Việc Việt Nam song song tồn tại 2 cách hiểu về sở hữu tên miền và sở hữu trí tuệ khiến cho việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn tên miền nảy sinh nhiều điểm bất hợp lý, dễ gây nhầm lẫn.

Hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ không quy định tên miền nằm trong phạm vi điều chỉnh. Điều 17, Nghị định 72 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng cũng quy định rõ nguyên tắc đăng ký tên miền là “Đăng ký trước được quyền sử dụng trước, trừ các tên miền được cho đấu giá theo quy định của pháp luật”. Luật Viễn thông còn cho phép nhà nước thu hồi những tên miền đặc biệt để phục vụ cho lợi ích chung.

{keywords}

Có thể nói tên miền và đối tượng sở hữu trí tuệ là hai khái niệm hoàn toàn độc lập với nhau. Cũng chính vì thế, các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cách thức giải quyết xung đột này là độc lập với nhau. Đã có các quy định, hướng dẫn từ mức Luật cho đến Nghị định của Chính phủ cũng như ở cấp Thông tư, trong đó đều thống nhất các vấn đề tranh chấp tên miền phải giải quyết thông qua thông lệ quốc tế: hoặc thương lượng hòa giải, hoặc giải quyết thông qua Trọng tài hoặc khởi kiện tại Tòa án.

Tuy vậy, một số văn bản quy phạm pháp luật (cấp Nghị định) mà Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KHCN) đã ban hành lại quy định giải quyết các tranh chấp về tên miền liên quan tới sở hữu trí tuệ thông qua biện pháp hành chính. Việc này đã gây ra khó khăn trong quá trình xử lý các vụ việc tranh chấp, vi phạm có liên quan, VNNIC cho biết.

Chẳng hạn như nhãn hiệu “THĂNG LONG” có thể được chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp khác nhau theo các loại hình bảo hộ khác nhau theo đặc thù loại hình kinh doanh của họ (Thuốc lá, xây dựng, kinh doanh địa ốc, giáo dục) khi kết hợp với yếu tố về hình, chữ, màu sắc và ký hiệu. Tuy nhiên, khi chuyển sang tên miền tương ứng thì chỉ có duy nhất dãy ký tự THĂNG LONG được đăng ký trong tên miền. Cụ thể là tên miền thanglong.vn do Công ty thuốc lá Thăng Long đăng ký sử dụng tên miền thì có được coi là chiếm giữ tên miền của Tổng Công ty xây dựng Thăng Long hay Công ty giáo dục Thăng Long hoặc Trường Đại học Thăng Long không? Ở đây không phân biệt được ai chiếm giữ tên miền của ai và làm ảnh hưởng đến chủ thể nào.

Nếu xử phạt và thu hồi tên miền chỉ dựa trên căn cứ hành vi "đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của người khác được bảo hộ" sẽ là bất hợp lý, chuyên gia của VNNIC phân tích.

Hơn nữa, nếu chỉ riêng tên miền thì cũng không nói lên được điều gì (vì tên miền chỉ mang tính định danh trên Internet, thay thế một dãy địa chỉ IP toàn số khó nhớ). Muốn xét có cạnh tranh không lành mạnh hay không thì phải xem xét các nội dung thông tin trên website sử dụng tên miền đó có nói xấu, dìm hàng các đối thủ cung cấp sản phẩm tương tự hay không.

Theo Giáo sư David H.Bernstein, Luật sư Trường Đại học New York và Đại học George Washington, Thành viên Hội đồng của Trung tâm Trọng tài WIPO thì Việt Nam nên xem xét áp dụng chính sách giải quyết của UDRP (Chính sách thống nhất giải quyết tranh chấp tên miền). Hơn 15 năm qua, UDRP đã được tham vấn, xây dựng bởi rất nhiều chuyên gia về công nghệ thông tin và chuyên gia sở hữu trí tuệ, hỗ trợ hiệu quả cho nhiều quốc gia thiết lập các điều kiện và thủ tục giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia phù hợp với thông lệ quốc tế.

"Để giải quyết được các khó khăn trong quá trình thực thi pháp luật của Việt Nam, cần có các quy định thống nhất về một đầu mối chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề về tên miền thay vì có hai cơ quan (Bộ TT&TT, Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng tham gia như VN hiện nay. Điều quan trọng là xây dựng một chính sách rõ ràng, cụ thể và mọi quyết định liên quan đến tên miền phải căn cứ theo chính sách đó. Việc kết luận chủ thể đăng ký tên miền đã đăng ký và sử dụng tên miền với dụng ý xấu phải căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó xem xét đến các nội dung thông tin trên Website sử dụng tên miền đó chứ không chỉ đơn thuần dựa vào các ký tự tạo ra tên miền", ông Bernstein nhấn mạnh.

T.Y