Tuy chủ trương của Chính phủ là tinh gọn thủ tục hành chính, nhưng trên thực tế, một số quy định hiện hành đòi hỏi các doanh nghiệp phải gõ nhiều cửa.

{keywords}

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Vũ Nhung.

Bất cập này được ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Giám đốc VNCERT nêu ra tại Lễ gặp mặt các cán bộ công chức, viên chức làm công tác pháp chế nhân ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) của Bộ TT&TT sáng nay, chẳng hạn như  theo dự thảo các quy định mới đây, một CP (nhà cung cấp nội dung) phải gõ cửa tới 3 nơi: Cục Viễn thông, Cục PTTH & TTĐT cũng như VNCERT khi muốn cung cấp một dịch vụ - rất phiền phức. "Với chủ trương của Chính phủ về thu gọn thủ tục hành chính, Vụ Pháp chế cần tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo Bộ tìm ra giải pháp khả thi, tạo điều kiện nhất cho doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh", ông Lịch nêu quan điểm.

Da số các ý kiến tại sự kiện đều nhất trí rằng, là đầu mối về thẩm định, tham mưu, góp ý, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành TT&TT, Vụ Pháp chế cần tăng cường vai trò của mình hơn nữa trong thời gian tới, để đảm bảo rằng các văn bản, quy định ban hành đều đạt chất lượng, tính khả thi cao, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, xã hội.

Ông Võ Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết trung bình mỗi năm, Vụ phải thẩm định trên 30 văn bản Quy phạm pháp luật và tham gia góp ý, tham mưu cho khoảng 500-600 lượt dự thảo văn bản (từ các đơn vị trong và ngoài Bộ).

Vụ đã có nhiều lỗ lực như phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tiến hành rà soát và hệ thống hóa 6 tháng/lần để kịp thời xây dựng, ban hành các quyết định về việc công bố "Danh mục văn bản QPPL về thông tin và truyền thông hết hiệu lực thi hành", nhằm thuận tiện cho việc tra cứu, tham khảo, cũng như làm cơ sở nghiên cứu, ban hành các văn bản mới để thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Rất đồng tình với các nội dung này, nhưng đại diện các Cục, vụ thuộc Bộ cho rằng, bản thân cơ sở dữ liệu về các văn bản còn hiệu lực cũng cần được bổ sung, cập nhật kịp thời, cũng như dễ dàng tiếp cận hơn để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thực thi pháp luật, xây dựng văn bản...

{keywords}

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng tặng hoa chúc mừng Vụ trưởng Vụ Pháp chế Võ Thanh Lâm. Ảnh: Vũ Nhung.

Cần tăng cường khâu giám sát thực thi

Ông Lâm cho biết, trong năm 2015, Vụ Pháp chế đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện một số nội dung của công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thi pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. Dù vậy, Cục trưởng Cục PTTH & TTĐT Hoàng Vĩnh Bảo thẳng thắn nêu ý kiến rằng, do lực lượng nhân lực quá thiếu nên khâu kiểm tra thực thi này chưa tương xứng với thực tế. "Đây là mảng rất quan trọng vì giúp phát hiện ra những điểm bất hợp lý trong quy định để kịp thời sửa đổi, nhưng ta chưa làm được tốt vì thiếu nhân lực quá", ông Bảo chân thành chia sẻ.

Bản thân ông Lâm cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều bất cập của công tác pháp chế thời gian qua như xây dựng văn bản QPPL còn chậm, nhiều khi văn bản ra đời nhưng tính thời sự không còn, chậm hơn so với thực tế. Số lượng văn bản đăng ký hàng năm tăng nhưng hiệu quả và tỷ lệ hoàn thiện văn bản đúng hạn còn thấp. Công tác rà soát, hệ thống hóa các văn bản QPPL chưa được công bố kết quả kịp thời, do đó gây ảnh hưởng đến quá trình thực thi. Việc kiểm tra và xử lý các văn bản QPPL còn nhiều hạn chế như về kỹ năng kiểm tra và xử lý các văn bản có dấu hiệu trái phép luật, chưa có một hệ thống các CSDL về kiểm tra văn bản QPPL....

Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là theo dõi tình hình thi hành pháp luật là công tác "mới và khó", dù Bộ Tư pháp đã mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn, song các tổ chức pháp chế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng về chuyên môn, nghiệp vụ..

Đẩy mạnh phối hợp về pháp chế

Góp ý cho hoạt động pháp chế trong thời gian tới, ông Lưu Đình Phúc, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho rằng, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp "chặt chẽ, nhiệt tình" giữa Vụ Pháp chế với lực lượng pháp chế ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. "Sự phối hợp này càng được tăng cường thì công tác xây dựng văn bản pháp luật càng đạt chất lượng tốt hơn", ông Phúc nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông kiến nghị Vụ Tư pháp nên tăng cường phản biện, góp ý cho các đơn vị ngay từ khi mới bắt tay vào xây dựng văn bản pháp luật để văn bản khi ban hành đạt được hiệu quả cao hơn.

Các Cục, Vụ thuộc Bộ đều cho rằng, rất cần tổ chức các Hội nghị tập huấn định kỳ để nâng cao nghiệp vụ pháp chế cho các cán bộ chuyên môn tại các đơn vị này, để chất lượng văn bản xây dựng mới, cũng như khâu thanh tra, kiểm tra việc thực thi thực tế đạt được kỳ vọng.

Bản thân ông Lâm cũng nêu ra một số kiến nghị, đề xuất với Lãnh đạo Bộ TT&TT về việc đảm bảo nguồn lực, ngân sách cho công tác pháp chế; sớm kiện toàn tổ chức và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ pháp chế, tạo điều kiện để công chức pháp chế tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ cũng như lĩnh vực chuyên ngành...

Các Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cũng cần nhận thức đầy đủ, thống nhất về vị trí, vai trò của công tác pháp chế, tăng cường nhân sự pháp chế, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn luật và kiến thức chuyên ngành cho đội ngũ này...

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng cho biết lãnh đạo Bộ hoàn toàn nhất trí với các kiến nghị đưa ra và cam kết sẽ tiếp tục quan tâm đến công tác pháp chế trong thời gian tới, cũng như sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho các cán bộ làm pháp chế. "Rất mong lực lượng pháp chế chủ động đề xuất hợp lý để công tác pháp chế đạt được hiệu quả cao nhất", Thứ trưởng bày tỏ.

  • T.C