Nếu để ý tới mức độ sử dụng pin trên iOS, bạn sẽ thấy ứng dụng Facebook lúc nào cũng đứng ở vị trí số 1 dù đã tắt tính năng tự làm mới nội dung.
Nếu sử dụng iOS, bạn hoàn toàn có thể kiểm tra mức độ "đốt pin" của các ứng dụng đã cài đặt bằng cách truy cập vào mục Cài đặt > Pin. Trong mục này, bạn có thể dễ dàng thấy Facebook đang đứng đầu danh sách ứng dụng tiêu hao pin.
Do Facebook đang dần trở thành trung tâm thông tin và giao tiếp của phần lớn người dùng, việc Facebook đứng đầu danh sách này sẽ là không có gì đặc biệt. Song, trong một trải nghiệm sử dụng của VnReview, hiện tượng lạ sau đây đã diễn ra: trước khi đi ngủ, chiếc iPhone 5 của người viết có thời lượng pin đạt mức 100%. Khi tỉnh dậy sau 8 tiếng ngon giấc, con số này đã giảm xuống còn 90%.
Rõ ràng là có một ứng dụng nào đó đã tiếp tục "ngốn" 10% pin của chúng tôi khi iPhone không hề được sử dụng. Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là toàn bộ các tính năng Dịch vụ Định vị (Location Services) hay Làm mới Ứng dụng Trong nền (Background App Refresh) đều đã bị tắt.
Đáng chú ý là cách đây vài ngày, biên tập viên Matt Galligan của trang Medium cũng đã phát hiện ra hiện tượng tương tự của ứng dụng Facebook trên iOS, trong đó ứng dụng này cũng đứng đầu danh sách sử dụng pin của anh với mức tiêu tốn 15%. Nghiên cứu sâu của biên tập viên này cho thấy ứng dụng Facebook đã không "ngủ" một cách đúng đắn sau khi người dùng khóa máy, khiến cho tình trạng tiêu tốn pin tiếp tục xảy ra.
Facebook tiếp tục hoạt động tới 3,4 giờ khi đã bị đẩy xuống dưới nền. |
Facebook đã "qua mặt" Apple như thế nào?
Khác với Android, iOS có cơ chế đa nhiệm khác hẳn, trong đó phần lớn các ứng dụng đều sẽ buộc phải hoàn thành phần lớn các tác vụ dang dở của mình trong vòng 10 phút khi bị "đẩy" xuống nền. Để không bị "ép" theo cơ chế này, các ứng dụng hoặc phải là ứng dụng VoIP (gọi qua mạng), phát nhạc hoặc có khả năng thông báo nội dung mới.
Một bức ảnh chụp từ các trang tin nước ngoài cho thấy Facebook sử dụng tính năng "Audio" (phát nhạc), song rõ ràng ứng dụng này không phải là một ứng dụng chơi nhạc hay có các tính năng tương tự. Facebook cũng có thể đã tận dụng 2 cơ chế còn lại (hoặc cả 3 cơ chế) để tránh bị đẩy xuống nền. Khi không bị iOS buộc ngưng, ứng dụng của Mark Zuckerberg sẽ bí mật làm mới thông tin bên trong, gây tốn pin vô ích cho người dùng.
Facebook bị phát hiện dùng pin cho tính năng phát âm thanh. |
Blogger công nghệ Nick Heer cho biết: "Đừng hiểu nhầm: hành động này rõ ràng là không thân thiện với người dùng. Facebook đang tìm cách để tiếp tục làm mới ứng dụng trong nền ngay cả khi người dùng đã trực tiếp yêu cầu ứng dụng này không được làm vậy. Thật trớ trêu là cách duy nhất để giảm mức độ ngốn pin và dữ liệu của Facebook là hãy bật tính năng Làm mới Ứng dụng Trong nền (Background App Refresh) trở lại".
Một blogger công nghệ khác có tên Federico Viticci cho biết: "Tôi đoán là Facebook đã chiếm quyền phát nhạc trên iOS bằng cách chơi một file âm thanh có nội dung yên lặng hoàn toàn ở dưới cùng. Và, do video trên Facebook tự động chơi trong cả chế độ Wi-Fi và mạng di động, cũng rất có thể Facebook sẽ luôn tìm ra cách để chơi video, giữ phần tiếng ở dưới nền, cùng lúc tiêu tốn pin của bạn vào các tác vụ dưới nền khác".
Bạn làm thế nào để tránh bị Facebook lợi dụng?
Bạn có rất nhiều cách để đưa mình ra khỏi cách lợi dụng mang tính chất "lừa đảo" này của Facebook. Dĩ nhiên, cách dễ dàng nhất trong số này là xóa ứng dụng Facebook trên iPhone/iPad của bạn. Nếu bạn có thể, hãy thử ngưng sử dụng mạng xã hội này trong vòng ít lâu – bạn sẽ thấy cuộc sống của mình thay đổi theo hướng tốt hơn.
Nếu để ý tới mức độ sử dụng pin trên iOS, bạn sẽ thấy ứng dụng Facebook lúc nào cũng đứng ở vị trí số 1 dù đã tắt tính năng tự làm mới nội dung.
Nếu vì một vài lý do khách quan mà bạn không thể bỏ Facebook (ví dụ như phải giữ quan hệ với đồng nghiệp), bạn có thể chuyển sang sử dụng Paper. Là ứng dụng đọc tin do Facebook tự phát triển, Paper cũng có gần như đầy đủ các tính năng của ứng dụng Facebook chính. Điều đáng tiếc là Paper đòi hỏi phần cứng khá nặng và cũng không hỗ trợ các chợ ứng dụng ngoài Mỹ. Bạn có thể chuyển chợ ứng dụng của mình sang App Store US rồi cài đặt ứng dụng đọc tin này.
Đơn giản hơn, bạn có thể dùng các trình duyệt như Safari hoặc Chrome để vào Facebook phiên bản di động. Nếu làm theo cách này thì bạn sẽ không nhận được các notification của Facebook lên màn hình.
Do Facebook có thể đã lợi dụng cơ chế VoIP, bạn có thể jailbreak iPhone của mình rồi cài đặt các bản tweak có tác dụng tắt VoIP trên iPhone. Bạn cũng có thể ngắt quyền sử dụng microphone của Facebook, song chúng tôi vẫn chưa xác định được cách làm này có tác dụng hay không.
Cuối cùng là cách bật tính năng Làm mới Ứng dụng Trong nền (Background App Refresh) như blogger Vittici giới thiệu ở trên. Khi bật lại tính năng này cho Facebook thì ứng dụng của Mark Zuckerberg sẽ không còn phải mượn đến những cách "chơi xấu" để giữ cho ứng dụng của mình tiếp tục hoạt động, nhờ đó giảm bớt mức độ tốn pin không cần thiết.
Hãy truy cập vào Cài đặt > Cài đặt chung > Làm mới Ứng dụng Trong nền để BẬT lại tính năng này. |
Dù sao thì cái kim của Facebook cũng đã lòi ra khỏi bọc, và gần như chắc chắn bàn tay kiểm duyệt gắt gao của Apple sẽ không cho phép ứng dụng di động này được tiếp tục làm phiền người dùng như vậy. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tới bạn đọc các thông tin mới liên quan đến chiêu trò này của Facebook.
Theo Vnreview