Tốc độ rùa bò, không bằng nước khác, chất lượng lõm bõm... đó dường như là những lời phàn nàn quen thuộc của người dùng Việt phải nhận xét về chất lượng dịch vụ 3G di động trong nước. Ấy thế nhưng, đấy lại là ý kiến của người tiêu dùng tại Anh vừa được truyền thông nước này đăng tải.

Trong bài báo có tiêu đề "Siêu tốc hay rùa bò - mạng băng rộng của Anh có tốc độ ra sao?", hãng thông tấn BBC cho biết,  cuộc tranh cãi về tương lai băng rộng di động tại Anh đang trở nên nóng hơn bao giờ hết, với nhân vật mới nhất đổ dầu vào lửa là Vittorio Colao, Tổng giám đốc của mạng Vodafone, với tuyên bố nước Anh đang thua xa các quốc gia châu Âu láng giềng như Tây Ban Nha và Ý về tốc độ mạng.

{keywords}

"Ở Anh, bạn chỉ được dùng tốc độ 10 mbps, trong khi cũng chính mạng Vodafone khi cung cấp dịch vụ tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý lại đạt đến tốc độ 100, 200, thậm chí là 300 mbps".

Câu hỏi đặt ra là có phải là những nước này đang đạt tốc độ trung bình cao gấp 10, 20 hay 30 lần so với Anh hay không? Nghe có vẻ không hợp lý lắm. Một báo cáo từ Akamai mà BBC có được tiết lộ, tốc độ mạng băng rộng di động tại Ý đã tăng lên trong năm qua, nhưng chỉ đạt 6.1 Mbps, trong khi tốc độ trung bình tại Anh là 11.6 Mbps. Thậm chí nghiên cứu của Ofcom còn đưa ra con số cao vút 22.6 Mbps. Rõ ràng là do sử dụng các phương pháp đo lường khác nhau nên sai số của các báo cáo về tốc độ mạng là rất lớn.

Tuy nhiên, một khả năng khiến cho chất lượng mạng Vodafone tại Anh không bằng Vodafone ở các nước khác là vì Tập đoàn BT chuyên cung cấp hạ tầng viễn thông, Internet cho toàn nước Anh hiện vẫn rất "cứng đầu", nhất quyết không chịu từ bỏ mạng cáp đồng và đầu tư thích đáng cho các hạ tầng hiện đại hơn.  Vodafone cũng tin rằng, BT - Tập đoàn đang sở hữu British Telecom đã không cho phép Vodafone tiếp cận toàn quyền với hạ tầng để chạy các trục cáp quang trên toàn mạng lưới, đến tận khu vực nông thôn xa xôi nhất - điều mà ở Ý và Tây Ban Nha, mạng này đã làm được.

Bản thân báo chí Anh cũng đã dẫn lại nhiều câu chuyện khó tin về mức độ chậm chạp của mạng thời gian gần đây, và đáng lo hơn, chúng không chỉ do người dùng nông thôn than phiền. Một người dùng sống ở ngay khu phố cổ trung tâm, đối diện Canary Wharf (London) cho biết, trầy trặt lắm anh này mới đạt được tốc độ hơn 1Mbps. Các phóng viên đã nhanh chóng xác minh tính chính xác của lời phàn nàn này bằng cách kiểm tra lịch sử tốc độ mà nhà mạng cung cấp. Họ phát hiện thấy, dù nhà mạng luôn hứa hẹn "tốc độ tối thiểu" là 2.5 Mbps, nhưng hiếm khi tốc độ thực tế đạt được đến 2 Mbps chứ đừng nói là con số tối thiểu kia.

{keywords}

Thậm chí ở Anh, người ta còn truyền tai nhau khái niệm "Notspot" - để chỉ những khu vực trắng sóng (hoàn toàn không có kết nối Internet băng rộng hoặc sóng 3G, hoặc giả là tốc độ rất chậm, phập phù, lúc có lúc không). Vấn đề chất lượng truy cập Internet và phủ sóng kém thậm chí còn được đưa ra tranh luận ở Quốc hội trong suốt 3 tiếng đồng hồ, nơi các nghị sĩ đến từ khắp nơi trên nước Anh chỉ trích nhà mạng là mạng 3G "không hoạt động" ở khu vực của họ, dù Chính phủ đã rót hàng tỷ Bảng cho BT để cải thiện hạ tầng băng rộng cố định và di động. 

Nhiều lời kêu gọi đã được phát tới Chính phủ về việc chủ trì một "Hội nghị thượng đỉnh Not-spot", nơi các cử tọa bàn giải pháp để phủ sóng nốt 5% dân số còn chưa được tiếp cận băng rộng (cố định lẫn di động) tại nước này, cũng như mổ xẻ xem chiến lược băng rộng tổng thể quốc gia có thực sự hiệu quả hay không, tương lai của Tập đoàn cung cấp hạ tầng BT sẽ như thế nào....

Còn tại Mỹ, hồi tháng 6 vừa qua, nhà mạng di động lớn thứ hai tại Mỹ AT&T cũng đã bị Chính phủ xử phạt 100 triệu USD vì tội "gây hiểu lầm" cho các thuê bao về gói cước 3G không giới hạn mà mạng này cung cấp. Cụ thể, khách hàng sử dụng gói cước không giới hạn của AT&T phải dùng mạng tốc độ chậm hơn sau khi dùng hết 3GB dữ liệu 3G hoặc 5GB dữ liệu 4G, song AT&T không hề thông báo trước cho người dùng về điều này.

Có vẻ như câu chuyện chất lượng mạng không phải là mối bận tâm của riêng nước nào, khi mà giữa kỳ vọng với thực tế luôn tồn tại khoảng cách nhất định. Giữa những điều nhà mạng hứa hẹn với trải nghiệm thực tế của người dùng là muôn vàn câu chuyện để nói. Bản thân nhà mạng lớn nhất Việt Nam hiện nay là Viettel cũng đã phải thừa nhận "thất bại với 3G" trong một Hội thảo hồi cuối tháng 10, do cách tiếp cận và mô hình kinh doanh không thật sự phù hợp.

Trước đó, hồi tháng 4, báo cáo của NetIndex đã khiến nhiều người dùng bất ngờ khi tốc độ 3G của Việt Nam chỉ xếp thứ 113/114 khu vực được khảo sát, thua cả Lào và Campuchia. Và cũng giống như trường hợp của nước Anh, hai mạng di động lớn nhất đang cung cấp tại Lào và Campuchia đều là liên doanh của nhà mạng VN với doanh nghiệp viễn thông bản địa.

Tốc độ di động của khu vực châu Á năm 2014 hiện đang thấp hơn mức trung bình thế giới: 10,9 Mbps so với 12,4 Mbps. Riêng tốc độ tại Việt Nam, theo NetIndex, chỉ bằng khoảng 1/5 con số này, với 1,9 Mbps. Hai quốc gia châu Á đạt tốc độ cao nhất là New Zealand và TQ, lần lượt ở mức 27,7 mbps và 27,6 Mbps vì đều đã triển khai mạng 4G từ năm ngoái.

Dù vậy, một số chuyên gia viễn thông cho rằng, các số liệu chỉ mang tính chất tham khảo vì cách thức tính của mỗi tổ chức phụ thuộc nhiều yếu tố khác nhau.

Phương Lâm

Vodafone là một tập đoàn viễn thông đa quốc gia được thành lập năm 1991 tại Anh, cung cấp dịch vụ viễn thông di động và cố định, dịch vụ Internet và truyền hình số. Năm 2013, Vodafone là doanh nghiệp viễn thông di động lớn thứ hai thế giới xét về cả số lượng thuê bao lẫn doanh thu, chỉ sau China Mobile. Doanh thu năm 2014 của mạng này đạt 38,85 tỷ Bảng (58,87 tỷ USD), lợi nhuận 13.8 tỷ USD, hơn 434 triệu thuê bao. Hiện tại, Vodafone đang trực tiếp cung cấp dịch vụ tại 23 quốc gia trên toàn thế giới và có đối tác liên kết tại hơn 40 thị trường khác.

BT Group là Tập đoàn viễn thông đa quốc gia đang sở hữu British Telecommunications plc, có trụ sở tại London, Anh và đang hoạt động tại hơn 170 thị trường. Doanh thu năm 2014 của Tập đoàn này đạt 27.7 tỷ USD, lợi nhuận hơn 3 tỷ USD và có hơn 87.000 nhân viên.