, cùng với tần suất và thời gian của những hoạt động này".

Vì thế, không cần ngạc nhiên khi Facebook biết rõ bạn bè của bạn, các thông tin mà bạn cung cấp về bạn bè hay kể cả những gì bạn bè nói về bạn, thậm chí cả những trang trên Facebook mà bạn truy cập, những sản phẩm mà bạn mua, thiết bị bạn sử dụng để truy cập Facebook và còn nhiều thông tin khác nữa, Facebook đều biết!

Bạn có cách nào để “thoát” khỏi sự kiểm soát này không? 

Mặc dù bạn có thể tải lại thông tin cá nhân của mình thông qua công cụ Download Your Information của Facebook nhưng đó cũng chỉ là một phần dữ liệu mà Facebook khai thác được từ bạn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể rà soát lại những hoạt động của mình từ khi gia nhập mạng xã hội khổng lồ thông qua "Nhật ký" hoạt động của Facebook. Một cách cuối cùng là bạn có thể xóa tài khoản cá nhân nhưng Facebook vẫn có quyền giữ lại những thông tin từ các tài khoản khác đã chia sẻ về bạn. Lý do ư? Vì theo Facebook, những thông tin này không phải là của bạn nữa.

Google: Thêm dịch vụ là thêm nguồn thông tin để khai thác

{keywords}

Google đã trở thành công cụ tìm kiếm số 1 và được ưa chuộng đến mức cái tên Google giờ thành một động từ thông dụng với ý nghĩa tìm kiếm. Các công cụ khác như Gmail, Google Maps (bản đồ trực tuyến) cũng được xếp đầu bảng cho các hạng mục tương ứng. Nhưng đằng sau tất cả những tiện ích mà các công cụ “miễn phí” này mang lại thì có rất nhiều thông tin cá nhân của người sử dụng đang được “rao bán” cho các quảng cáo hướng đối tượng và quảng cáo mục tiêu.

Động thái mới nhất?

Google vừa giới thiệu chương trình mới “Customer Match” giúp cá nhân hóa tài khoản của người sử dụng trên Google theo địa chỉ email. Với việc ra mắt chương trình này, Google hứa hẹn rằng các nhà quảng cáo sẽ tiếp thị đúng đối tượng và vào đúng thời điểm khách hàng dễ dàng tiếp thu thông điệp từ nhà quảng cáo. Một ví dụ cụ thể để hiểu rõ hơn cách chương trình này hoạt động: nếu như bạn vừa yêu cầu một website du lịch gửi thông tin về địa chỉ Gmail của bạn thì ngay lập tức website này có thể sử dụng Chương trình Customer Match để “gặp” lại bạn trên trang Youtube với một quảng cáo về du lịch và “gợi ý” cho bạn về chuyến đi tiếp theo.

Google rất biết cách “chôn vùi” những thông tin về hoạt động của bạn trên website này, bao gồm cả lịch sử tìm kiếm. Nhưng thực tế thì có vẻ như cũng chẳng ai bận tâm tới việc phải “đào xới” lại các thông tin đó.

Cũng trong đầu tháng này, Google công bố bổ sung thêm dịch vụ quảng cáo trên địa chỉ Gmail gốc cho tất cả các khách hàng dịch vụ quảng cáo AdWords của hãng. Điều này có nghĩa là bạn sẽ thường xuyên thấy những quảng cáo về sản phẩm/dịch vụ dựa trên sở thích của bạn xuất hiện trong hộp thư đến và cách duy nhất để bạn không phải trông thấy quảng cáo là đăng xuất khỏi hòm thư này.

Google sẽ khai thác những thông tin nào?

Với lợi thế về việc cung cấp cùng lúc nhiều dịch vụ tiện ích, Google tỏ ra không hề kém cạnh Facebook bởi danh sách những thông tin mà Google khai thác được từ người sử dụng tưởng như kéo dài không dứt. Google có mọi thông tin cần thiết, từ tên người sử dụng, địa chỉ email, số điện thoại, số thẻ tín dụng (nếu người sử dụng nhập dữ liệu này), thói quen sử dụng các dịch vụ của Google, cách thức tương tác với các địa chỉ website có sử dụng AdWords và những kỹ thuật khác của Google, thiết bị của người sử dụng và các truy vấn tìm kiếm cùng nhiều thông tin khác nữa. Google còn lưu trữ cả những thông tin trong trình duyệt của bạn thông qua bộ lưu trữ trình duyệt khu vực, điều này còn vượt xa hơn cả những thứ được gọi là “cookies”.

Nếu như bạn để thông tin ở chế độ “công khai” thì mọi việc vẫn chưa có gì để phàn nàn. Chính sách của Google cũng quy định rõ: “Trường hợp người sử dụng khác có sẵn địa chỉ email hoặc thông tin cá nhân khác xác minh được đó là bạn thì Google có thể cung cấp những thông tin của bạn được công khai đăng tải trên Hồ sơ cá nhân Google, ví dụ như tên và ảnh.”

Tuy nhiên, vẫn có một điều mà Google dường như “bỏ quên” trong chính sách bảo mật, đó là điều khoản cụ thể áp dụng cho Android.

Bạn có cách nào để thoát khỏi sự “kiểm soát” này không?

Google thực ra có một chút quyền tự do để chỉnh sửa thông tin do người sử dụng cung cấp. Mặc dù Google cam đoan rằng sự chỉnh sửa này gần như là không đáng kể, và chắc chắn rằng người sử dụng cũng chẳng bao giờ phải bận tâm đến thông tin này. Nhưng có một góc khác mà bạn có thể khai thác trong chính sách bảo mật của Google: người dùng có quyền chỉnh sửa để tắt theo dõi vị trí, tìm kiếm bằng giọng nói, và các tính năng khác; xem và chỉnh sửa sở thích; điều chỉnh hồ sơ cá nhân; và nhiều điều khác nữa. Chưa hết, nếu từng ấy thứ chưa làm bạn cảm thấy an tâm thì tin vui là bạn có thể tải "Kho dữ liệu cá nhân" của bạn trên Google về máy.

Apple: Ẩn danh là cách thức thể hiện sự bảo mật?

Mặc dù Apple khẳng định rằng việc sử dụng dữ liệu cá nhân từ khách hàng là cực kỳ minh bạch nhưng thực tế thì cách mà Apple thực hiện cam kết của mình còn thua xa những cái tên như Google, Facebook hay Microsoft.

Động thái mới nhất?

Những thông tin về cách Apple khai thác dữ liệu khách hàng quá ít ỏi, chỉ biết rằng hãng này ngăn chặn tất cả các công ty khai thác nội dung khác được quyền truy cập thiết bị của hãng. Mới đây nhất, Apple đã xây dựng công nghệ chặn quảng cáo trong phiên bản hệ điều hành mới iOS 9. Công nghệ này chẳng khác nào “cái gai” trong mắt giới truyền thông và quảng cáo, đồng thời làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt. Apple thì dường như chẳng quan tâm đến điều này bởi hãng còn bận rộn với việc kinh doanh thiết bị và ứng dụng, những lĩnh vực không liên quan tới quảng cáo.

Và đây là cách mà người sử dụng có thể thao tác để chặn quảng cáo trên thiết bị chạy hệ điều hành iOS 9.

Apple sẽ khai thác những thông tin nào?

Quyền riêng tư của Apple có thể được tóm gọn như sau: "Hãng làm mọi điều vì quyền này”. Bằng chứng là thay vì việc liệt kê các thông tin mà Apple khai thác thì hãng lại chỉ tập trung vào việc kể tên những dữ liệu mà hãng không mảy may “động tay” đến. Tuy nhiên, công bằng mà nói thì Apple lại “gỡ gạc” bằng cách đóng vai tốt khi kết nối sở thích của những người sử dụng với nhau thông qua các mã ID ẩn danh hoặc trung gian khác, đôi khi là cả trợ lý ảo Siri, mà nói chính xác thì những mã ID này chính là bạn chứ còn ai khác nữa.

Nhưng Apple cũng xác nhận rằng hãng sẽ phải thu thập các thông tin cơ bản như tên người sử dụng, danh bạ, các bài hát trong thư mục "Nhạc" và gửi những thông tin này tới máy chủ của Apple bằng cách sử dụng các giao thức đã được mã hóa, kèm theo đánh dấu vị trí của người sử dụng (nếu thiết bị đang được bật chức năng đánh dấu vị trí). Và iPhone sẽ gửi thông tin về lịch trình và địa điểm đã được ẩn danh của bạn, từ đó thiết bị có thể dự đoán được khi nào thì bạn cần phải rời đi và chuẩn bị cho cuộc hẹn tiếp theo. "Apple Music" cũng giúp tạo các kết nối giữa bạn và một ID ẩn danh khác dựa trên sở thích của chính bạn. Chưa hết, khung sở thích của bạn còn là cơ sở để Apple “sàng lọc” các quảng cáo phù hợp sẽ xuất hiện trên Bảng tin ứng dụng.

Bạn có cách nào để thoát khỏi sự “kiểm soát” này không?

Apple rõ ràng vẫn tự cho là đúng khi giữ thái độ cứng rắn với các quảng cáo. Thực tế thì hãng này không màng tới việc tham gia vào chiến dịch hiển thị quảng cáo mục tiêu. Và một lần nữa, Apple khẳng định rằng người sử dụng có thể điều chỉnh lại mã định danh mà công ty này dùng để kết nối giữa khách hàng và thông tin có sẵn, hoặc là thoát hẳn ra khỏi mối liên kết này. Tuy nhiên, cách làm như thế nào thì có lẽ người sử dụng phải tự đi tìm câu trả lời.

Microsoft: “Xâm nhập” để nâng cấp

{keywords}

So với Facebook, Microsoft có chút khác biệt, ví dụ như họ sở hữu cả về hệ điều hành cũng như các dịch vụ bổ trợ đi kèm. Cụ thể là, Microsoft có thể đi vào từng “ngóc ngách” trong hệ điều hành của thiết bị mà bạn sử dụng và giả như một lỗi xảy ra với trình điều khiển (driver) đồ họa được tìm thấy thì ngay ngày hôm sau, thông tin này sẽ được đăng tải trên một bài blog. Trong quá trình chạy thử hệ điều hành Windows 10, một khách hàng than phiền driver bị trục trặc (driver Intel 802.11ac W-Fi) trên Twitter. Kết quả là, ngay ngày hôm sau, vị khách này nhận được một driver mới.

Thực ra việc bật chức năng cho phép Microsoft được quyền “xâm nhập” vào bên trong máy tính của bạn cũng không phải là ý kiến tệ bởi thiết bị của bạn sẽ được thường xuyên được cập nhật và chỉnh sửa lại những sai sót trên phần cứng của máy.

Microsoft cũng thừa nhận rằng hãng này có thu thập thông tin cá nhân nhưng với mục đích mang đến những trải nghiệm riêng cho mỗi cá nhân sử dụng và tuyệt đối không truy cập vào email cá nhân của khách hàng. Terry Myerson, Phó chủ tịch cấp cao của Microsoft, khẳng định điều này trên một bài đăng tại blog: “Windows 10 và tất cả các phần mềm của Windows cam kết không giống như các hệ điều hành khác bởi họ luôn cố gắng truyền tải những quảng cáo hướng đối tượng bất chấp tùy chọn riêng tư của người sử dụng. Ngược lại, hệ điều hành Windows 10 và các phần mềm của hãng tuyệt đối không truy cập vào mail, kết nối hay file dữ liệu của người sử dụng.”

Microsoft sẽ khai thác những thông tin dạng nào?

 Microsoft muốn chứng minh rằng hãng hoàn toàn “trong sáng” khi liệt kê những thông tin mà hãng thu thập, bao gồm: tên và thông tin danh bạ, ủy nhiệm, dữ liệu nhân khẩu học, dữ liệu thanh toán và một số thông tin khác. Nhưng cũng chính Microsoft thẳng thừng ghi rõ trong chính sách quyền riêng tư rằng Microsoft sẽ quét đọc cả tiêu đề, nội dung email chính và các tin nhắn đi kèm trong nội dung, bao gồm cả các tệp file âm thanh, video, tin nhắn video, file ghi âm, bản ghi chú cho tin nhắn thoại. Hãng này chỉ không bán các quảng cáo dựa trên những thông tin này mà thôi.

Bạn hoàn toàn có thể tắt chức năng Cortana nếu như bạn không có nhu cầu sử dụng.

Bên cạnh đó, Microsoft cũng làm rõ thêm những chức năng giúp “cá nhân hóa” thiết bị của bạn: “Những từ ngữ được đánh máy hoặc viết tay sẽ được thu thập để tạo thành từ điển cá nhân, cho phép người dùng đánh máy hoặc viết trên thiết bị với bộ nhận dạng ký tự tốt hơn, cung cấp các gợi ý từ cho người dùng để tiết kiệm thời gian khi tạo lập văn bản mới. Đồng thời, nó cũng bao gồm các dữ liệu hiệu suất liên quan, chẳng hạn như những thay đổi do người dùng tự tạo, thông qua ký tự hoặc từ ngữ được bổ sung thêm vào từ điển cá nhân.”

Và đó chỉ là một phần trong những Quyền riêng tư mà Microsoft đã công bố.

Bạn có cách nào để thoát khỏi sự “kiểm soát” này không?

Nếu bạn thực sự không muốn “mời” Microsoft “vào thăm” máy tính của bạn thì hãy tham khảo những hướng dẫn thiết lập lại "Quyền riêng tư" trên hệ điều hành Windows 10, và cách tắt keylogger trên Windows.

Kết: Quyền riêng tư của người sử dụng đang bị “rao bán”

Có một điều luôn đúng: Trên đời chẳng có thứ gì là miễn phí. Tất cả các dịch vụ online như Bing, Outlook, Gmail, Yahoo Mail và một số dịch vụ khác không thu phí trực tiếp từ người sử dụng nhưng không có nghĩa là miễn phí hoàn toàn. Cách duy nhất để không phải “trả phí” bằng thông tin cá nhân là lướt web ở chế độ ẩn danh, không sử dụng bất kỳ một chiếc smartphone nào, không sử dụng bất kỳ tính năng tiện ích nào của những trang web miễn phí. Nếu thực hiện được tất cả những điều kiện như vây, quyền riêng tư của bạn sẽ được đảm bảo tuyệt đối. Liệu bạn có muốn thử?

Theo ICTNews